Nước máy bẩn chủ yếu xảy ra ở các quận Tân Bình, quận 8, quận 10 và một số quận ven thành phố khác. Tại khu phố 10, khu phố 9, phường 4 của quận Tân Bình, hàng chục hộ dân ở đây đã phải thốt lên rằng: "Những năm vừa qua, chúng tôi ao ước được dùng nước máy cho sạch sẽ, hợp vệ sinh vừa là để bảo vệ nguồn nước ngầm. Nhưng nước máy vừa mới có được một năm, nay đã thường xuyên bị vẩn đục, không thể nào dùng cho sinh hoạt được". Theo bà con đang trú ngụ tại đường Đồ Sơn, Ba Vì, Sầm Sơn của phường 4-quận Tân Bình, gần một tháng nay, nước máy chảy ra không thể dùng được. Có nhà bí quá phải dùng nước máy bẩn để tưới cho cây, hoặc lau sơ nền nhà chứ không dám dùng để tắm giặt. Dọc theo con đường Ba Vì độ trăm mét, hầu như không có nhà dân nào dám dùng nước máy cả. Nước ở đây chảy rất mạnh, nhưng vàng như nước trà và lại có rất nhiều cặn.
Tại khu vực đường Phạm Văn Hai, thuộc phường 3, quận Tân Bình, nước máy cũng chẳng sạch hơn khu vực phường 4 là bao nhiêu. Ông Trần Bá Vinh ở số nhà 154/36 cứ lắc đầu cho biết: "Nhiều nhà không kiếm đâu ra nước sạch hơn, phải mua đồ lọc về lọc cho đỡ cặn. Chúng tôi ăn nước bẩn, tắm nước bẩn và giặt bằng nước bẩn cả tháng nay rồi. Thế mà nhân viên cấp nước vẫn đến thu tiền đều".
Ở khu phố 6, phường 12, quận Tân Bình, người dân nhốn nháo lên vì nước máy bị vẩn đục và đầy cặn. ông Huỳnh Quang Trung - Tổ phó tổ dân phố 21 nói: "Người dân chỗ tôi đã hưởng ứng cao phong trào dùng nước máy của thành phố. Những nhà nào có giếng khoan hầu như đã lấp đi để bảo vệ nguồn nước ngầm và chống sạt, lún. Nhưng bây giờ nước máy chẳng khác gì nước phù sa thì làm sao mà ăn nổi? Có nhà phải dùng bình lọc nước ba, bốn lần mới tạm xài được. Những hôm nước bẩn, bà con phải xả đi cả chục khối mà vẫn không hết, chúng tôi cũng đã gọi điện thoại nhiều lần đến Chi nhánh cấp nước Phú Hòa, mà vẫn chưa được giải quyết".
TCT nước sạch Sài Gòn phải xả bớt nước để rửa đường ống.
Không chỉ các hộ dân ở phường 4, phường 3, phường 12 quận Tân Bình mới phải chịu cảnh nước máy bẩn, mà ngay cả chung cư Lê Thị Riêng cũng cùng cảnh ngộ. Khi chúng tôi đến khu vực này, bà con trong chung cư cho biết, sáng 29-8-2005, Công ty cấp nước đã xả nước nhiễm bẩn trong ống nước chính 4 giờ liền, nhưng nước vẫn không hết bẩn. Chị Thu Trang bức xúc nói: "Gần một tháng nay nhà em phải mua nước khoáng để phục vụ cho sinh hoạt. Nếu tình trạng này kéo dài thì không biết cuộc sống của bà con sẽ như thế nào?". Trước tình trạng nước máy bẩn liên tục xảy ra ở các khu dân cư, bà con đã phản ánh các bức xúc của mình lên Hội đồng nhân dân thành phố. HĐND TP Hồ Chí Minh đã cử người đi kiểm tra, thị sát ở một số nơi như quận 10, Tân Bình thì thấy rằng phản ánh đó hoàn toàn đúng với thực tế.
Lý giải về tình trạng nước máy bị vẩn đục, có cặn ở một số quận, huyện thời gian vừa qua, ông Võ Quang Châu - Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn nói: "Trước đây do thiếu nước kéo dài, nên một số nơi đường ống đã bị gỉ sét. Không những thế, đường ống ở một số khu vực đã cũ qua nhiều năm sử dụng nên bị mục, có cặn, phèn đóng thường xuyên gây ra tình trạng nước bẩn". Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, một số khu dân cư mới được lắp đặt nước máy, ngành cấp nước đã không súc rửa ống kỹ càng, nên làm cho nước bị bẩn. Các khu vực bị bẩn thường xuyên là quận Tân Bình, Tân Phú, quận 10, Gò Vấp.
Hiện nay, tình trạng nước máy bị nhiễm bẩn có xu hướng lan rộng ra nhiều nơi như quận Phú Nhuận, Gò Vấp (do chi nhánh cấp nước Gia Định đảm nhiệm). Nguyên nhân của việc nước bị bẩn, vẫn là tình trạng các ống cấp nước bị cũ, bong gỉ sắt ra. Tính đến ngày 5-9, chỉ riêng chi nhánh cấp nước Phú Hòa Tân đã có 71 địa chỉ nhà dân báo nguồn nước máy bị bẩn, đục. Và tổng số điểm nước máy bị bẩn, nhiễm đục của toàn thành phố đã là con số 615.
Trước tình hình như vậy, ông Võ Dũng, Giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn đã chỉ đạo cho chi nhánh Phú Hòa Tân phát 3.000 sổ tay cho 3.000 tổ dân phố thuộc bốn quận là Tân Bình, Tân Phú, quận 10, quận 11, có ghi rõ số điện thoại của chi nhánh để người dân phản ánh tình hình nước đục, giúp ngành nước có biện pháp khắc phục nhanh chóng.
Ngày 6-9, ông Lý Chung Dân - Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn cho biết: Từ ngày 6-9-2005, Tổng công ty đã tạm ngưng thu tiền nước cho đến khi nào nước được xử lý xong mới thu lại. Theo ông Dân, việc tạm ngưng thu này để ngành nước xác định cụ thể số hộ bị ảnh hưởng và lượng nước bẩn phải xả bỏ trên thực tế. Việc xác định nước bẩn dựa trên xác nhận của địa phương. Ngoài ra ngành nước các Công ty cấp nước sẽ cử cán bộ xuống kiểm tra thực tế tại các khu mà nhân dân phản ánh nước máy bị bẩn, đục. Cũng trong thời gian này, ông Võ Dũng khẳng định: "Đến ngày 10-9-2005, nước đục sẽ được giải quyết cơ bản như đã hứa". Để chứng minh cho lời hứa đó, ông Dũng đã có báo cáo khẩn gửi HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh về những giải pháp để khắc phục tình trạng nước bẩn, đục vừa qua. Hiện nay, ngành nước thành phố đang tổ chức một đợt xả nước lớn nhất từ trước đến nay, để rửa ống.
Tuy nhiên, người dân mong ngành cấp nước thành phố cần có cách khấu trừ tiền nước bẩn cho người dân một cách hợp lý, thuận tiện, chứ không để người dân phải gọi điện thoại nhiều lần mới xuống kiểm tra, ghi biên bản. Cung cấp nước sạch là trách nhiệm và uy tín của ngành cấp nước. Người dân rất mong lãnh đạo thành phố, đặc biệt là ngành cấp nước cần tiến hành gấp các biện pháp hữu hiệu, để khắc phục nhanh chóng tình trạng nước máy bị bẩn, đục như hiện nay.
|