Tàn sát chim, cò ở miền Tây
Các Website khác - 19/09/2005
Chim, cò ở Bạc Liêu ngày càng thưa thớt.

Những vườn chim, cò ở Đồng bằng sông Cửu Long luôn là điểm đến ưa thích của du khách ở vùng đất sông nước hữu tình này. Thế nhưng, thời gian gần đây, các vườn chim, cò nổi tiếng đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa.

Chợ Phụng Hiệp (Hậu Giang) được nhiều người biết đến không chỉ vì có khu chợ nổi thuộc loại lớn nhất miền Tây, mà còn do nơi đây là điểm chuyên buôn bán các loại động vật hoang dã, quý hiếm. Đến chợ Phụng Hiệp vào những ngày lũ về sẽ thấy một đội quân “tiếp thị” chim, cò, dơi... hùng hậu. Chỉ cần bỏ ra 12.000-17.000 đồng, khách hàng sẽ dễ dàng mua được một con cò to béo, hoặc dơi, quạ giá từ 50.000 đến 80.000 đồng/kg.

Tương tự, trên quốc lộ 1A thuộc địa phận Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, có rất nhiều người tay xách nách mang những “chùm” cò, gà nước... chào mời hết sức nhộn nhịp. Tại thị xã Sóc Trăng, có một quán nhậu trên đường 30 Tháng 4 lúc nào cũng nườm nượp khách đến thưởng thức món cháo dơi nấu đậu xanh và rượu tiết dơi, mặc dù giá một con dơi làm sẵn tại đây được “đẩy” lên từ 300.000-400.000 đồng.

Còn tại những quán nhậu bình dân gần khu vực vườn cò Bằng Lăng (TP Cần Thơ), món cò rô ti cũng được chào mời hết sức rôm rả. Một chủ quán nhậu ở trung tâm huyện Thốt Nốt tiết lộ: “Mấy ngày nay lũ về nên cá, tôm đầy đồng. Đây là dịp để tụi nhỏ bắt các loài chim, cò từ vườn cò Bằng Lăng bay ra đồng tìm thức ăn”. Cũng theo chủ quán này, chỉ cần chịu khó “núp” ngoài đồng nửa ngày là một người có thể săn bắt được cả chục con cò.

Từ lâu, chùa Dơi (hay còn gọi là chùa Mã Tộc) ở thị xã Sóc Trăng trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch trong và ngoài nước. Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là có một đàn dơi quạ rất lớn đến trú ngụ. Khi mặt trời vừa khuất bóng thì đàn dơi đi tìm thức ăn, sáng lại bay về chùa. Lợi dụng quy luật này, nên thời gian gần đây, ở Sóc Trăng đã xuất hiện một đội ngũ chuyên dùng súng hơi “phục kích” hướng dơi bay để triệt hạ. Đại đức chủ trì chùa Dơi lo lắng: “Rất nhiều lần, các ngành chức năng ở Sóc Trăng và TP Cần Thơ bắt được một đội ngũ chuyên săn bắt dơi quạ của chùa và đã đem dơi bắt được thả về chùa. Thế nhưng, vì dơi quạ ngày càng được ưa chuộng tại các nhà hàng, khách sạn... nên đội ngũ săn dơi sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt đàn dơi".

Cùng chung số phận với chùa Dơi, trong những ngày qua, khi mực nước lũ ở ĐBSCL càng dâng cao thì cũng là lúc lượng cò tại các vườn chim ở Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ càng vơi dần. Ông Nguyễn Ngọc Thuyền, chủ vườn cò Bằng Lăng, than: “Nhiều tổ cò còn thấy đủ cò mẹ, cò cha hôm trước, nhưng hôm sau thì chỉ còn lại mỗi cò con nằm bất động vì đói. Xót lắm, nhưng mình tôi thì không thể nào ngăn nổi bọn săn bắt cò!”.

Theo một thống kê mới nhất, trong vòng 10 năm qua, tỉnh Cà Mau đã mất đi hơn 10 sân, vườn chim, với một số lượng lên đến hàng trăm ngàn con. Cùng với tình trạng giảm về số lượng, một số loài chim quý hiếm cũng dần biến mất như sếu đầu đỏ, quạ, chim sen, chằng bè...

Gần đây, tình trạng dùng các loại thuốc hóa học để thuốc chim đáng báo động. Kỹ sư Lê Thị Liễu, người được xem là “vú nuôi” của vườn chim Lâm Viên, phường 1, TP Cà Mau, tỏ vẻ tiếc nuối: “Lượng chim, cò đã giảm hơn phân nửa chỉ trong vòng 15 năm qua. Ngay bây giờ, chúng ta phải quyết liệt gìn giữ, bảo vệ đàn chim nếu không thì chẳng bao lâu nữa, Cà Mau sẽ không còn thấy bóng dáng loài này”.

Ý kiến của bạn

(Theo Người Lao Động)