Nhà máy MDF Việt - Trung gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Các Website khác - 12/01/2006
Người dân xã Nghĩa Quang (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã phải chịu đựng cảnh sống trong môi trường ô nhiễm nặng do sản xuất của nhà máy tấm gỗ nhân tạo (MDF) Việt – Trung. Nhiều lầnkiến nghị nhưng không được chấp nhận, họ đành tự cứu mình bằng cách lập "trạm chốt" ngăn việc nhà máy tiếp tục sản xuất.
Nhà máy tấm gỗ nhân tạo Việt - Trung thuộc Công ty TNHH tấm gỗ nhân tạo Việt - Trung (MDF) đặt tại xã Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn, cạnh sông Hiếu, hằng ngày thải ra nhiều phế thải khiến hơn 2.000 người dân của bốn xóm Lam Sơn, Quang Thịnh, Quang Phú và xóm 250 luôn nghẹt thở do mùi "ngô thối".

Có mặt tại khu vực này, chúng tôi thấy hai bên đường vào các ngõ xóm, các lùm cây đều phủ một lớp bụi dày mầu hồng. Trước cổng nhà máy, một trạm "chốt" được người dân dựng lên để ngăn không cho nhà máy tiếp tục sản xuất.

Một người dân nói: "Không chịu mãi được khi phải sống trong một môi trường ô nhiễm như vậy, cho nên từ 8 giờ 30 phút ngày 8-1, chúng tôi đã báo cáo chính quyền rồi họp nhau kéo đến nhà máy yêu cầu ngừng hoạt động. Bà con sinh sống chung quanh nhà máy cắt cử thay phiên nhau chốt giữ ở đây 24/24".

Ông Hồ Thịnh Vượng, xóm 4 cho biết: "Nhà máy hoạt động tại đây đã 18 tháng, từ ngày đi vào hoạt động, chúng tôi khổ vì bụi, khói, tiếng ồn và mùi hôi hắc... giếng nước đen sì, mùi thối như cóc chết. Quanh vùng lúa không mọc nổi, cá chết trắng ao. Lâu dài chúng tôi không thể sống nổi".

Bà Hội trưởng Phụ nữ xóm Quang Thịnh, cũng bức xúc không kém: "Nếu không chuyển được nhà máy thì chuyển dân đi chỗ khác. Chúng tôi không thể sống chung với ô nhiễm được nữa. Ở làm sao được khi không nuôi trồng được cây, con gì. Đặc biệt cả bốn xóm nồng nặc một mùi hôi thối. Cứ đà này thì chúng tôi sẽ có đến bốn làng ung thư chứ không phải một như ở tỉnh Phú Thọ".

Vào nơi ở của một số hộ dân chung quanh vùng nhà máy, giếng nước nhà ông Võ Thanh Tao, xóm Quang Tiến, có mầu nước đen sì và mùi vừa tanh vừa hôi, đổ gàu nước xuống nền giếng, bọt trắng nhờn nhợt nổi lên rất nhiều. Ông cho biết: "hàng chục năm nay, vào mùa cạn, giếng chỉ khoảng 2,5 mét nước. Từ ngày nhà máy hoạt động, giếng đã lên đến hơn mười mét nước. Mấy tháng nay không dùng được, phải đi xin nước từ xóm khác". Tại xóm Lam Sơn cũng tương tự. Nhà ông Lê Đình Sơ và bà Nguyễn Thị Lam nước giếng cũng nặc mùi thum thủm, cá trong ao cũng không còn. Ông Sơ nói: "Ở đây ồn ào khó chịu lắm, tui bắt đầu mắc chứng đau đầu, rửa nước giếng xong bẩn ngứa khắp người". Cả khu vực này đều đang phải gánh nước từ sông Hiếu về dùng. Cây trồng của nhiều hộ héo úa, không phát triển được do bụi gỗ phủ.

Đến trường tiểu học Nghĩa Quang 1, thầy hiệu trưởng Chu Văn Cương chỉ lên tủ, lên bàn, đặc biệt là bậu cửa chỗ nào cũng phủ một lớp bụi mùn gỗ. Thầy Cương cho biết: "Hằng ngày các phòng làm việc của nhà trường luôn phải đóng và buông rèm che kín mít để chống bụi. Giáo viên cứ rời bục giảng là phải đeo khẩu trang. Còn học sinh thì ho, viêm hô hấp. Việc các cháu ngồi học đồng loạt ho, đồng loạt dụi mắt là chuyện thường xuyên. Nhiều cha mẹ học sinh đến trường đề nghị cho con em nghỉ học nhưng tôi không được phép".

Ông Nguyễn Huy Cường, đại diện cha mẹ học sinh cũng rất bức xúc: "Mùa này còn đỡ, mùa hè mắt đứa nào đứa nấy đỏ như mắt cá chày, đi học về là ngồi ho như cụ già. Hằng ngày, nhìn các cháu tan trường về nhà giống như đi qua vùng có dịch H5N1, khẩu trang trắng đường". Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch UBND xã, ông cho biết: "Việc nhà máy gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, ô nhiễm cả nguồn nước lẫn không khí. Ba thứ thải của nhà máy là bụi, tiếng ồn và nước, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế và sức khỏe của dân.

Đã hai lần bà con trong xã báo cáo chính quyền, rồi kéo lên nhà máy yêu cầu có giải pháp cải thiện môi trường. Xã cũng nhiều lần làm việc với nhà máy và các cơ quan liên quan yêu cầu giải quyết. Lãnh đạo nhà máy hứa sẽ khắc phục, nhưng rồi đâu lại vào đó. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn yêu cầu nhà máy ngừng sản xuất để hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường, nhưng họ vẫn không chấp hành.

Trước khi rời xã Nghĩa Quang, chúng tôi nghe trong số hơn 100 người dân kéo vào nhà máy ngày 8-1 nói rằng, họ đề nghị gặp tổng giám đốc để đưa yêu sách nhưng không được. Cô Hà, kế toán trưởng của nhà máy này đã nói: "... Các ông bà đừng kéo đến đây mất thời gian, Nhà máy chúng tôi hoạt động vì đã có bảo lãnh". Liệu câu nói này có phản ánh đúng sự thật khi Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3178/CV-TNMT-MT ngày 20-12-2005: "Việc ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của nhà máy theo phản ánh của địa phương là có thực. Nhà máy đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường; sản xuất vượt công suất cho phép gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân"?

MINH THƯ