Lãng phí là phạm tội!
Các Website khác - 27/12/2005

Lãng phí là phạm tội!
Tô Phán

Ngày hôm qua (26.12) theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2006. Cũng trong ngày 26.12, một số bộ khác cũng trình Thủ tướng kế hoạch đẩy lùi lãng phí trong ngành.

Như vậy là sau những cố gắng mang tính tình thế nhằm chống lãng phí - một căn bệnh có mức độ nguy hiểm không kém gì tham nhũng đối với sự phát triển xã hội - đã được cụ thể hoá bằng chương trình hành động một cách bài bản.

Bệnh lãng phí của công đã xuất hiện từ khi xã hội loài người bắt đầu có hình thái nhà nước. Các cụ xưa đã có câu "Cha chung không ai khóc" để chỉ bệnh lãng phí của công. Thẳng thắn đánh giá thì căn bệnh lãng phí ở nước ta hiện nay đã trở thành dịch, có ở mọi nơi, mọi lúc. Và điều nguy hiểm là tâm lý ứng xử của mỗi cán bộ, công chức trong việc "tiêu pha" của cải của Nhà nước, từ tài sản có thể đo đếm được như tiền của, vật dụng (nhà ở, trụ sở, ôtô, điện, nước...) đến thứ tài sản vô hình như chất xám, thời gian..., đều có một thói quen chung: Của công ấy mà!

Lãng phí lớn nhất ở nước ta hiện nay là lĩnh vực đầu tư xây dựng. Chính Bộ Xây dựng qua 17 dự án có số vốn 14 ngàn tỉ đồng, đã phát hiện sai phạm 2 ngàn tỉ đồng- trong đó thất thoát, lãng phí trên 477 tỉ đồng.

Đối với những người có lòng tham thì sẽ cố tình biến bệnh lãng phí thành tham nhũng (đã trở thành sự liên thông: Lãng phí thường đi liền với tham nhũng và tham nhũng được đánh lận sang lãng phí để né trách nhiệm) - đương nhiên là có tội.

Còn đối với người không có lòng tham thì thái độ thờ ơ trước của công bị mất mát - được quy là lỗi, song suy cho cùng cũng là có tội.

Thế nhưng trong một thời gian quá dài ở góc độ pháp luật, việc không coi lãng phí là có tội và việc xử lý những người mắc "lỗi" lãng phí chỉ nhẹ nhàng, với những hình thức vô thưởng vô phạt như nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo..., đã khiến cho bệnh lãng phí càng ngày càng đáng sợ hơn. Chính vì cách xử lý như vậy nên việc chống lãng phí lâu nay vẫn như.... ném đá ao bèo.

Đã đến lúc không thể ngồi yên trước bệnh lãng phí được nữa. Chính phủ đã tuyên chiến với lãng phí. Năm 2006 sẽ là năm cuộc chiến đấu này sẽ quyết liệt bằng việc thực thi các quy định pháp luật, bằng chương trình hành động cụ thể.

Dẫu biết làm là khó, nhưng khó mà không làm lại là có tội. Sự kiên quyết của Chính phủ phải được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng thực thi trong thực tế chứ không phải trên giấy tờ.

Ngoài những biện pháp quan trọng của các cấp hữu quan, thì một vấn đề cơ bản và có tính quyết định nhất trong cuộc chiến là phải thay đổi quan điểm về lãng phí: Lãng phí là có tội, chứ không phải là có lỗi. Một khi lãng phí được coi là tội, thì rõ ràng người muốn lãng phí phải cân nhắc trước khi thực hiện bất cứ hành vi nào liên quan đến lãng phí của công!