![]() |
Thu mua mèo cho các nhà hàng |
Tôi về Thái Bình vào một ngày đầu tháng 8. Biết tin, đám bạn thời nối khố, giờ đều đã thành ông nọ, bà kia râm ran hẹn hò đi nhậu... thịt mèo. Ở các cơ quan Nhà nước cứ đến bữa là mấy ông bà bụng phệ lại bàn tán không ngớt về chuyện đi nhậu “tiểu hổ đồng quê”, hay “tiểu hổ quý tộc”.
Đang lăn tăn vì không biết mèo “đồng quê” là mèo gì, mèo “quý tộc” là mèo gì thì mấy ông bạn đã sà hết vào cái quán nằm ngay đầu con phố Nguyễn Thái Học có cái biển lớn màu xanh rất nên thơ: “Tiểu hổ đồng quê”.
Ngay dưới hè phố là một thúng đầu mèo trắng ơn ởn trông phát khiếp. Cạnh đó là một nia bày kín thịt mèo đã thui vàng. Lão “đồ tể” vung đôi tay vằn vện gân guốc mà vẫn mềm như người nghệ sĩ băm băm, chặt chặt. Khách “xịn” vào đây đều tự lựa chọn những con mèo còn sống rồi chứng kiến các “đồ tể” làm thịt, chế biến các món nhậu khác nhau.
Chọn như thế sẽ chắc chắn được ăn thịt tươi, bởi lỡ ăn thịt làm sẵn lại đúng mèo chết vì xơi bả chuột thì toi đời. Khách bình dân thì ăn mèo vàng, trung lưu thì ăn mèo tam thể, khá giả thì ăn mèo mướp, còn quan chức, lắm tiền nhiều của thì ăn mèo đen tuyền.
Loại mèo đen tuyền và mèo rừng còn gọi là mèo “quý tộc”, được đưa từ miền núi về, có thể đến 1 triệu đồng/con khoảng 2kg.
“Tiểu hổ đồng quê” là quán hàng đầu không những ở thành phố Thái Bình mà còn nổi tiếng khắp tỉnh về tính chuyên nghiệp. Các đồ tể của quán phải dậy từ 5h và làm việc quần quật cả ngày mới đủ lượng thịt cung ứng cho khách hàng và phục vụ khách nhậu tại chỗ.
Từng xác mèo được tống vào thùng chiếc máy cũ kỹ, trông tựa như chiếc máy giặt, ông chủ quán tên Dân bảo rằng, đó là máy làm lông mèo. Trong máy đã có sẵn nước sôi, khi cắm điện, hai quả lô quay, vần và đánh tuột hết lông mèo. Mèo sạch lông được đưa vào giàn thui để da lên màu vàng óng, sau đó mới mổ bụng và chế biến thành các món ăn. Thịt mèo chủ yếu được chế biến thành các món như hấp, xào sả ớt, dựa mận, xào lăn, lòng xào, giả cầy...
Thấy cảnh giết chóc mèo dã man quá, tôi lôi máy ảnh ra, nhưng chưa kịp chụp thì bà chủ nhảy loi choi, mấy lão đồ tể tay dao, tay búa nhìn chúng tôi chằm chằm (đã có một số báo chí nói về quán này nên bị nhiều cơ quan chức năng để ý, bởi vì dù sao việc giết mèo cũng là vi phạm pháp luật), do vậy chúng tôi tính bài chuồn kẻo mấy lão đồ tể hăng máu lên thì khốn.
Rời con phố Nguyễn Thái Học, xuôi theo đường Lê Đại Hành, nơi có khá nhiều quán tiểu hổ như “Trinh Hạnh thịt mèo”, “Thịt mèo Phúc Hương”, “Lẩu mèo Hợi”... tôi tìm đến con phố Lý Thường Kiệt. Phố này được mệnh danh là nhiều quán nhậu “tiểu hổ” nhất Thái Bình và có lẽ cũng là nhiều nhất Việt Nam (bởi rất ít nơi kinh doanh thịt mèo - PV).
Tôi đếm sơ sơ từ đầu phố đến cuối phố cũng có đến 10 quán nhậu “tiểu hổ”, trong đó có một số quán lớn và nổi tiếng nhất như “Đặc sản tiểu hổ Tuấn Béo” (quán là một ngôi nhà 5 tầng, sang trọng, chuyên tiếp đón các vị tai to mặt lớn đến nhậu thịt mèo), “Thịt mèo Ngọc Thao”, “Tiểu hổ đủ món”, “Duyên thịt mèo”...
Bà chủ quán nhậu có cái tên rất hấp dẫn “A! Mèo hấp” đã gây cho tôi nhiều ấn tượng. Trên biển quảng cáo của quán vẽ hình một con mèo đen xì. Ngay trước hiên trưng một lồng mèo với khoảng 50 con đủ cả trắng, đen, vàng, gio... tùy khách chọn lựa.
