Sau khi hạ nhiệt...
Các Website khác - 09/01/2006

SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN
Sau khi hạ nhiệt...

Trần Đăng
Tại cuộc họp báo ngày 7.1, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu đưa ra con số "giật mình": Đến nay, cả nước đã xảy ra 930 cuộc đình công, phần lớn các cuộc đình công này đều xuất phát từ lợi ích chính đáng của người lao động. Song, theo quy định của Chương 14, Bộ luật Lao động thì những cuộc đình công nói trên đều mang tính tự phát và không đúng trình tự pháp luật! Thoạt nghe, có vẻ như mâu thuẫn, song bản chất của vấn đề thì lại hoàn toàn logic. Có thể nói, đó là kết quả của thực trạng "tức nước" sau quá nhiều chịu đựng giữa người lao động với giới chủ.

Một tháng qua, chuyện "vỡ bờ" này không còn dừng lại ở một vài đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà gần như đồng loạt, buộc các cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra những đối sách, nhằm tránh những thiệt hại có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Một trong những đối sách ấy là Nghị định 03/2006/NĐ-CP của Chính phủ vừa được ban hành, theo đó bắt đầu từ ngày 1.2.2006, lương tối thiểu của người lao động ở khu vực FDI là 710.000đ. Khác với những lần điều chỉnh lương tối thiểu trước đó, lần này không cần phải chờ thông tư hướng dẫn mà triển khai ngay. Điều đó cho thấy tính cấp bách của việc triển khai Nghị định 03 của Chính phủ như thế nào.

Còn những hơn 20 ngày nữa, mức lương tối thiểu cho người lao động đang làm việc trong các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài mới được áp dụng,
song liệu pháp trên đã "hạ nhiệt" thật sự trước những bùng vỡ tưởng chừng không hãm được của hàng vạn công nhân trong gần một tháng qua.

Nghị định 03 đã có một số quy định mới theo hướng có lợi cho người lao động, như mức lương thấp nhất cho người lao động đã qua học nghề phải cao hơn ít nhất là 7% so với mức lương tối thiểu quy định. Tuy nhiên, quy định con số "tối thiểu" 710.000đ cộng với 7% "ít nhất" (mà các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài thì luôn luôn áp dụng chế độ "ít nhất" này) là 50.000đ nữa thì mỗi tháng lương của người lao động "ít nhất" cũng chỉ là 760.000đ. Cũng cần lưu ý điều này: Người lao động đang làm việc trong các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài đều tập trung ở các thành phố lớn, mà đã là "thành phố lớn" thì giá cả cũng "lớn" như cái danh hiệu mà nó đang mang. Với đồng lương ấy, buộc người lao động phải "dát mỏng" các khoản chi tiêu của mình nhưng chưa chắc đã đủ, trong khi đó giá cả các mặt hàng tiêu dùng luôn luôn trong tư thế "tiến về phía trước".

Có thể giới chủ sẽ nhân việc quy định lương tối thiểu trong Nghị định 03 mà cắt giảm một số chế độ người lao động lâu nay được hưởng, hoặc số lao động sẽ đổ dồn vào "chỗ trũng" gây mất cân đối cơ cấu lao động... Vì vậy, cần phải có sự bổ sung, điều chỉnh cần thiết từ những cấp quản lý ở tầm vĩ mô.