Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã qua đời
Các Website khác - 12/06/2008

Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản VN vừa ra thông cáo đặc biệt cho biết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt do tuổi cao, bệnh nặng đã từ trần hồi 7h40 ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi.

>> Một trái tim lớn đã ngừng đập

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt được đánh giá là nhà lãnh đạo kiệt xuất thời kỳ Đổi mới.

Tổ chức quốc tang trong hai ngày 14 và 15/6

Thông cáo ra chiều 12/6 cho biết: BCH TƯ Đảng Cộng sản VN, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, UB TƯ MTTQ Việt Nam vô cùng thương tiếc báo tin đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên ủy viên Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng Cộng sản VN, nguyên Thủ tướng, nguyên cố vấn BCH TƯ, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng đã từ trần hồi 7h40 ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi.

Hoạt động cách mạng liên tục trên 70 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thông cáo viết.

Để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Võ Văn Kiệt, BCH TƯ Đảng Cộng sản VN, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, UB TƯ MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí với nghi thức quốc tang.

Linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt quàn tại Hội trường Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh, lễ viếng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, từ 8h ngày 14/6 đến 8h30’ ngày 15/6/2008. Lễ truy điệu được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất bắt đầu từ 9h ngày 15/6, lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại nghĩa trang TP. Hồ Chí Minh.

Trong hai ngày quốc tang 14 và 15/6, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là Trưởng ban tang lễ.

Danh sách Ban lễ tang đồng chí Võ Văn Kiệt:

1. Ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban lễ tang.

2. Ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

6. Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

7. Ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

8. Ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

9. Ông Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao.

10. Ông Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

11. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng.

12. Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an.

13. Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

14. Ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

15. Bà Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

16. Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

17. Ông Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

18. Ông Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

19. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

20. Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

21. Bà Hà Thị Khiết, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

22. Ông Trần Văn Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.

23. Ông Võ Hồng Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư.

24. Ông Trần Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ.

25. Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động.

26. Ông Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân.

27. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa,  Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

28. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM.

29. Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam.

30. Ông Trương Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.

31. Ông Phan Tấn Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

32. Ông Trương Quốc Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.

33. Ông Võ Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau.

Nhà lãnh đạo kiệt xuất thời kỳ Đổi mới

Tên tuổi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn liền với một giai đoạn lịch sử oai hùng và đầy thử thách của dân tộc qua những hoạt động phong phú và nổi bật mang dấu ấn đặc sắc, dấu ấn Võ Văn Kiệt. Dấu ấn về tư tưởng và quyết tâm đổi mới đất nước, đưa đất nước vượt qua tình trạng khó khăn, trì trệ, từng bước phát triển và hội nhập. Dấu ấn về bầu nhiệt huyết không hề vơi cạn theo thời gian và tuổi tác của con người.

Từ trái sang phải: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Xô, Phạm Thái Bường (Ba Bường), và Võ Văn Kiệt thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Võ Văn Kiệt thuộc thế hệ lãnh đạo hàng đầu đi tiên phong trên con đường đổi mới đất nước. Ông quan niệm rõ ràng và nhất quán về đổi mới: “Đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản, hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người”.

Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon: "Ông Võ Văn Kiệt là động lực trong công cuộc cải tổ kinh tế của Việt Nam... Cố Thủ tướng đã đóng vai trò tối quan trọng trong cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước trên thế giới".

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: "Sự lãnh đạo của ông Võ Văn Kiệt đã cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người Việt Nam... Các nỗ lực của ông đã giúp mở đường cho bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: "Ông Võ Văn Kiệt là bạn lâu năm của Singapore, người đặt nền móng cho quan hệ thân cận giữa hai nước... Trong thời gian ông Kiệt làm Thủ tướng, Việt Nam đã tham gia ASEAN năm 1995 và đồng sáng lập đối thoại Á - Âu vào một năm sau đó".

Ông là nhà lãnh đạo có sự đóng góp xuất sắc bởi tầm nhìn sâu rộng và trí tuệ sắc sảo. Những phẩm chất tiêu biểu đó, một phần do bẩm sinh, do tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn lâu dài ở những nơi đầu sóng ngọn gió của cách mạng, và đặc biệt do phong cách gần gũi bình dị, khả năng tập hợp và khai thác có hiệu quả những tri thức tiên tiến của một tập thể chuyên gia giỏi về nhiều mặt: chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá nghệ thuật v.v….

