Những sưu tập hiện vật cách mạng giá trị
Các Website khác - 11/08/2005
Cháu Phạm Văn Hải bên bức tranh
vẽ cụ ngoại Nguyễn Hữu Tiến,
người sáng tác lá cờ Tổ Quốc.
Ðúng dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và ngày thành lập nước, chín bảo tàng trong cả nước gồm Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Công an Nhân dân, Bảo tàng Thừa Thiên - Huế, Bảo tàng Ðác Lắc, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Ban quản lý Di tích Hỏa Lò Hà Nội đã phối hợp trưng bày các bộ sưu tập hiện vật về Cách mạng Tháng Tám.
Bố cục trưng bày gồm hai phần. Phần thứ nhất là Cách mạng Tháng Tám 1945 - bước ngoặt của lịch sử dân tộc, giới thiệu quá trình chuẩn bị, diễn biến, thành công của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

Phần thứ hai là năm bộ sưu tập hiện vật gồm: truyền đơn, báo chí, dụng cụ in ấn thời kỳ Cách mạng Tháng Tám; cờ Tổ quốc dùng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám; vũ khí nhân dân Việt Nam sử dụng trong Cách mạng Tháng Tám; kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng và của nhân dân Việt Nam tham gia cách mạng; các tác phẩm mỹ thuật về Cách mạng Tháng Tám.

Trong tiến trình lịch sử đó, hình ảnh nhà bà Tư Giả ở 18 thôn Vườn Trầu, Tân Thới Nhất, Hóc Môn, Gia Ðịnh nơi Ban chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược sau khi Chiến tranh thế giới bùng nổ; máy in dập tay của cơ quan ấn loát bí mật Trần Phú của Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương dùng in ấn tài liệu bí mật từ 1944 đến 8-1945 và chiếc Bàn đá in Tiến quân ca của Văn Cao trên báo Ðộc Lập tháng 11-1944... đã nói lên nhiều điều lắm với hậu thế.

Bộ sưu tập truyền đơn - báo chí, dụng cụ in ấn (56 hiện vật) thật sự cho thấy sức mạnh trên mặt trận tư tưởng. Trong số 21 truyền đơn trưng bày có truyền đơn của Ðảng Cộng sản Ðông Dương kêu gọi đồng bào ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ năm 1941; truyền đơn của Mặt trận Việt Minh kêu gọi đồng bào không nộp thóc cho Nhật, phá kho thóc Nhật cứu đói năm 1943; kêu gọi nhân dân "Kháng Nhật cứu nước" năm 1945; đoàn kết đánh đổ chính quyền thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng 1941 - 1945...

Bên cạnh đó, sưu tập 26 đầu báo cách mạng từ Cờ giải phóng của Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương, Lao Ðộng của Việt Nam Công nhân Cứu quốc Bắc Kỳ... tới Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, Kèn gọi lính của Việt Nam Quân nhân Cứu quốc Hội (Bảo tàng Cách mạng)... cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của báo chí cách mạng do Ðảng lãnh đạo.

Người xem cũng sẽ được thấy chín dụng cụ ấn loát bí mật với khuôn in đồng chí Trường-Chinh dùng in tài liệu bí mật thời kỳ 1941-1945; bàn đá in báo Việt Nam độc lập ở Cao Bằng từ 1941-1945; cán ru-lô của ông Trần Xuân Lực ở Thái Bình dùng để in tài liệu, báo chí của Xứ ủy Bắc Kỳ từ 1941 - 1945... (Bảo tàng Cách mạng).

Người xem tận mắt thấy sưu tập cờ Tổ quốc (10 hiện vật). Ðó là lá cờ Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sử dụng khi gây dựng cơ sở ở Hà Giang năm 1945; cờ Tổ quốc treo trong cuộc họp bàn kế hoạch Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 tại xóm Khuôn Lịch, Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang; cờ Tổ quốc Việt kiều tỉnh Sakôn (Thái-lan) may dùng trong cuộc mít-tinh mừng ngày Ðộc lâp 2-9-1945 (Bảo tàng Cách mạng); lá cờ của ông Hồ Khắc Hiếu sử dụng trong ngày Tổng khởi nghĩa tại xã Quy Lai, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế 8-1945 (Bảo tàng Thừa Thiên-Huế); một trong 10 lá cờ sử dụng trong cuộc diễu hành chào mừng Cách mạng thành công tại Sài Gòn 8-1945.. (Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh).

Minh chứng cho một thời vùng lên khỏi kiếp nô lệ lầm than là Sưu tập vũ khí nhân dân Việt Nam sử dụng trong Cách mạng Tháng Tám (25 hiện vật) và Sưu tập kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng và đồ dùng cá nhân của nhân dân Việt Nam thời kỳ Cách mạng Tháng Tám (26 hiện vật).

Ta có thể chiêm ngưỡng lại thanh mã tấu của ông Xen (Ninh Hiệp, Bắc Ninh) dùng tham gia phá kho thóc Nhật, giành chính quyền 1945, Huy hiệu kỷ niệm "Ngày Ðộc lập 2-9-1945" của Việt kiều Thái-lan (Bảo tàng Cách mạng); Sào gẩy rơm (mỏ sảy) của ông Nguyễn Bá Chiếu (Phong Chương, Phong Ðiền, Thừa Thiên - Huế) dùng tham gia giành chính quyền 8-1945 (Bảo tàng Thừa Thiên - Huế); Ðại đao của võ sư Quách Văn Kế dùng dạy võ cho Thanh niên Tiền phong ở sân Hoa Lư, Sài Gòn năm 1945 (Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh). Ðó là Chậu thau đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ở thôn Phú Gia, Phú Thượng, Hà Nội năm 1945 (Bảo tàng Hà Nội); Thìa, bát, đĩa bằng sọ dừa do anh em tù chính trị tự tạo trong Nhà tù Hỏa Lò (Di tích Hỏa Lò); Phù hiệu của công an Bắc Bộ, Trung Bộ sử dụng trong những ngày mới thành lập lực lượng công an (Bảo tàng Công an)...

Cuối cùng là sưu tập các tác phẩm mỹ thuật về đề tài Cách mạng (13 hiện vật). Người xem gặp lại bức Tượng đồng (bán thân) Chủ tịch Hồ Chí Minh của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946; Tranh sơn dầu "Những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến" của họa sĩ Cổ Tấn Hùng Sanh sáng tác năm 1958 (Bảo tàng Cách mạng); Tranh màu dầu "Ðánh chiếm Bắc Bộ Phủ" của họa sĩ Trần Ðình Thọ sáng tác năm 1984 (Bảo tàng Mỹ thuật)...

Song Hà