Tạo cơ hội cho nhà xe “làm bàn” giá vé xe tết
Các Website khác - 19/12/2008

Theo quy định hiện nay, nhà xe được tự định giá vé xe đò, nhưng yếu tố cạnh tranh chưa được bộc lộ rõ do “cơ chế hiệp thương” vẫn còn tồn tại, thể hiện rõ nhất qua việc cùng tăng giá vé xe tết ở các mức từ 20 đến 60% để bù cho xe đò chạy chiều rỗng, không có khách

Trong các dịp lễ tết, người dân không có nhiều lựa chọn phương tiện đi lại, là “cơ hội” cho các nhà xe

Cạnh tranh nửa vời

Trước đây, việc tăng, giảm giá vé xe đò dựa vào kết quả của những buổi hiệp thương. Thông tư liên tịch của bộ Tài chính, Giao thông vận tải số 86/2007 đã bãi bỏ cơ chế hiệp thương, cho phép nhà xe tự quyết giá. Trễ nhất trước ba ngày tăng, giảm giá nhà xe phải kê khai.

Còn hơn một tháng nữa bước vào cao điểm phục vụ tết Kỷ Sửu nhưng bến xe Miền Đông đã “chốt” giá vé. Mức giá đang áp dụng sẽ duy trì qua tết mới có thể điều chỉnh. Điều này có nghĩa là từ đây đến tết, nếu giá dầu có giảm (hiện giá dầu trên thế giới có xu hướng giảm, dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1.2009 xuống dưới 40 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 7.2004 – PV) thì giá vé xe đò vẫn được giữ nguyên, như vậy sẽ không công bằng với người tiêu dùng. Nếu lấy giá này làm căn cứ tăng giá vé, càng làm giá xe tết đội cao hơn.

Một chuyên viên sở Giao thông vận tải TP.HCM nhận xét, việc chốt giá vé, tức hơn 70% doanh nghiệp hoạt động tại bến xe Miền Đông (uỷ thác cho bến bán vé thay – PV) sẽ tăng giá vé với các mức 20, 40 và 60% so với giá vé đang áp dụng. Việc này sẽ “tạo điều kiện”, dẫn đến 100% nhà xe tăng theo, vì hiện người dân gần như không thể lựa chọn phương tiện khác được nữa.

Một luật gia nhận xét việc cùng họp bàn để quyết định tăng giá vé, đó là hình thức “hiệp thương cũ”, cản trở sự cạnh tranh. Hành vi thoả thuận ấn định giá một cách trực tiếp hay gián tiếp bị coi là thoả thuận hạn chế cạnh tranh, là vi phạm luật Cạnh tranh.

Nhà xe, bến xe: tiện, nhưng người tiêu dùng: bị thiệt!

Ngày 18.12, ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe Miền Đông giải thích, có khoảng 70% trong tổng số hơn 250 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến uỷ thác cho bến xe bán vé thay. Kể từ ngày 26.12 bến sẽ tổ chức bán vé xe tết trước, nên phải chốt lại giá vé để thống nhất giá bán suốt thời gian cao điểm phục vụ tết.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp với các đơn vị vận tải về việc chậm giảm giá cước gần đây, ông Hồ Tất Thắng, phó chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cho rằng các doanh nghiệp vận tải chưa bình đẳng với người tiêu dùng. Khi giá xăng dầu tăng, thì tăng giá rất nhanh. Nhưng khi xăng, dầu giảm, thì lại chậm giảm giá cước, làm người tiêu dùng bị thiệt. Ông Thắng đề nghị cơ quan quản lý giá vào cuộc, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải công khai chi phí, mức tăng, giảm cước tương ứng với mức tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu để người dân cùng kiểm soát.

Theo thông tư 86/2007 và nghị định 107/2008, cước vận tải là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, nhà xe phải xây dựng, đăng ký, công khai giá, và tính giá theo quy chế của nhà nước. Nếu cơ quan quản lý giá phát hiện giá bất hợp lý, có yếu tố lợi dụng thu lợi bất chính, thì yêu cầu doanh nghiệp xây dựng lại, đăng ký giá mới và truy thu phần thu lợi bất chính. Tuy nhiên, ông Dương Hồng Thanh, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay, sở không có quyền can thiệp vào việc xây dựng giá vé của nhà xe.

Bài và ảnh: Minh Phong