Nhiều trẻ em không được đến trường
Các Website khác - 19/12/2008
 Những năm gần đây, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh được nhiều người biết đến bởi sự vươn lên mạnh mẽ của một số làng, xã nhờ biết cách làm ăn và đi lao động xuất khẩu. Vậy nhưng, địa phương này đâu đó vẫn còn những cảnh nghèo, đến nỗi trẻ em không được đến trường...
Tuổi thơ  không đến trường

Chúng tôi đến xã Xuân Liên, Xuân Hoa (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vào một buổi chiều mùa đông buốt giá. Gió mùa đông bắc tràn về, vùng đất được biết đến với cái nóng khủng khiếp của gió Lào, lại đang co mình chịu những đợt lạnh tăng cường vào thời điểm cuối năm. Cái lạnh đó càng trở nên tê tái hơn bởi một số cảnh nghèo mà chúng ta bắt gặp nơi đây.
 

Những đứa trẻ ở xã Xuân Liên mặc phong phanh trong giá rét.


Gặp một đứa trẻ đang rà phế liệu trên đường vào xã Xuân Hoa, chúng tôi hỏi: “Em tên gì. Nhỏ thế sao đã đi rà phế liệu? Em không đi học à?”. Khuôn mặt nhợt nhạt vì gió lạnh ngẩng lên cười, em cho biết: “Em tên Hoa, phải nghỉ học để phụ mẹ, nhường cho hai đứa em sau học bù”.
 
Hoa kể, bố mẹ vay mượn dồn tiền cho anh cả đi Đài Loan, không ngờ bị rơi vào đường dây lừa đảo nên mắc nợ. Từ mái ấm hạnh phúc bỗng dưng tai hoạ ập đến, bố mẹ không còn tâm trí để quan tâm đến chuyện ăn học của các con và Hoa đã nghỉ học lúc nào mà không hay.
 

Tháo (áo đen) muuốn đến trường nhưng không có điều kiện.


Cũng tầm tuổi Hoa, một đám trẻ ăn mặc phong phanh đang chăn bò ngoài bãi. Trời lạnh thấu xương, nhưng các em vẫn cười đùa như chẳng biết lạnh là gì. Bên đống lửa đốt lên để tránh rét, các em nhồm nhoàm ăn khoai nướng vừa mót ở ruộng. Bụi than, khói, cháy của sắn khoai, khiến đứa nào mặt mày cũng lấm lem. Một em tên Thái kể: “Buổi sáng, chúng em ít được ăn sáng, nên đến giữa buổi đói bụng là đi đào sắn hoặc khoai về nướng ăn”.

Cũng vì nghèo, nên sau tiếng trống khai giảng năm học mới, không ít trẻ em vùng này phải vứt bỏ sách vở.

Phận nhà nghèo

Chị Nguyễn Thị Xuân.

 
Chị Nguyễn Thị Xuân ở xã Xuân Liên cho biết: Vì nghèo nên chị không thể cho mấy đứa con mình học hết cấp II. “Hồi bố chúng chưa đổ bệnh, hai vợ chồng còn làm lụng nuôi con ăn học. Bố chúng mất, mình tôi không thể nuôi được bầy con như vậy, buộc phải để con nghỉ học giữa chừng...” -  chị nói.

Đồng cảnh ngộ với gia đình chị Xuân, gia đình chị Nguyễn Thị Liệu (xã Xuân Liên) có 5 đứa con, nhưng có đến 3 đứa phải bỏ học giữa chừng. Thái, 16 tuổi, con của chị Liệu có mặt trong đám trẻ chăn bò) nói: “Em cũng muốn đi học lắm, nhưng thấy bố mẹ khổ quá nên nghỉ luôn”. Có một thời gian, Thái theo người làng vào Nam làm thuê, nhưng vì tuổi nhỏ chưa làm được việc nặng nên phải quay về. Về quê, ngày mùa làm việc đồng áng, hết mùa lại đi chăn bò.

Chị Liệu tâm sự: “Trước đây, bố nó còn khoẻ mạnh, vào mỏ làm đá nên cũng kiếm được ít nhiều. Từ khi ông ấy lâm bệnh, nhà nghèo lại càng khốn khó. Mấy năm trước, hai đứa đầu cứ học xong lớp 9 là vào Nam làm thuê. Còn Thái, vào năm học mới tôi chạy đôn chạy đáo để vay ít tiền mua sách cho con. Có sách vở rồi nhưng tiền đâu mà đóng học phí. Các thầy cô ở trường đến tận nhà để động viên cho Thái tiếp tục đi học, nhưng không có điều kiện nên vẫn phải cho con nghỉ học”.

Tại xã Xuân Liên, những đứa trẻ phải nghỉ học giữa chừng như  Thái khá đông. Phần đông các em chỉ học đến lớp 7, lớp 8. Mặc dù được bố mẹ động viên nghỉ học đến khi nào có tiền sẽ học tiếp, nhưng với nhiều em, một khi đã nghỉ học thì con đường tiếp tục đến trường cứ xa dần và mất hút.

Rời Xuân Liên, đi trên con đường đất đỏ lởm chởm đá mà lòng chúng tôi bỗng chùng xuống. Ước mơ được đến trường dù thật đơn sơ mộc mạc, nhưng đối với trẻ em của vùng quê nghèo này sao khó quá!
 
Quang Thành