Nhìn thẳng vào sự thật TS Nguyễn Đức Mậu
Đơn vị này, ngành, bộ kia xảy ra một vụ việc vi phạm nào đó, điều người đứng đầu lo ngại nhất là bị nhiều người biết. Vì vậy, trước hết mong muốn của họ là báo chí không đưa tin, nếu không được thì "xin" hãy viết nhè nhẹ và gọi sự việc với một cái tên khác...! Đó là chưa nói đến có nơi dùng mọi thủ đoạn để che giấu thông tin, mà thông tin về việc xấu còn bí mật tức là người ta còn đánh lừa được dư luận xã hội, kể cả đánh lừa pháp luật. Trong khi đó trên các diễn đàn, chúng ta luôn nhấn mạnh phải "nhìn thẳng vào sự thật". Nhưng nhìn thẳng vào sự thật đến đâu lại là chuyện phải bàn, phải được giải thích nông sâu. Có điều, tâm lý đã ăn sâu trong tâm thức người Việt " tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" hiện diện thường trực về góc độ văn hoá có thể là một thái độ ứng xử đặc thù và lịch thiệp. Tuy nhiên, dưới một góc độ tiến bộ xã hội thì việc "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" cũng có nghĩa là che giấu cái xấu, chỉ còn hiện diện cái đẹp. Và đây cũng có thể coi là hành vi đầu tiên hay là thủ phạm ban đầu gây nên sự tự bằng lòng, tự thoả mãn, tự an ủi và rồi hơn thế nữa - đó là dung dưỡng cái xấu.
Trong thế giới toàn cầu hoá, mọi thông tin không thể che giấu, mọi đánh giá không thể một chiều, mọi nhận thức không thể áp đặt và hơn bao giờ hết cần đến ý thức nhìn thẳng vào sự thật. Đưa sự thật ra trước công luận để cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau lo lắng và cùng nhau tìm cách giải quyết hay tìm ra hướng đi mới, tháo gỡ khó khăn, đó mới là cách ứng xử văn minh nhất. Gần đây, chúng ta cứ khẳng định Việt Nam nhất hoặc nhì về mặt nào đó: Từ thể thao đến sản xuất, đến tăng trưởng cái nọ cái kia... Không rõ tư duy so sánh nhất - nhì ở ta xuất hiện từ bao giờ, tính tích cực của nó tác động đến đâu và bảng thành tích nhất - nhì loại nào thường được đưa ra và loại nào thì huý kỵ? Nhưng điều thấy rõ là ta đang thua về nhiều mặt so với rất nhiều nước trên thế giới, với khoảng cách từ vài chục năm đến cả trăm năm!
Hiện trạng xã hội, các chiều hướng phát triển của nó cũng như hiện trạng lòng tin và chiến lược lòng tin cần được nhìn nhận thẳng thắn, công khai và khách quan, từ đó mới tập hợp được các ý kiến đặng cùng tìm các giải pháp tốt nhất để phát triển bền vững. Điều quan trọng nhất cần nói ở đây là cần một tư duy nhìn thẳng vào sự thật một cách nghiêm túc, chứ không phải chỉ tồn tại trong khẩu hiệu. |