Tăng cường truyền thông giảm kỳ thị với trẻ nhiễm HIV/AIDS
Báo Tiếng Chuông - 04/11/2017
Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều mô hình phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt làm tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng cường truyền thông giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt với trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Trẻ nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cần được quan tâm đặc biệt. Ảnh: Thùy Chi

 

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có trên 1.400 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, phát hiện 162 trường hợp trẻ nhiễm HIV/AIDS, trong đó 158 trẻ đang được điều trị.

HIV/AIDS đã khiến trẻ em phải chịu hậu quả nặng nề về sức khoẻ, dễ bị tổn thương, thậm chí dễ bị mất đi những quyền cơ bản mà trẻ em được hưởng. Do đó, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là một trong những đối tượng được tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt thông qua các chính sách đặc thù và các mô hình trợ giúp.

Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, Quảng Ninh quan tâm ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về dịch vụ y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế…

Thực hiện chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Năm 2017, địa phương đã tổ chức diễn đàn trẻ em cấp tỉnh với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.

Toàn tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo hoạt động hè các cấp, phát động tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hoạt động hè. Trong dịp hè 2017, trẻ em được tham gia nhiều hoạt động, như: Sinh hoạt hè tại khu dân cư, tham gia Hội thi Họa My vàng, tri ân các anh hùng liệt sĩ, tết thiếu nhi, tết trung thu, học kỳ quân đội, học bơi, tập huấn kỹ năng viết tin, bài cho đội tuyên truyền viên măng non…

Quảng Ninh đang tiếp tục duy trì mô hình phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại 8 địa phương có tỷ lệ trẻ em nhiễm HIV/AIDS cao, gồm: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Đông Triều, Tiên Yên, Quảng Yên. Thông qua mô hình, đã có 1.700 lượt trẻ em được hỗ trợ xét nghiệm và cấp sản phẩm dinh dưỡng; gần 440 trường hợp trẻ em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được lập hồ sơ quản lý, được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng, vui chơi, giải trí và các chính sách xã hội khác. Trẻ em và gia đình các em cũng được truyền thông, trang bị kiến thức cơ bản về dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, cách phòng các loại bệnh thông thường, phòng chống tai nạn thương tích.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, song trên thực tế công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn do kinh phí hạn hẹp, tâm lý e ngại sợ bị kỳ thị của gia đình trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị; quan tâm xem xét, mở rộng chính sách hỗ trợ cho đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, đổi mới nội dung sinh hoạt hè để thu hút trẻ em; mô hình dạy bơi cho trẻ em; tư vấn tâm lý, chế độ BHYT cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, phương án của Quảng Ninh trong cung cấp thuốc ARV cho trẻ em bị nhiễm HIV khi hết nguồn tài trợ…

Thanh Trà