Tô Xuân - đó là hiệu cắt tóc nhỏ, cũ kỹ, có diện tích chưa đến 10 m2, nằm cạnh đình làng An Thọ, phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội. Nơi đây thường xuyên đông khách, nhưng không chỉ là người đến cắt tóc, mà còn là khách đàm đạo văn chương với ông chủ tiệm
60 năm làm nghề cắt tóc
15 tuổi, cậu bé Cao Văn Tuế ở làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm lên Hà Nội, lang thang kiếm sống bằng nghề cắt tóc vỉa hè. Không người thân thích, cậu tìm thuê một căn nhà trong làng An Thọ, rồi ở lại luôn đó, tiếp tục mưu sinh bằng nghề thợ cạo. Thấm thoắt, cậu bé ngày nào giờ đã là ông già Văn Tuế 75 tuổi, nhưng cho đến tận lúc này, vẫn chưa phút giây nào ông có ý định từ giã nghề đã gắn bó 60 năm nay. Nhiều người, từ thuở còn học sinh, cho đến khi đã trở thành các giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư... vẫn đều đặn lui tới cửa hiệu của ông. Vừa cắt tóc, cạo râu, ông vừa đàm đạo với khách. Học không nhiều, nhưng Văn Tuế lại ham văn chương, chăm chỉ đọc sách. Nghe nhiều, đọc nhiều, lâu ngày cái chất văn ngấm vào người, khiến ông tập tành làm thơ, viết văn... Hằng ngày, khi đi làm, ông luôn mang theo hai chiếc túi, một túi đồ nghề thợ cạo, một túi bản thảo thơ văn. Trong lúc “đè đầu vít cổ” thiên hạ, ông cứ rủ rỉ lắng nghe những câu chuyện người ta kể, cứ bất chợt lóe lên một ý thơ, nảy ra một câu châm ngôn là... “stop”, xin lỗi khách, ông lấy giấy bút hí hoáy ghi lại ngay...
Duyên kỳ ngộ với nhà văn Nguyễn Công Hoan
Ông là tác giả 4.000 câu châm ngôn, có câu được nhiều nơi trích dẫn, lại ghi là “ngạn ngữ Anh”, “Kinh Thánh”, “Khổng Tử”! |
Trong những khách quen thường lui tới cửa hiệu Tô Xuân vào những năm 60 của thế kỷ trước, có một nhân vật đặc biệt: nhà văn Nguyễn Công Hoan. Một lần trò chuyện, ông Văn Tuế mạnh dạn đưa nhà văn xem truyện ngắn đầu tay Cặp mắt kính Z.O của mình. Đọc xong, nhà văn Nguyễn Công Hoan mời ông về nhà mình ở làng Võng Thị, khen Văn Tuế viết khá, cốt truyện gọn gàng, câu cú linh hoạt. Truyện ngắn này sau đó được đăng trên Báo Độc lập. Từ đấy, mỗi lần gặp Nguyễn Công Hoan, ông đều đưa những sáng tác mới của mình nhờ nhà văn góp ý. Đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ như in những lời mà cây bút hiện thực phê phán hàng đầu của văn học Việt Nam đã nói với mình: “Phải viết cẩn thận, viết làm sao để không ai bắt bẻ được. Nhớ phải suy nghĩ cho thật chín rồi hãy viết, khi vào viết thì viết luôn chứ cứ ngồi mãi mà không viết được thì không nên viết”. Nhà văn đặc biệt nhấn mạnh: “Nghề cắt tóc là nơi có kho chuyện quý giá vô tận. Anh phải bám riết lấy, nhất định không được bỏ nghề!”.
Nghe theo lời khuyên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, Văn Tuế vừa tiếp tục nghề thợ cạo, vừa sáng tác và đã ít nhiều gặt hái được thành công, trở thành hội viên Hội Văn nghệ Hà Nội ngay từ những ngày đầu thành lập. Từ đó đến nay, ông đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác, nhất là mảng phóng sự văn học, truyện ngắn. Trong các tác phẩm của mình, ông thường gửi gắm cho làng Sủi quê hương một tình yêu tha thiết. Sáu lần ông viết về làng Sủi thì cả sáu đều đoạt giải, trong đó có thể kể đến Đường về quê không bị lấm giầy, giải nhì cuộc thi phóng sự, bút ký của Báo Giao thông Vận tải năm 1998, bút ký Nếp làng Sủi giải ba cuộc thi viết phóng sự Báo Quân đội NHÂN DÂN NĂM 1998...
