Nhếch nhác như... bảo tàng
Các Website khác - 04/09/2005
Một điểm kinh doanh trong khuôn viên Bảo tàng TPHCM ở góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn.

Bảo tàng vốn là nơi trưng bày cổ vật để khách tham quan tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, thường đặt trong không gian văn hoá trang nghiêm. Thế nhưng, không ít khuôn viên bảo tàng ở TPHCM đã bị cắt xén thành những điểm kinh doanh, dịch vụ đủ kiểu.

Tọa lạc trên khu đất 2 ha, Bảo tàng TPHCM là một dinh thự có kiến trúc Pháp được xây dựng từ năm 1885. Nhưng nay người đi đường chỉ có thể chiêm ngưỡng tòa nhà ấy khi đi qua đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, còn phía đường Lê Thánh Tôn đã bị che khuất bởi một dãy dài ki-ốt, nhà hàng.

Điều đáng nói là tất cả những ki-ốt, nhà hàng ấy đều nằm trong khuôn viên của bảo tàng và được lãnh đạo bảo tàng cho thuê để kinh doanh từ nhiều năm qua. Ngay góc ngã tư Pasteur - Lê Thánh Tôn là nhà hàng Miss Sài Gòn với những bảng hiệu đồ sộ trưng ra mặt đường, tiếp đó là tiệm mắt kính Hữu Nghị, nhà hàng Hoa Viên, tiệm hớt tóc và Trung tâm ảnh màu kỹ thuật số Sài Gòn nằm ngay góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn.

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM được biết đến lâu nay với nhiều hoạt động trưng bày những di sản văn hóa nghệ thuật, thu hút khá đông khách nước ngoài đến tham quan. Vậy nhưng, ngay góc Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính, trong khuôn viên mặt tiền của bảo tàng, là một vườn cây cảnh. Người trông coi vườn bảo: “Ông chủ thuê mặt bằng mở vườn kiểng này 5 năm nay rồi. Trông nhếch nhác thế nhưng bán cũng được”. Kế ngay vườn kiểng nằm dọc theo đường Lê Thị Hồng Gấm (cũng nằm trong khuôn viên bảo tàng) là một quán bán cà phê và đồ ăn luôn tấp nập khách vào buổi sáng trong gần 10 năm qua. Nước rửa ly, chén đổ lênh láng lên cả lối đi vào Trung tâm triển lãm nghệ thuật đương đại Không Gian Xanh.

Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình còn cho một lúc 3 chủ thuê mặt bằng bán hoa lan. Ngay cổng chính là vườn lan Hoàng Giáp và Việt Thái với những chậu lan bừa bộn, ngổn ngang, nhếch nhác. Vườn lan còn lại đặt dọc ngay lối ra vào phía cổng phụ. Một chị bán lan nói: “Bảo tàng có mấy khách tham quan đâu. Cho thuê một mặt bằng 7-8 triệu đồng/tháng thì tốt quá còn gì”.

Đối với những bảo tàng khác, do mặt bằng không rộng nên nơi đây tập trung chủ yếu vào khai thác công năng của các hội trường làm dịch vụ đám cưới, cho thuê chỗ gửi ô tô. Bảo tàng Tôn Đức Thắng (quận 1) cho nhà hàng Trầu Cau thuê luôn khuôn viên mặt bằng để chia làm 4 khu nhà lồng tổ chức đám cưới và tận dụng khuôn viên vốn ít ỏi để làm chỗ giữ ô tô. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trên đường Võ Thị Sáu (quận 3), Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh trên đường Lê Duẩn (quận 1)... cũng đều được tận dụng để đãi tiệc cưới.

Bà Trần Hồng Ánh, Giám đốc Bảo tàng TPHCM, thừa nhận là Bảo tàng có cho thuê mặt bằng phía đường Lê Thánh Tôn để kinh doanh tăng thêm thu nhập vì kinh phí hàng năm thành phố rót xuống quá ít ỏi. Trong khi là đơn vị sự nghiệp có thu nên mỗi năm bảo tàng phải nộp vào ngân sách trên 2 tỷ đồng. Trong khi số lượng khách vào tham quan quá khiêm tốn (6 tháng đầu năm 2005 chỉ có 55.000 lượt khách), giá vé thì 15.000 đồng/khách nước ngoài và 5.000 đồng/khách trong nước thì không đủ nộp ngân sách.

Ông Phan Hữu Thiện, Quyền Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cùng cho rằng vì là đơn vị sự nghiệp có thu nên hàng năm bảo tàng phải nộp vào ngân sách gần 1 tỷ đồng. Ngoài nguồn thu từ bán vé, triển lãm của các cá nhân, tập thể, bảo tàng rất khó kiếm thêm nguồn thu nào khác. “Việc cho thuê mướn mặt bằng cũng chỉ là khoản thu nhỏ nhưng ít ra cũng cải thiện chút ít”, ông Thiện thừa nhận.

Qua nhận định của lãnh đạo một số bảo tàng thì nguồn thu bán vé từ lượng khách đến tham quan bảo tàng hàng năm không nhiều, ngoài ra không còn một khoản thu nào khác. Vì vậy, việc tận dụng mặt bằng, hội trường để tạo thêm nguồn thu không có gì là khó hiểu. Hầu hết các bảo tàng ở TPHCM đều đã làm như vậy và đưa ra lý do chung là “góp phần tôn tạo bảo tàng, cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên”.

Mặc dù vẫn biết cắt xén mặt bằng cho thuê, tận dụng hội trường để làm dịch vụ đám cưới là sai công năng, nhiệm vụ, mục đích hoạt động bảo tàng, làm mất đi mỹ quan, tôn nghiêm nơi bảo tàng, nhưng theo lãnh đạo một số bảo tàng thì chẳng qua cũng vì đời sống cán bộ, công nhân viên và gánh nặng nộp ngân sách. Lãnh đạo các Bảo tàng đều cho rằng, UBND TP, Sở Văn hóa Thông tin cần có phương án để xem xét giảm hoặc bỏ các khoản nộp ngân sách cũng như tăng kinh phí hoạt động, trùng tu, tôn tạo cho bảo tàng.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)