Là con út trong một gia đình có năm anh chị em, mới lên hai tuổi, năm 1972, anh Thanh theo cha mẹ đi xây dựng vùng kinh tế mới và đến xã Cát Thịnh định cư, coi đây là quê hương thứ hai của mình. Chưa ổn định cuộc sống được bao lâu thì người mẹ yêu quý đã đột ngột ra đi. Ðược sự đùm bọc nuôi nấng của người cha và tình hàng xóm, Thanh ngày một lớn khôn và chăm ngoan học giỏi. Lớn lên, Thanh nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể và trưởng thành từ các phong trào của thôn, của xã. Năm 1995, anh tham gia ban công an xã và là công an viên phụ trách thôn Văn Hưng. Trong quá trình công tác, phấn đấu, năm 1996, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng. Từ năm 2001 đến nay, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Văn Hưng.
Ông Hoàng Ðông, Trưởng Công an xã cho biết: "Anh Thanh là một người rất nhiệt tình trong công việc, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nay anh Thanh mất đi đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho không chỉ riêng gia đình mà cả toàn thể cán bộ chiến sĩ công an xã chúng tôi. Cái đêm định mệnh ấy xảy ra đúng vào ca trực của tôi, anh Thanh và hai đồng chí nữa. Lúc ấy vào khoảng 21 giờ, thấy nước suối dâng cao, anh Thanh cùng hai đồng chí nữa đi kiểm tra tình hình khu vực đập tràn Suối Phà. Những cơn mưa mỗi lúc một to, nước ở đầu nguồn đổ về rất nhanh. Anh Thanh cùng nhiều người quanh khu thị tứ hô hào nhau sơ tán tài sản và đưa nhiều người ra khỏi nơi nguy hiểm. Khi đến giúp nhà anh Ðinh Văn Tú thì mực nước đổ về đã cao gần 1m, anh Thanh gắng sức đưa vợ chồng anh Tú và hai người khác lên mái nhà. Nhưng, dòng nước quá mạnh đã cuốn phăng ngôi nhà cùng anh Thanh và những người khác trôi theo dòng suối...". Anh Nguyễn Văn Thủy, cảnh sát phụ trách địa bàn cùng đi với anh Thanh lúc đó kể lại: "Nước to, chảy xiết, không sức nào ngăn được, anh Thanh vẫn lao ra cứu người. Ðến khi nhà đổ sập, chúng tôi chỉ còn nghe thấy những tiếng kêu cứu gào thét trong đêm tối...".
Thắp nén hương trước bàn thờ anh, chị Luyến vợ anh Thanh xúc động kể lại: "Nhà em, anh ấy suốt ngày chỉ lo công việc, nhiều hôm còn trực, ngủ qua đêm tại xã. Trưa ngày 27, thấy nước suối to, em gọi điện bảo anh về xem ao cá ở nhà có bị làm sao không? Nhưng, anh ấy nói: "Em cứ yên tâm, không sao đâu, anh bận lắm" rồi cúp máy. Ðấy là câu nói cuối cùng của chồng em qua điện thoại...". Hỏi thăm về cuộc sống hiện tại của gia đình ra sao, chúng tôi được biết, hiện tại gia đình Thanh xếp vào diện khó khăn của xã. Ngôi nhà gỗ ba gian qua nhiều năm sử dụng, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, thu nhập chính chỉ trông chờ vào mấy sào chè, ruộng không có. Trong khi đó, hai cháu Tống Ngọc Tú và Tống Ngọc Anh còn rất nhỏ, chưa thể đỡ đần công việc của gia đình. Từ nay, mọi công việc của gia đình lại nặng thêm trên đôi vai gầy của chị Luyến vợ anh Thanh.
Rời Cát Thịnh, chúng tôi bắt gặp từng tốp, từng tốp bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện và nhân dân, người vẫn đang cần mẫn giúp các gia đình bị hoạn nạn, động viên nhau trong gian khó. Chúng tôi càng thấu hiểu hơn tình người sau cơn lũ đang dần sưởi ấm lại nơi đây - nơi vừa bị thiên tai tàn phá nghiệt ngã.
Anh Tống Chí Thanh là một trong những người dũng cảm, đã góp phần làm vợi bớt nỗi đau trong cơn lũ quét thảm khốc nơi đây và nêu một tấm gương sáng về tinh thần "Vì nhân dân quên mình".
|