Trong số 10 gương mặt trẻ được tặng phần thưởng Sống đẹp lần này, có một nam sinh viên. Ðó là Phạm Văn Bình, sinh viên Trường đại học dân lập Ðông Ðô-người bốn năm liền cõng bạn đi học. Người bạn đó là Sơn Lâm, do bị ảnh hưởng chất độc da cam, cho nên chỉ nặng 20 kg, với đôi chân rất yếu, không thể đi lại được. Cách đây hơn bốn năm, Văn Bình quen Sơn Lâm và chỉ sau vài lần trò chuyện, Bình đã thầm cảm phục ý chí và tinh thần của người bạn bất hạnh này. Bình tâm sự: "Dù tàn tật, nhưng Sơn Lâm luôn thể hiện niềm lạc quan, ý chí quyết tâm vượt qua hoàn cảnh để vươn lên trở thành người có ích. Ðó là phẩm chất vô cùng đáng quý mà tôi nhận thấy ở Sơn Lâm và cũng vì điều đó mà tôi đã quyết định góp phần giúp Lâm vượt qua những khó khăn của cuộc sống đời thường". Hằng ngày, Văn Bình đến nhà Sơn Lâm và cõng bạn ra bến xe buýt, sau đó, tiếp tục cõng Lâm từ bến xe vào lớp học. Cứ như vậy, suốt bốn năm qua, Văn Bình tự nguyện giúp đỡ Sơn Lâm với tất cả tình cảm và ý thức trách nhiệm sâu sắc. Bình tâm niệm: Giúp Sơn Lâm cũng là giúp bản thân mình tự rèn luyện, tự xây dựng một lối sống đẹp, sống có ích; và trong những ngày tháng cõng Lâm đến trường, Bình đã học tập ở người bạn của mình ý chí vượt lên hoàn cảnh khó khăn, miệt mài học tập theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Tàn nhưng không phế. Những năm qua, mỗi khi có dịp đi chơi, píc-ních cùng bạn bè là Văn Bình lại tìm cách khắc phục mọi khó khăn để đưa Sơn Lâm đi cùng. Nhờ vậy, Sơn Lâm có thêm những người bạn mới và có thêm những niềm vui tinh thần quý giá để tiếp tục vươn lên.
Nữ sinh viên Trần Thị Phương Ngân, Khoa Xã hội học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học quốc gia Hà Nội) kể lại một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời sinh viên của mình: Ngay từ năm học thứ nhất, Ngân xung phong tham gia Ðội sinh viên tình nguyện của trường đến với nhân dân và thanh niên các xã nghèo của tỉnh Bắc Cạn. Trong chuyến đi thực tế đó, Ngân nhận thấy số đông bạn trẻ nơi đây còn ít hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên, do thiếu thông tin, thiếu sự hướng dẫn, bảo ban. Và hiện tượng đó không chỉ tồn tại ở Bắc Cạn mà còn "nóng hổi" ở ngay ký túc xá của nhà trường. Day dứt trước thực trạng đó, Trần Thị Phương Ngân quyết định thành lập Ðội sinh viên tình nguyện tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Phạm vi hoạt động của đội thời gian đầu là trong các bạn sinh viên, nhất là nữ sinh viên của trường. Ngân chủ động xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, thông tin về sức khỏe sinh sản cho các bạn của mình và từ đó, mở rộng mạng lưới tuyên truyền viên, đồng thời đưa nội dung hoạt động này vào chương trình Mùa hè thanh niên tình nguyện tại các xã vùng sâu, vùng xa. Ngân tâm sự: Sức khỏe sinh sản là một vấn đề tế nhị, việc chia sẻ thông tin với các bạn khác trong thời gian đầu là một khó khăn, trở ngại không dễ vượt qua. Nhưng, xuất phát từ ý thức và tinh thần trách nhiệm cao, Ngân cùng các bạn của mình đã thử nghiệm nhiều phương pháp làm việc khác nhau để tìm ra một phương án tối ưu nhất, giúp công việc có hiệu quả. Ðến nay, nữ sinh viên năng động này không nhớ chính xác đã giúp bao nhiêu bạn trẻ có những kiến thức cần thiết về sức khỏe sinh sản vị thành niên, nhưng có một điều Ngân biết và hiểu rõ: Những việc làm của mình và các bạn trong Ðội sinh viên tình nguyện đã và đang góp phần thiết thực bảo vệ sức khỏe, nâng cao hiểu biết cho nhiều bạn sinh viên khác.
