Hà Nội (TTXVN) - Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, đoàn đại biểu Quốc hội Hàn Quốc do Chủ tịch Kim Won Ki dẫn đầu sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 18/1/2006. Tiếp nối các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Rô Mu Hiên (tháng 10/2004); Thủ tướng Li He Chan (tháng 4/2005), chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Kim Won Ki lần này thể hiện quyết tâm của Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Hàn Quốc cùng với Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Việt Nam xây dựng "quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21". Diễn ra trong những ngày đầu tiên của năm 2006 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền Bính Tuất, chuyến thăm của Chủ tịch Kim Won Ki còn mang đến cho nhân dân Việt Nam những tình cảm hữu nghị nồng ấm nhất. Hàn Quốc từng được cả thế giới biết đến như một "kỳ tích sông Hàn". Vốn rất nghèo nàn về tài nguyên, thị trường trong nước hẹp (hiện khoảng 47 triệu người), tổng thu nhập quốc dân (GNP) tính theo đầu người năm 1962 chỉ 82 USD, vậy mà qua gần 3 thập kỷ phát triển với tốc độ nhanh (bình quân 9%/năm), đến giữa những năm 80 Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước công nghiệp phát triển mới (NICS), GNP tính theo đầu người đạt trên 11.000 USD. Năm 1997, Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ nặng nề chưa từng có trong lịch sử. Nhưng nhờ tiến hành cải cách mạnh mẽ và áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng", huy động quốc dân quyên góp tiền vàng ủng hộ chính phủ, chỉ sau 3 năm (1998-2000) Hàn Quốc đã thành công trong việc khắc phục khủng hoảng, trả xong nợ, có dự trữ ngoại tệ, dần hồi phục đà tăng trưởng. Hiện nay, Hàn Quốc đang phấn đấu để thực hiện các mục tiêu lâu dài là phát triển kinh tế dựa trên kỹ thuật cao, phát triển đồng đều, cải tổ cơ cấu, GDP tính theo đầu người đạt 20.000 USD vào năm 2007 và xây dựng Hàn Quốc thành trung tâm kinh doanh khu vực Đông Bắc Á. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4/2005, Thủ tướng Hàn Quốc Li He Chan đã từng nói: "Việt Nam có thể làm nên một "Kỳ tích sông Hồng" trong thời gian tới và trở thành một cường quốc ở Đông Nam Á". Không ai có thể phủ nhận: Sau "Kỳ tích sông Hàn" sẽ là một "Kỳ tích sông Hồng". Và như vậy, những kinh nghiệm trong quá trình phát triển, nhất là phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn của Hàn Quốc sẽ rất hữu ích đối với Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Việc chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau không chỉ có lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển của mỗi nước mà còn góp phần phát triển mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa hai nước. Cùng nằm trong khu vực châu Á, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, đó là cơ sở, là nền tảng cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vốn có từ lâu, nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ từ sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Mối quan hệ đó liên tục được củng cố, tăng cường qua các chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước. Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Tổng Bí thư Đỗ Mười; Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã sang thăm Hàn Quốc. Các vị lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc cũng đã lần lượt đến thăm Việt Nam, như Thủ tướng Lee Young Dug; Chủ tịch Quốc hội Kim Soo Han; Tổng thống Kim Te Chung; Thủ tướng Ly Han Dong; Chủ tịch Quốc hội Pac Quan Yêng; Tổng thống Rô Mu Hiên và Thủ tướng Li He Chan. Hai bên cũng đã ký hiệp định hợp tác trên hầu khắp các lĩnh vực, tạo khung pháp lý cho quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển. Ngoài ra, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn ở các cấp, thiết lập cơ chế hợp tác trực tiếp giữa các bộ, ngành, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đồng thời đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu. Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư, đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam, với trên 700 dự án có tổng số vốn xấp xỉ 5 tỷ USD và trao đổi thương mại hai chiều đạt khoảng 4 tỷ USD. Tiềm năng triển vọng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Hai bên đã thỏa thuận sẽ nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 8 tỷ USD vào năm 2010. Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ, giúp đỡ, đã phát huy tác dụng, thiết thực đóng góp vào công cuộc phát triển của Việt Nam. Đó là Nhà máy nước Thiện Tân, Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa, Nhà máy xử lý chất thải rắn Hải Phòng, Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình, Dự án xây dựng trường Cao đẳng Công nghệ thông tin ở Đà Nẵng. Ngoài ra, quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch giữa hai nước cũng không ngừng phát triển. Tới nay, Việt Nam đã có khoảng 25 ngàn lao động sang làm việc tại Hàn Quốc và mỗi năm, lượng du khách Hàn Quốc sang Việt Nam lên đến 200 ngàn người; điện ảnh, thời trang, nghệ thuật ẩm thực của Hàn Quốc ngày càng trở nên quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp trên hầu khắp các lĩnh vực, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Kim Won Ki sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân hai nước, đồng thời góp phần đẩy mạnh thực hiện thỏa thuận cấp cao về xây dựng "quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21" giữa Việt Nam và Hàn Quốc./.
▪ "Đi đêm" với ai? (13/01/2006)
▪ Phá ổ làm bột ngọt giả quy mô lớn (13/01/2006)
▪ Cấm từ chối bệnh nhân dịp Tết (13/01/2006)
▪ TP.HCM: 1,3 triệu hộ dân sẽ được cung cấp gia cầm sạch (13/01/2006)
▪ Xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp (13/01/2006)
▪ Người tiêu dùng sợ mua phải thịt heo bệnh (13/01/2006)
▪ Lễ hội Tết 2006 sẽ đậm hồn quê (12/01/2006)
▪ Nghệ An giải bài toán chăm sóc sức khoẻ nhân dân (12/01/2006)
▪ Phân biệt thịt heo bệnh (12/01/2006)
▪ 19-1 khai trương lễ hội "Tết Việt 2006" (12/01/2006)