Những khoảng trống lớn
Các Website khác - 18/10/2005
ĐVTN cùng các tình nguyện viên
tham gia các trò chơi với trẻ em có
HIV tại Trung tâm giáo dục LĐXH
số 2 (Sở LĐTB-XH Hà Nội).
Điều 53 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em - 2004 đã ghi rõ: “Trẻ em có HIV/AIDS không bị phân biệt đối xử; được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để chữa bệnh, nuôi dưỡng tại gia đình hoặc tại cơ sở trợ giúp trẻ em”. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trẻ em có hoặc thậm chí chỉ liên quan gián tiếp đến căn bệnh này (như cha, mẹ, người thân có HIV) đang phải gánh chịu sự kỳ thị của dư luận.
6 tuổi, Tuấn(*) (Hải Phòng) háo hức đến trường. Nhưng mẹ em, một người có HIV, phải chạy đôn đáo khắp nơi mà vẫn chưa lo xong thủ tục. Những trường biết bố mẹ Tuấn có HIV đã thẳng thừng từ chối. Tuấn không có HIV song những định kiến về bố mẹ đã cản trở việc em được đến trường.

Trước đấy, thông tin bố mẹ Tuấn có HIV như một vệt dầu loang. Tất cả các trường mầm non đều từ chối tiếp nhận, Tuấn thui thủi với ông bà, bố mẹ, không bạn bè. Mẹ Tuấn, một người phụ nữ can đảm, đã tìm mọi cách để cháu được đi học tại một trường huyện, cách xa trung tâm thành phố. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, khi các thầy, cô, phụ huynh bạn học phát hiện Tuấn là con của người có HIV thì em không còn tiếp tục được đi học nữa. Bản thân các thầy, các cô không muốn, thêm vào đó nhiều phụ huynh đã gây sức ép buộc nhà trường cho Tuấn thôi học. Cực chẳng đã, mẹ Tuấn đã phải xin cho con học tại một trường xa nhất trung tâm thành phố, nơi có người họ hàng bảo lãnh. Tất nhiên, những thông tin về hoàn cảnh cháu phải giấu kín. Được đi học nhưng Tuấn lại phải xa bố mẹ. Người mẹ có HIV hằng tuần phải bỏ công bỏ việc, đến thăm con.

Lâm (*) lại ở trong hoàn cảnh khác, mẹ có HIV trước khi sinh em. Các biện pháp phòng, chống kịp thời không được áp dụng nên từ lúc chào đời, Lâm đã mang trong mình mầm HIV. Cái kết quả xét nghiệm kinh hoàng kia đến tai, mẹ Lâm không chịu đựng nổi. Đau đớn và âm thầm, chị đã bỏ rơi Lâm tại bệnh viện. Lâm được nuôi lớn lên ở Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 (Ba Vì, Hà Tây).

Tuấn, Lâm là hai trong số rất nhiều trường hợp trẻ em liên quan đến HIV, trực tiếp hoặc gián tiếp: có HIV hoặc có bố mẹ, người thân có HIV. Trong cái nhìn đầy định kiến của cộng đồng, Tuấn, Lâm như những sinh vật bỏ đi. Các em phải chịu áp lực xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Tuấn không có bạn bè. Khi còn đi học ở một trường gần nhà, bạn bè của cậu suốt ngày réo “ Thằng si- đa!”. Cậu không đủ can đảm để đến trường, không đủ can đảm để kết bạn với đám cùng trang lứa. Khi Tuấn học mẫu giáo, cô nuôi không bao giờ cắt móng tay cho em như các bạn. Người ta nghĩ rằng, “các em có HIV còn đến trường làm gì, đưa vào “trại” vẫn đỡ hơn”.

Theo ước đoán của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2010, nước ta sẽ có khoảng 300 nghìn trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/ AIDS trực tiếp hoặc gián tiếp. Hiện tại, con số này vào khoảng 100 nghìn. Tuy nhiên, tại một số trung tâm nuôi dưỡng trẻ liên quan đến HIV ở Hà Tây, thành phố Hồ Chí Minh, mới chỉ có khoảng 100 cháu. Có những cháu chưa đầy tuổi đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Mẹ nuôi các cháu là những cô gái đã có HIV.

TS Khuất Thu Hồng, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển xã hội, người đã thực hiện nhiều khảo sát ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, cho biết: Người có HIV nói chung, trẻ em liên quan đến HIV nói riêng đã và đang phải chịu một áp lực dư luận quá lớn. Vấn đề không nằm ở chính sách, vấn đề không nằm ở phía các cơ quan quản lý mà ở cách nhìn nhận của cả cộng đồng. Sử dụng các cô gái có HIV chăm sóc các cháu liên quan đến HIV là điều hoàn toàn không bình thường. Như mọi đứa trẻ khác, chúng có quyền được ở với bố mẹ, quyền đi học, quyền vui chơi, quyền kết bạn...

Nhưng Tuấn, nhưng Lâm không được như thế. Nhiều trẻ khác cũng chung số phận như các em . TS Khuất Thu Hồng bày tỏ băn khoăn: Vấn đề trẻ em liên quan đến HIV ở nước ta chưa cấp thiết, chưa rõ ràng, chưa bức xúc như ở một số nước Châu Phi. Phải chăng đây chính là lý do khiến nhiều người xao nhãng, hoặc lờ đi đối tượng này? Nếu cứ kéo dài mãi thì mối lo ngại như ở các nước Châu Phi không phải là không có căn cứ: Do bị ghẻ lạnh, nhiều trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV đã trở thành tội phạm; trở thành nhóm có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao...

Chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, đặc biệt là hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em dưới sáu tháng tuổi sinh ra từ mẹ có HIV đã có; quy định chế độ chăm sóc trẻ em có HIV bị bỏ rơi, trẻ không có HIV là con của người có HIV và đã mất cha, mẹ đã có. Tuy nhiên, từ những chủ trương lớn đến việc cụ thể hóa và thực hiện là cả một khoảng cách lớn. Ngay trong dự thảo Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng vậy, theo TS. Khuất Thu Hồng: Cần bổ sung điều khoản đặc biệt về trẻ em liên quan đến HIV chứ không nên tản mạn, chung chung như hiện nay.

Quay lại chuyện của Tuấn, giờ thì em đã được đến trường, nhưng buộc phải giấu chuyện gia đình. Hằng tuần, bố mẹ đều đặn đến thăm Tuấn. Như vậy, Tuấn vẫn còn may mắn hơn Lâm - cậu bé vẫn đang phải ở trung tâm.

Mong sao những khoảng trống trong chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS sẽ sớm được bù lấp, để những cuộc đời như Tuấn và Lâm không có những khoảng nặng nề.

-----------

(*) Tên của các nhân vật liên quan đã được thay đổi.

Theo Hà Nội mới