Nguyễn Thị Kim Anh, sinh viên Trường đại học Dân lập Thăng Long đến với lẽ sống "Mình vì mọi người" từ những câu chuyện giản dị. Ðó là khi Kim Anh được đọc câu danh ngôn: Nếu bạn đem tặng người khác một nụ cười, thì bạn sẽ nhận được rất nhiều nụ cười. Hay lời tâm sự của một thanh niên tình nguyện cùng trường: Khi bạn tham gia hoạt động tình nguyện, bạn là một cây nến đang cháy, nhưng cây nến này không đủ thắp sáng một căn phòng. Tuy vậy, cây nến đó có thể "tiếp lửa" cho nhiều cây nến khác và lúc đó cả căn phòng sẽ sáng lên. Những ý tưởng, câu chuyện đó đã thôi thúc Kim Anh đến với các hoạt động tình nguyện và chị mong muốn giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các làng trẻ. Kim Anh cho biết: Ðến với các em nhỏ bất hạnh, tôi nhận thấy hầu hết các em luôn mang trong mình mặc cảm rất lớn, không dễ dàng xóa bỏ. Vì vậy, khi đến với các làng trẻ, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra sự đồng cảm và sẻ chia cao nhất để có thể hòa mình với các em, tạo cho các em lòng tin và tình cảm trìu mến. Những khó khăn rồi cũng qua đi. Giờ đây, tôi đã là người chị của các em nhỏ bất hạnh và thật hạnh phúc khi luôn được các em đón chào với tình cảm chân thành, tha thiết. Nữ sinh viên Hà Nội nhỏ nhắn này đã tổ chức và tích cực tham gia rất nhiều hoạt động gây quỹ ủng hộ các em nhỏ mồ côi và những em nhỏ bị ảnh hưởng chất độc da cam. Kim Anh nói: Có một điều trước đây tôi không ngờ tới, đó là trong những ngày tháng sống, hoạt động cùng các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôi đã cảm phục và học tập được ở chính các em mà mình chăm sóc ý chí vượt khó vươn lên. Hoàn cảnh, suy nghĩ và tinh thần của các em khiến tôi rất xúc động và từ đó tự hứa với mình phải sống tốt hơn, có ích hơn.
Người ít tuổi nhất trong số 10 gương mặt trẻ Hà Nội được tặng phần thưởng Sống đẹp lần này là Ðỗ Phương Trang, học sinh lớp 9A13, Trường THCS Giảng Võ. Trang có tám năm liền là học sinh giỏi toàn diện và đã đoạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố. Trang cho biết: Trước đây, em có tham gia một số hoạt động xã hội do Liên Ðội TNTP của trường tổ chức nhưng chưa có ý thức sâu sắc về những hoạt động này. Thế nhưng, gần đây, khi được xem phim, đọc báo và nghe nói về phong trào thanh niên, sinh viên tình nguyện, nhất là những tấm gương các anh chị thanh niên tình nguyện đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, em rất xúc động. Ðặc biệt, khi nghe ca khúc "Một rừng cây, một đời người" của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, em đã trăn trở và tự liên hệ bản thân mình. Em nghĩ: Mình cũng là học sinh, là đoàn viên, được sinh ra và học tập trong môi trường rất thuận lợi. Vậy, mình đã làm được gì để đóng góp cho xã hội, giúp đỡ mọi người như các anh hùng liệt sĩ, như các anh, các chị sinh viên tình nguyện? Và, câu hỏi đó đã không ngừng thôi thúc Trang tổ chức và tham gia các hoạt động xã hội một cách thực chất và nhiệt tình hơn nữa. Với nhiệm vụ của một Liên đội trưởng, Trang quyết tâm: Mỗi hoạt động của Ðội TNTP nhà trường cũng như mỗi hành động, suy nghĩ của bản thân luôn hướng tới điều thiện, hướng tới những điều có ích cho cuộc sống và cho mọi người.
Ðó còn là Lê Yến Hoa, học sinh Trường THPT Việt Ðức, luôn dành thời gian tận tâm chăm sóc, dạy học các em nhỏ lang thang, cơ nhỡ; là Bùi Thị Thúy Vân, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, đã nhiệt tình giúp đỡ hai người bạn nghèo của mình từ học lực yếu, trung bình vươn lên loại khá, giỏi; là Nguyễn Thị Vân Dung, học sinh lớp 9, Trường THCS Việt Nam - An-giê-ri nhưng đã là một tuyên truyền viên tích cực phòng, chống ma túy; hay Nguyễn Thùy Linh, sinh viên Ðại học Sư phạm Hà Nội và Lê Thanh Trà, sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ (Ðại học quốc gia), đã hết lòng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong học tập và cuộc sống.
10 gương mặt trẻ được tặng phần thưởng Sống đẹp lần này mỗi người một vẻ nhưng họ có chung một tinh thần "Mình vì mọi người", có chung một lối sống đẹp, sống có ích cho xã hội, cho cộng đồng và cho gia đình.
|