Để tìm hiểu thực trạng kinh doanh thịt mèo vô tội vạ ở Thái Bình, tôi đã dành một tuần để đi khắp các đường phố, ngõ ngách từ thành phố đến các vùng nông thôn.
Tại TP Thái Bình, quán nhậu “tiểu hổ” tập trung đông nhất ở các đường như Lê Đại Hành - 6 quán, Lý Thường Kiệt - 10 quán, Lý Bôn - 7 quán, Hai Bà Trưng - 5 quán... Đấy là chưa kể vô số những quán nằm sâu trong ngõ ngách, không treo biển, con số này cũng có tới cả trăm.
Quán nhậu “tiểu hổ đồng quê” ở phố Nguyễn Thái Học mỗi ngày tiêu thụ trên 100 con, những quán khác cũng chừng vài chục con. Cứ tính trung bình mỗi quán tiêu thụ 10 con mèo mỗi ngày, thì với 100 quán nhậu trên địa bàn thành phố, mỗi ngày cũng có 1.000 chú mèo “về trời”.
Như vậy, mỗi năm cũng có cả chục vạn con mèo phải lên thớt ở cái thành phố miền quê bé nhỏ này. Thật chẳng ngoa khi người ta lại gọi TP Thái Bình là “thành phố thịt mèo”.
Bất lực nhìn đàn mèo lên mâm?
Trong Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng quy định rõ: “Thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán thịt mèo, xử lý nghiêm những đối tượng chuyên đi bắt mèo, buôn bán mèo...”.
Tôi hỏi Thái Bình đã thực hiện Chỉ thị của Chính phủ ra sao, thì ông Trần Sỹ Hiểu - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình - tỏ ra bức xúc: “Chúng tôi đã từng thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu các quán thịt mèo dừng hoạt động. Song chúng tôi chỉ có chức năng kiểm tra chứ không có chức năng xử phạt nên chẳng có tác dụng gì”.
Cũng theo ông Hiếu thì các cơ quan chức năng trong tỉnh đang bế tắc trong việc tìm đầu ra bởi dịch vụ ăn nhậu thịt mèo phát triển quá nhanh, quá mạnh trên khắp địa bàn tỉnh. Để bảo vệ được đàn mèo cần phải có sự vào cuộc của thanh tra, đặc biệt là lực lượng công an.
Trong một tài liệu của TS Nguyễn Văn Thanh - Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội: Một chuột đồng lớn trong vòng đời 1 năm có thể sinh 80 chuột con và cứ 2 tháng lại có một thế hệ chuột tham gia sinh sản được.
Một năm, một đôi chuột có thể trực tiếp, gián tiếp cho “ra lò” tới 2.160 con chuột và nếu cánh đồng có 1.000 con chuột thì mỗi ngày sẽ đẻ ra thêm 6.000 con.
Theo một kết quả khảo sát cấp quốc gia, số chuột trong 3 tháng đầu năm 1998 ở nước ta là khoảng 30 triệu con, mỗi ngày chúng gây thiệt hại ít nhất 30 tỷ đồng...
Cũng theo TS Thanh, nuôi mèo là phương án khả thi nhất, vì mèo có khả năng bắt chuột thường xuyên, hiệu quả, mỗi con mèo có thể bắt được tới 400 con chuột một năm.
Tác dụng diệt chuột của đàn mèo đã rõ, người dân quê lúa cũng thừa biết điều đó, song đàn mèo ở đây mỗi ngày thêm vắng bóng vì các quán nhậu. Đàn chuột giờ đây lại có dịp tác quái, người nông dân quê lúa ngày càng lệ thuộc vào thuốc diệt chuột của Trung Quốc, bẫy điện, những thứ vốn đã không ít lần gây ra tai nạn chết người mà hiệu quả thì chẳng đáng là bao.
Rời quê lúa với những con đê lỗ chỗ hang chuột như tổ ong và nhan nhản những quán nhậu đặc sản thịt mèo mà thấy thương cho người dân quê lúa. Người nông dân thì nâng niu con mèo như nâng trứng, còn trong các quán nhậu thì người ta đánh chén ê hề.
Phạm Ngọc Dương (Công an Nhân Dân)
▪ Chân dung ông chủ kho báu (03/09/2005)
▪ Đề nghị truy tố 2 bị can (01/09/2005)
▪ Bắt tạm giam chủ nhiệm HTX Vận tải Mê Kông (01/09/2005)
▪ Tỉ phú cao su (01/09/2005)
▪ Chỉ có 30 ô tô mua vé tháng đậu xe tại khu trung tâm (02/09/2005)
▪ Khánh thành Công viên Thanh niên Gia Định (02/09/2005)
▪ Người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn làm ăn (02/09/2005)
▪ Lượng khách ở bến xe, bến phà tăng đột biến (03/09/2005)
▪ Xe điên gây 4 vụ tai nạn (03/09/2005)
▪ Thiết kế đô thị “rượt” theo nhà (04/09/2005)