Viện cớ "vén" rừng, hè nhau đốn trụi 7ha
Các Website khác - 11/08/2005

(VietNamNet) - Sau khi ông Chủ tịch huyện Thanh Sơn đưa ra ý tưởng "vén rừng", Bí thư xã Tân Minh tự ý chặt trụi gần 1ha rừng mà ông này nhận khoanh nuôi bảo vệ; dân trong xã ồ ạt hưởng ứng.

Soạn: AM 512905 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một mảnh rừng Tân Minh  bị đốn trụi

Bật đèn xanh phá rừng?

Khoảng cuối năm 2003, đầu năm 2004, Chủ tịch huyện Thanh Sơn Bùi Phúc Khánh đưa ra một "ý tưởng" gây khá nhiều tranh cãi: "vén rừng". Đây không phải là từ chuyên môn và cũng rất mới lạ với người dân địa phương. Theo giải thích, "vén rừng" nghĩa là chuyển đổi những diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ tại những vùng đất thấp sang phát triển cây kinh tế. Đến nay, ý tưởng này vẫn chưa được tỉnh Phú Thọ chấp nhận và thẩm quyền quyết định cho phép chuyển đổi mục đích rừng trồng vẫn thuộc Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo quy định của UBND tỉnh Phú Thọ, tất cả diện tích đất có độ che phủ từ 20% trở lên thì không được phép phát và đốt, phải để lại khoanh nuôi thành rừng. Nhưng với ý tưởng "vén rừng", tháng 7/2005, ông Phùng Việt Kiểm - Bí thư xã Tân Minh đã tự ý cho phá trụi gần 1 ha rừng mà ông nhận khoanh nuôi bảo vệ từ năm 2000.

"Hưởng ứng" hành động này, nhiều người dân trong xã ồ ạt làm theo và kết quả là trên 7 ha diện tích rừng thuộc sự quản lý của BQLDA 661 Thanh Sơn đã bị đốn trụi. Sau khi bị phát hiện, ông Kiểm luôn quanh co và liên tục tránh mặt khi BQLDA 661 Thanh Sơn đến lập biên bản. Cuối cùng, BQLDA phải nhờ đến lực lượng kiểm lâm và công an huyện vào cuộc.

Theo ý kiến của cấp chính quyền huyện Thanh Sơn và BQLDA 661 Phú Thọ thì các cấp quản lý Nhà nước rất ủng hộ việc chuyển đổi mục đích rừng trồng một khi thấy cần thiết và đã có đủ điều kiện; đồng thời, phải hoàn thành thủ tục thanh lý hợp đồng, chấm dứt vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước; đặc biệt là phải được cấp có thẩm quyền (Chủ tịch UBND tỉnh) đồng ý cho phép chuyển đổi. Tuy nhiên, ông Kiểm đã không làm đúng các thủ tục trên. Việc một lãnh đạo cấp xã bất chấp các quy định của Nhà nước, sẵn sàng phá rừng bừa bãi như ông Kiểm đã gây những ảnh hưởng không tốt ở địa phương và sẽ tạo một tiền lệ xấu cho nhiều người dân khác làm theo, gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Soạn: AM 512901 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Triệu Tiến Khoa - một chủ rừng triệt hạ diện tích đã nhận khoanh nuôi.

Chủ rừng phá rừng, ai xử?

Sau khi có biên bản xử lý vi phạm của các chủ rừng trên, BQLDA 661 Thanh Sơn đã tiến hành thu hồi vốn đầu tư của dự án và yêu cầu các chủ rừng trồng lại những diện tích rừng đã chặt phá. Song đến nay, số lượng cây bản địa theo yêu cầu vẫn chưa được trồng.

Ngày 01/8/2005, Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn đã triệu tập phiên họp bất thường, giao cho khối nội chính trong tháng 8 này điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, dứt điểm các vụ phá rừng thuộc quản lý của Dự án 661 huyện; trường hợp nào đủ chứng cứ phải đưa ra truy tố trước pháp luật, đáp ứng sự mong mỏi của dư luận nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, việc chính quyền huyện xử lý vụ khai thác gỗ trái phép của ông Hà Văn Nghìn (xã Tân Phú) vừa qua đã khiến người dân địa phương không khỏi hoài nghi tính "nghiêm minh" của các nhà chức trách. Đầu năm 2005, ông Nghìn đã chặt phá trái phép 0,6 ha rừng trồng thuộc dự án 661 để bán gần 200 cây lim xẹt.

Sau một thời gian "nghiên cứu", Hạt kiểm lâm Thanh Sơn tham mưu đưa ra mức phạt 6 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm của ông Nghìn. Phải mất nhiều tháng, trải qua 3 cuộc họp căng thẳng, trước sự đấu tranh gay gắt của BQLDA 661 và trước sức ép của dư luận, ngày 20/7/2005 Chủ tịch UBND huyện mới ra được quyết định xử phạt ông Nghìn ở mức 18,9 triệu đồng, truy thu 1,66 triệu đồng trả cho Dự án 661 và yêu cầu ông Nghìn phải trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã bị phá.

Một điều mà người dân địa phương còn thắc mắc nữa là khi để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép như trên thì lãnh đạo UBND các xã phải là người chịu trách nhiệm chính, nhưng chưa một lãnh đạo cấp xã nào chịu bất kỳ một hình thức kỷ luật nào.

  • Hồng Kông