Ông Ngô Hữu Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bạc Liêu cho biết, hệ thống giao thông đường bộ ở Bạc Liêu hiện nay còn yếu kém, nhu cầu về vốn đầu tư rất lớn, mặc dù trong những năm qua, Bạc Liêu đã có nhiều cố gắng khai thác các nguồn vốn huy động sức dân đã làm đường giao thông nông thôn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. UBND tỉnh đã đề nghị lên Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, xin đầu tư 600 tỷ đồng trong nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để bảo đảm từ đây đến năm 2007, toàn tỉnh có 100% đường giao thông nông thôn về đến trung tâm xã và đường nối liền các ấp; các đường tỉnh và huyện cũng cơ bản hoàn thành về mặt nhựa hóa...
Cũng như nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhưng giao thông đường thủy không phát huy hết tác dụng, nguyên nhân chính là do sông cạn, nhỏ, bồi lắng rất nhanh, cho nên phương tiện đi lại thường nhỏ, tải trọng thấp không hiệu quả. Ðặc biệt hai đường trục sông lớn là sông Quản Lộ - Phụng Hiệp, kênh xáng Bạc Liêu- Cà Mau đi ngang qua đoạn thị xã Bạc Liêu khoảng gần 30 km thì cạn, các phương tiện lớn đều ngại đi qua đường này, tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp bị ngăn bởi hệ thống đê ngăn mặn giữa bờ bắc và nam quốc lộ 1A cho nên vận chuyển đường thủy giữa hai bờ gặp rất nhiều khó khăn.
Từ khi tách tỉnh (năm 1997) đến nay, tỉnh đã đầu tư cho giao thông đường bộ tương đối mạnh, Sở tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong quá trình đầu tư, xác định nhiệm vụ xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông trong toàn tỉnh đến năm 2010 và 2020, quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai đến các địa phương để nắm và thực hiện đúng quy hoạch.
Tuy nhiên, do một số điều kiện khách quan như: thiếu vốn đầu tư một số huyện, thị đầu tư giai đoạn đầu không vào cấp quản lý. Sự phối hợp giữa các ngành giao thông, thủy lợi, điện lực, thủy sản và các huyện, thị và xã chưa tốt dẫn tới đường thiếu quy hoạch chưa đồng bộ. Tình trạng ngành giao thông vừa làm đường nhựa xong thì ngành điện lại đào bới đường để cắm cột điện, hoặc ngành thủy sản thì đào kênh qua lộ để lấy nước phục vụ nuôi tôm, cá còn xảy ra.
Ðáng lưu ý là trong những năm qua, do tỉnh thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang nuôi trồng thủy sản rất mạnh, cho nên dẫn đến tình trạng đường sá thiếu quy hoạch cầu cống dẫn nước, thoát nước gây ô nhiễm môi trường.
Theo tính toán của tỉnh, để thực hiện quy hoạch giao thông từ đây đến năm 2010, 2020 thì riêng hệ thống giao thông nông thôn ở Bạc Liêu cần tới 600 tỷ đồng, nếu tính cả giao thông trên toàn tỉnh thì cần khoảng 1.000 tỷ đồng nữa. Với mức độ đầu tư vốn cho hệ thống giao thông nông thôn còn rất thấp như hiện nay (khoảng 30- 50 tỷ đồng/năm) thì khó có thể hoàn thành đường giao thông theo kế hoạch.
Sau này, khi các đường giao thông đã hoàn thành, nếu không có quy định về quản lý, không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng sẽ rất lãng phí vì các công trình chỉ sau một thời gian ngắn lại phải đầu tư tiền lớn hơn để sửa chữa, nâng cấp lại...
Những kết quả và yếu kém, bất cập nêu trên, thiết nghĩ là bài học kinh nghiệm để lãnh đạo tỉnh, nhất là ngành GT-VT Bạc Liêu nghiêm túc rút ra giải pháp khắc phục. Ðể nguồn vốn đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn phát huy hiệu quả, được biết trong thời gian tới, tỉnh sẽ phân bổ vốn cho các huyện, xã, ấp quản lý vấn đề duy tu, bảo dưỡng.
Mặt khác trong quy hoạch làm đường, các ngành chức năng của tỉnh cần tính toán thật kỹ, quy hoạch mang tính chiến lược lâu dài, tránh kiểu "chắp vá", đường vừa làm xong đã xuống cấp trầm trọng, giao thông vừa làm đường xong, thì điện lực, bưu điện, thủy sản và các đơn vị khác lại đào bới lên, làm hư hỏng đường, gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước và khó khăn, khổ sở đối với người dân...
|