Nhiều bất cập phải khắc phục ngay
Các Website khác - 18/10/2005
Gia cầm đang được tiêm vaccine
cúm tại trại nuôi tập trung.
Theo Cục Thú y, đến nay, việc tiêm vaccine cúm gia cầm đợt 1 cho 24,6 triệu gia cầm các loại đã được thực hiện trên toàn bộ 20 tỉnh - thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ; trong đó, năm tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang đã hoàn tất việc tiêm chủng đợt 1. Qua thực tế, nhiều vấn đề nảy sinh.
Vaccine cung cấp chưa kịp thời

Chi cục Thú y tỉnh Trà Vinh cho biết, với phương thức nuôi chủ yếu là thả rong, nhiều hộ dân đã không nắm hết số gia cầm mình có là bao nhiêu. Để đảm bảo không bỏ sót, nhân viên thú y và chính quyền địa phương phải vất vả vận động người chăn nuôi tập trung gia cầm của họ lại. Đến ngày tiêm phòng, anh em ở cơ sở và chủ hộ dân ngồi trông chừng gia cầm và chờ hoài mà không thấy ai đến chích ngừa. Gọi hỏi Cục Thú y, hóa ra chưa có vaccine! Anh em ở cơ sở thêm một lần uốn ba tấc lưỡi xin lỗi bà con và hẹn lần sau.

“Nếu cấp trên chưa chuẩn bị kịp thuốc thì phải báo lại cho tụi tui biết để tụi tui đỡ tốn công sức, mà bà con cũng đỡ bực mình. Làm kiểu này e tới lần tiêm phòng sau bà con chẳng thèm tập trung gia cầm nữa!”- các cán bộ thú y ở Trà Vinh than thở.

Ở Đồng Tháp, dù đang vào cao điểm lũ, tỉnh vẫn phải huy động lực lượng để triển khai việc tiêm phòng cúm cho gia cầm, thế nhưng triển khai nhân sự xong tỉnh mới biết chưa có vaccine và cũng không rõ chừng nào mới có. Cả hệ thống rơi vào thế bị động không đáng có.

Sự chậm trễ này, theo Giám đốc Công ty Thuốc thú y Trung ương Phạm Quang Thái, là do các địa phương báo cáo không chính xác số lượng gia cầm hiện có của địa phương mình. Công ty của ông, theo yêu cầu và số lượng do Cục Thú y cung cấp trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo về số lượng gia cầm của các địa phương, đã nhập về 120 triệu liều vaccine. Thế nhưng đến khi triển khai mới biết lượng gia cầm, nhất là vịt, trên thực tế lớn hơn rất nhiều so với con số đã báo cáo.

Ngoài ra, một số tỉnh chưa phải diện ưu tiên tiêm phòng trước cũng đồng loạt đăng ký và yêu cầu cung cấp ngay vaccine tiêm phòng nên lượng vaccine bị phân tán. Thuốc đã thiếu lại càng thiếu nhiều hơn. Ông Thái cũng cho biết thêm công ty hiện đang nhập tiếp 260 triệu liều vaccine nữa cung cấp cho các chi cục thú y địa phương vào ngày 23-10 để các địa phương này tiến hành tiêm phòng đồng loạt vào ngày 25-10 sắp tới.

Nói về số lượng gia cầm trên thực tế nhiều hơn con số đã báo cáo, giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho rằng rất khó có được con số chính xác vì hiện nay đang là mùa vịt chạy đồng, số lượng vịt tại địa phương dao động liên tục từng ngày. Do vậy, kế hoạch trước đây của tỉnh tiêm 1,5 triệu liều, thực tế đã lên đến 2 triệu liều và khả năng có thể còn thay đổi nữa. Trên thực tế, tình trạng trên xảy ra không chỉ ở Hậu Giang mà gần như tỉnh nào ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng gặp phải.

Chế độ đối với người thực hiện việc tiêm phòng quá ít

Theo quy định, mỗi lần tiêm, người thực hiện việc tiêm chích được hưởng 100 đồng. Do đặc điểm của nông thôn Nam Bộ, nhà cửa không tập trung như ở miền Bắc, gia cầm - nhất là vịt - chủ yếu là nuôi thả rong, chạy đồng nên rất khó tập trung, nói chi đến bắt để tiêm phòng từng con nên nhiều nơi buộc phải thực hiện việc tiêm phòng vào ban đêm. Với thời gian làm việc như vậy, mức tiền công 100 đồng cho một lần tiêm là quá thấp. Nhiều anh em thú y làm cật lực cả đêm cũng chỉ nhận được không quá 15.000 đồng.

Chưa kể cho đến nay, ngoài tiền trả cho công tiêm chích, nhà nước không hề có quy định nào về việc sẽ giải quyết ra sao đối với trường hợp cán bộ thú y bị nhiễm bệnh (thậm chí chết) do tiếp xúc với gia cầm trong quá trình đi tiêm phòng mặc dù ai cũng biết nguy cơ nhiễm bệnh đối với những người này là rất cao. Thời gian qua, đã có bốn nhân viên thú y của Bến Tre đi tiêm phòng gia cầm và nhiễm bệnh, vào bệnh viện mà không nhận được khoản hỗ trợ nào của nhà nước, buộc các anh em trong nhóm phải bỏ tiền túi ra để giúp đỡ.

Một vấn đề nữa cũng quan trọng không kém là cho đến nay, phần lớn nhân viên thú y đi tiêm phòng phải tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhưng phương tiện bảo hộ cho họ lại chưa được trang bị đồng bộ và bảo đảm an toàn. Ngay đến cả găng tay, khẩu trang – những phương tiện bảo hộ đơn giản nhất – cũng chưa đầy đủ.

Theo ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến đầu năm 2006 là thời gian cao điểm tái phát dịch cúm gia cầm, do vậy, Chính phủ đã có những chỉ đạo triệt để và cương quyết trong việc phòng chống tái phát dịch cúm, giảm nguy cơ lây lan sang người.
Việc sử dụng vaccine phòng chống cúm là nét mới và cũng là quyết định kịp thời của Chính phủ, phù hợp với xu thế phòng chống cúm của các nhà khoa học quốc tế. Vì vậy, các ngành hữu quan và các địa phương phải lập tức tìm cách tháo gỡ ngay những vướng mắc như đã nói ở trên để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao nhất.

Ông cũng lưu ý Cục Thú y phải tính toán lại và có kế hoạch nhập khẩu, cụ thể số lượng cũng như việc phân bổ số lượng vaccine cho từng địa phương, không để xảy ra lần nữa tình trạng bị động do thiếu vaccine tiêm phòng. Ông cũng nhấn mạnh sau khi kết thúc đợt tiêm phòng lần 1, cần triển khai ngay việc tiêm phòng đợt 2 cho thật tốt với tỷ lệ gia cầm được tiêm phòng đạt mức cao nhất có thể để giảm tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Các địa phương và ngành hữu quan không được loại trừ khả năng thời gian tới sẽ xuất hiện các ổ dịch, vì vậy, cần chuẩn bị tiêm bổ sung vùng giáp ranh các ổ dịch và tuân thủ triệt để các biện pháp phòng chống truyền thống như vệ sinh chuồng trại, tuân thủ các quy định của thú y về tiêu độc khử trùng v.v...

Theo Sài Gòn giải phóng