Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Kế hoạch hành động kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, đặc biệt là xe công, vừa được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho biết, đây là một kế hoạch hành động liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ việc tiết kiệm trong mua sắm đến sử dụng hiệu quả vốn trong đầu tư xây dựng.
- Mua sắm xe công, trang bị phương tiện làm việc, xây dựng trụ sở vượt tiêu chuẩn gây lãng phí là điều đã được đề cập nhiều trong những năm qua nhưng mọi chuyện vẫn cứ tồn tại. Liệu lần này kế hoạch hành động có làm đến tận cùng việc xử lý đối với những trường hợp lãng phí đó?
- Trong những năm qua đã có xử lý đối với những trường hợp mua sắm, sử dụng tài sản lãng phí. Tuy nhiên, việc xử lý mới chỉ dừng ở mức cắt một phần ngân sách của đơn vị sai phạm để bù vào phần đã chi vượt tiêu chuẩn, tức là xử lý tập thể chứ chưa đi đến xử lý cụ thể từng cá nhân, chưa bắt từng cá nhân bỏ tiền túi ra mà đền được.
- Đơn vị tổ chức nào cũng có người đứng đầu, tại sao lại không xử lý được?
- Rất nhiều trường hợp khi mà chiếu theo các quy định để xử lý thì họ lại nói là “cái này đã xin ý kiến của cấp trên, được đồng ý rồi mới ký quyết định mua sắm”, như thế thì xử lý làm sao? Cho đến gần đây, chúng ta chưa có những quy định cụ thể nào về việc này nên rất khó xử lý. Phải đến bây giờ, khi Luật thực hành tiết kiệm - chống lãng phí có hiệu lực (từ 1/6/2006) thì việc xử lý sẽ dứt khoát: Tôi không cần biết như thế nào, cứ anh ký là anh phải chịu trách nhiệm, phải bỏ tiền túi của anh ra mà đền cho phần chi vượt đó. Có như vậy mới thật sự ngăn chặn được việc chi tiêu lãng phí. Và trong dự thảo kế hoạch hành động cũng đã làm rõ chuyện này.
- Mua sắm là một chuyện, còn chuyện sử dụng tài sản công, chẳng hạn như xe công, thì sẽ quản lý như thế nào để thật sự tiết kiệm?
Thu hồi hết các trụ sở cơ quan sử dụng không đúng mục đích. Thực hiện việc bố trí sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trong toàn quốc theo nguyên tắc thu hồi ngay các trụ sở sử dụng không đúng mục đích như cho thuê, làm nhà ở, dùng sản xuất kinh doanh không thuộc chức năng nhiệm vụ hoặc sử dụng vượt quá tiêu chuẩn, chế độ để điều chuyển sang nơi thiếu. Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về: xử lý, bố trí, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và quyết định về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà công vụ để thực hiện từ quí 1/2006; ban hành quyết định qui định cụ thể về việc nhận quà biếu, quà tặng đối với cán bộ, viên chức nhà nước trong thi hành công vụ để thực hiện từ 1/6/2006. (Theo dự thảo kế hoạch hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ) |
- Bộ Tài chính đã tính đến chuyện khoán kinh phí cho người có tiêu chuẩn, chế độ sử dụng phương tiện đi lại cũng như thuê phương tiện đi lại của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ở những thành phố có điều kiện thuận lợi. Làm như vậy, tôi nghĩ rằng sẽ tiết kiệm được nhiều.
Nói thẳng là xe trang bị cho cán bộ, ngoài chuyện đưa đón từ nhà đến công sở, đi họp hành thì còn sử dụng vào rất nhiều chuyện khác nữa. Mà chi phí cho phương tiện đi lại của mỗi cá nhân thì thường ít nhất là 7 triệu đồng/tháng, từ xăng, sửa chữa, bảo dưỡng cho đến lương của lái xe, chưa kể tiền mua xe cũng phải 600-700 triệu đồng. Thế nên nếu thực hiện khoán chi thì tôi nghĩ rằng có thể tiết kiệm được tới một nửa số tiền đó.
- Việc khoán kinh phí phương tiện đi lại sẽ triển khai đối với những đối tượng nào?
- Về đối tượng áp dụng, đối với cấp bộ trưởng thì sẽ vẫn có trang bị phương tiện riêng, nhưng đối với cấp thứ trưởng trở xuống, tôi nghĩ rằng có thể áp dụng được việc khoán kinh phí như vậy.
Trong kế hoạch, Bộ Tài chính dự kiến sẽ thí điểm trước tiên đối với chính Bộ Tài chính, sau đó sẽ rút kinh nghiệm để áp dụng rộng rãi đối với các bộ, các cơ quan khác. Mới đây, Văn phòng Quốc hội cũng đã bày tỏ ý định xin được áp dụng thí điểm như Bộ Tài chính.
- Tại sao chúng ta không áp dụng biện pháp khoán xe công từ sớm mà phải chờ đến bây giờ?
- Có nhiều người vẫn nghĩ rằng đến cấp có tiêu chuẩn sử dụng phương tiện thì phải sử dụng để đảm bảo thời gian đi lại, họp hành cho thuận tiện. Nhưng đến bây giờ thì tư duy này đã bắt đầu chuyển dần. Và tôi nghĩ rằng khi áp dụng hình thức khoán này, cộng với những chính sách khuyến khích khác, việc giảm dần những đối tượng sử dụng xe công đưa đón có thể thành công. Tất nhiên đó không phải là việc có thể làm ngay trong ngày một ngày hai mà phải làm dần dần, cũng phải có một khoảng thời gian tương đối.
- Nhưng như vậy thì số lượng xe đã trang bị cho các cơ quan để đưa đón cán bộ sẽ giải quyết ra sao?
- Theo thống kê của chúng tôi, trong tổng số xe các bộ, ngành đang quản lý, có quá nửa đã khấu hao trên 50%. Như vậy thì việc giảm dần số xe trong phần quản lý của Nhà nước là điều hoàn toàn khả thi, nhất là khi Bộ Tài chính đình chỉ hoàn toàn việc mua sắm xe mới nếu không phải là thật sự cấp bách. Trong khi đó, những xe đang sử dụng tốt cũng hoàn toàn có thể chuyển nhượng lại cho những đơn vị hoạt động dịch vụ, công ích để họ đảm nhận phần việc đưa đón cán bộ nhà nước có tiêu chuẩn luôn.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Quảng Trị ghi danh bản đồ dịch cúm gia cầm (26/12/2005)
▪ Lãng phí là phạm tội! (27/12/2005)
▪ Lời xin lỗi (26/12/2005)
▪ Mối quan hệ giữa dân số và nghèo đói (26/12/2005)
▪ Ăn no mà không sợ mập (26/12/2005)
▪ Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng bộ Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (26/12/2005)
▪ Một cách bảo vệ nước giếng ở vùng lũ lụt (26/12/2005)
▪ Ðâu là lời giải bài toán giao thông đô thị? (26/12/2005)
▪ Quốc hội với sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc (26/12/2005)
▪ Hàng Việt “đứng” được trên đất Campuchia (26/12/2005)