Tác giả của 4.000 câu châm ngôn
Một vài giải thưởng văn học, báo chí nho nhỏ đủ để người thợ cạo làng Bưởi tự tin hơn với chính mình trong văn chương. Nhưng cái tạo nên cốt cách của Văn Tuế lại chính là ở những câu châm ngôn của ông.
“Tôi làm nghề cắt tóc vỉa hè, va chạm với cuộc sống đời thường, rút ra từ ngàn câu chuyện buồn vui mà thành những câu châm ngôn” – Cao Văn Tuế nói. Từ những điều mắt thấy, tai nghe, từ sự chiêm nghiệm của bản thân, ông viết thành những câu nói đúc kết kinh nghiệm trong cuộc sống. Những câu châm ngôn của ông rất dễ hiểu, dễ nhớ: “Làm hỏng việc không sợ, sợ nhất không tìm ra việc hỏng, và sợ nữa không biết việc hỏng từ đâu”, “Việc hay chớ để rời chí, việc quý chớ để rời tâm”, “Gây chữ tín một đời, xóa chữ tín một lúc”, “Có việc không nên nhắc lại, có người không nên gặp lại’, “Người hay khoe cái khôn là hay bộc lộ cái dại, người thường nhắc điều dại là người ẩn giấu điều khôn”...
Những câu chữ thâm trầm của mình, ông Văn Tuế gửi in báo khá nhiều. Nhưng dưới mỗi mẩu đăng báo, ông lại thường ghi “Văn Tuế sưu tầm”. Ông nói: “Chẳng nhẽ lại đề bên dưới là Văn Tuế - thợ cắt tóc phường Bưởi à? Cứ để độc giả nhầm tưởng những câu chữ mình viết là của các bậc tài cao trí rộng, biết đâu câu châm ngôn càng có hiệu quả hơn”. Vì thế, nhiều câu châm ngôn của tác giả Văn Tuế được dân gian hóa, đi vào cuộc sống một cách tự nhiên đến mức nhiều báo chí, lịch đại khi đăng cứ gán cho người này, người nọ. Ví dụ câu “Chê người mà được thưởng là gặp Thần, khen người mà bị phạt là gặp Thánh” ông viết năm 1991, nhưng Báo Khoa học và Đời sống số 11-1996 ghi là trích ngạn ngữ Anh, Báo Người Hà Nội số 2-1998 ghi là của... Khổng Tử, rồi tờ lịch của NXB Văn hóa Thông tin ngày 9-4-1998 lại ghi là... lời Kinh Thánh!
Năm 1995, NXB Văn hóa Thông tin in cuốn Tâm văn của tác giả Văn Tuế, trong đó phần lớn gồm các câu châm ngôn đặc sắc. Nhiều câu trong số đó đã đi vào sổ tay kinh nghiệm, lưu bút của rất nhiều người mà không ai ngờ rằng tác giả của nó lại là một ông thợ cạo đất Hà thành. Cao Văn Tuế không bận tâm lắm về “quyền tác giả” của mình. Đầu óc ông lúc nào cũng đầy ắp thông tin, suy nghĩ. Ông chỉ chăm chú tới những cuốn sổ tay đã nhàu nát chứa hơn 4.000 câu châm ngôn của mình, mỗi khi bật ra câu nào hay lại ghi vào đó. Không tham vọng lưu danh hậu thế, Cao Văn Tuế cứ làm việc với niềm say mê hồn hậu, bình dị của một người thợ cắt tóc, một nhà văn dân dã...
Thảo Chi
▪ Chân dung ông chủ kho báu (03/09/2005)
▪ 11 nghìn căn hộ cho người có thu nhập thấp ở TP Hồ Chí Minh (09/09/2005)
▪ "Việt Nam - con đường thức tỉnh tôi" (09/09/2005)
▪ Nghịch lý... đỗ xe (09/09/2005)
▪ Tăng bốn bậc, Việt Nam được xem là một thành công tiêu biểu (09/09/2005)
▪ Không pháo hoa (09/09/2005)
▪ Chuẩn bị khởi công dự án đường Kim Liên - Ô chợ Dừa (09/09/2005)
▪ Khởi công cầu dây văng Phú Mỹ lớn nhất VN (09/09/2005)
▪ Sâu bọ gây hại bùng phát ở nhiều tỉnh (09/09/2005)
▪ Vùng đá đỏ Quỳ Châu lại bị đào bới (09/09/2005)