Nhờ thế, ông cùng với lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa ra được những quyết sách đúng đắn, những giải pháp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước. Nhiều chủ trương của Chính phủ mang dấu ấn của cá nhân Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn, nhưng không phải được mọi người đồng tình ngay từ đầu.

Để biến đường lối, chủ trương thành hiện thực, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng thể hiện một phong cách lãnh đạo sâu sát, cụ thể và đặc biệt lòng dũng cảm đến mức quyết liệt. Và trên hết là bầu nhiệt huyết đối với vận mệnh của đất nước và số phận của nhân dân không hề vơi cạn.

Ông thể hiện phong cách, tinh thần đó không chỉ khi ở cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của một thành phố (Bí thư Thành uỷ TP. HCM), của Chính phủ, mà cả khi ông không còn giữ trọng trách nào trong Đảng và Nhà nước. 

Nhà phản biện xã hội

Những năm sau khi về hưu, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nổi tiếng là một người phản biện sắc sảo, dám nêu chính kiến thẳng thắn với các cơ quan Đảng và Nhà nước với tinh thần góp ý, xây dựng.

Trong 10 năm: 1997 – 2007, trước mỗi sự kiện nóng bỏng, quan trọng mang tầm quốc gia hoặc ảnh hưởng lớn đến quyền lợi nhân dân, lại thấy Công dân Võ Văn Kiệt lên tiếng. Có khi là một bài viết, có lúc là bài trả lời phỏng vấn, và đặc biệt có cả những bức thư ngỏ công khai gửi lên các cấp lãnh đạo đất nước.

Trong thời gian gần đây, ông phát biểu ý kiến, kiến nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước dồn dập hơn. Từ những vấn đề trọng đại như ý kiến “đóng góp với đại hội X”, hòa hợp dân tộc, đến những kiến nghị, góp ý, phát biểu về những sự việc cụ thể như quy hoạch thành phố dọc sông Hồng, việc xây nhà Quốc hội v.v....

Những ý kiến của ông được trình bày thẳng thắn và chứa tâm huyết lớn với nước với dân. Dù được chấp nhận hay không, các ý kiến của ông đều rất quý, rất đáng trân trọng, phù hợp lòng dân và được người dân mong chờ, đón nhận.

Tư tưởng “đổi mới”, hành động “đổi mới”, công lao trong sự nghiệp “đổi mới” cùng với bầu nhiệt huyết với đất nước và nhân dân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước xuất sắc, một hình ảnh tiêu biểu của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. 

Một số bài viết và trao đổi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

TIN LIÊN QUAN

Tiểu sử cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Đồng chí Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1938, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ, Huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long.

Từ năm 1941 - 1945: Hoạt động cách mạng ở Rạch Giá, tham gia Tỉnh ủy lâm thời và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Rạch Giá.

Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, đồng chí làm Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ.

Năm 1950, đồng chí được điều về tỉnh Bạc Liêu làm Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Năm 1955, đồng chí được bầu vào làm Ủy viên xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang.

Năm 1959, đồng chí được điều về Khu Sài Gòn - Gia Định làm Bí thư khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định) cho đến cuối năm 1970.

Tại ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng. Là Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, đồng chí tiếp tục làm Bí thư khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định), rồi Bí thư Khu 9 (Khu Tây Nam Bộ).

Năm 1972 đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III.

Từ năm 1973 đến 1975 đồng chí được điều về công tác ở Trung ương Cục và là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Trong thời gian chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm Đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban Quân quản hành phố Sài Gòn.

Năm 1976 đồng chí làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI.

Tại ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Tại ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3 - 1982), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Tại ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12 - 1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung uơng Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 02 - 1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII và được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng.

Tại ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6 - 1991), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất QH khóa VIII, đồng chí được QH phê chuẩn giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tại kỳ họp thứ 9, QH khóa VIII (tháng 8/1991), đồng chí được QH bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam.

Tại ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng, được BCH Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Tại kỳ họp thứ nhất QH khóa IX (1992 - 1997), đồng chí được QH bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001, đồng chí được Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa VIII cử làm cố vấn BCH Trung ương Đảng Cộng sản VN.

Đồng chí là ĐB Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.

Do có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều huân chương, huy chương cao quý khác và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.

  • VietNamNet