Thanh tra các công trình tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương
Các Website khác - 08/09/2005
Đại biểu HĐND đang thị sát hiện trường chiều 7/9.

UBND TP HCM vừa giao Sở Y tế và Sở xây dựng thành phố thanh kiểm tra toàn bộ các công trình tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, đường Lý Thường Kiệt, quận 10, theo yêu cầu của Thủ tướng.

Quyết định trên đưa ra sau khi dư luận thắc mắc về một số khuất tất trong quá trình mua sắm và nâng cấp bệnh viện như: Hợp đồng mua máy mới nhưng được giao máy cũ; Các công trình xây mới chất lượng quá kém nhưng vẫn được nghiệm thu và đưa vào sử dụng...

Tháng 3/2004, Công ty cổ phần vật tư - thiết bị y tế T.Ư 2 (VIMEC), trúng thầu cung cấp cho Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TP HCM 4 máy gây mê. Theo hợp đồng, VIMEC sẽ cung cấp cho bệnh viện 4 máy gây mê vòng kín mới do Bỉ sản xuất. Nhưng khi đoàn bác sĩ Pháp sang tham quan, họ phát hiện ra đó là những máy gây mê hở, đời cũ đã được "tân trang" thêm một số bộ phận cho giống với máy gây mê vòng kín.

Giám đốc bệnh viện Trần Hồng giải thích: "Việc mua bán là đúng, nhưng hợp đồng ghi sai". Bởi theo ông Hồng thì máy gây mê vòng kín có giá gần 300 triệu đồng/máy. Thế nhưng, theo hợp đồng mua máy với VIMEC thì loại máy bệnh viện mua chỉ có giá 75 triệu đồng/máy. "Mặc dù đó là máy hở nhưng nếu được gắn thêm máy giúp thở sẽ trở thành máy gây mê vòng kín", ông Hồng nói thêm. Ông đã có tờ trình lên Sở Y tế xin bổ sung thêm 600 triệu đồng để nâng cấp 4 máy trên thành máy vòng kín nhưng không được chấp nhận.

Vụ việc được công đoàn trình lên Sở Y tế thành phố. Thanh tra Sở Y tế đang tiến hành thanh tra, chưa có kết luận thì 4 máy gây mê trên đã được đưa khỏi bệnh viện. Ông Hồng cho rằng, "do phía bán máy thấy không đủ khả năng cung cấp theo hợp đồng nên đã lấy máy về. Trong việc này, Bệnh viện cũng chưa thiệt hại gì vì chưa thanh toán tiền cho phía bán máy".

Phòng mổ vẫn còn bừa bộn sau sửa chữa.

Việc nâng cấp cải tạo và sửa chữa khu phẫu thuật gây mê hồi sức của Bệnh viện cũng có nhiều vấn đề. Giữa năm 2004, Bệnh viện tiến hành sửa chữa cải tạo nâng cấp khu phẫu thuật - gây mê hồi sức mới gồm 4 phòng mổ và một phòng hậu phẫu. Tổng số kinh phí được duyệt gần 5 tỷ đồng. Phụ trách giám sát công việc này là Phó phòng hành chính quản trị của bệnh viện Nguyễn Chấn Quốc (ông Quốc cũng là người phụ trách việc mua 4 máy gây mê). Ông Quốc đã mời Công ty tư vấn thiết kế SACA lập dự án, Công ty tư vấn và xây dựng CAD làm tư vấn và giám sát dự án, Công ty xây dựng dân dụng và công nghiệp (trực thuộc công ty xây dựng nào ông Quốc cũng không rõ) làm đơn vị thi công, Công ty xây dựng kiểm định xây dựng Sài Gòn SCQC làm công ty kiểm định dự án.

Thế nhưng khi công trình hoàn thành (11/1), Giám đốc bệnh viện đồng ý nghiệm thu thì cán bộ, nhân viên cả Khoa phẫu thuật - gây mê hồi sức phản đối. Ban chủ nhiệm khoa cho rằng vật liệu dùng trong xây dựng không đúng trong hợp đồng, hơn nữa giá lại bị kê lên cao gấp nhiều lần so với thị trường. Mặc dù, đơn vị thi công thừa nhận đã làm sai và tiến hành sửa chữa nhưng vẫn không đạt được yêu cầu. Và từ đó đến nay mặc dù Giám đốc bệnh viện 5 lần ra lệnh di dời nhưng vẫn chưa thực hiện được vì Khoa cho rằng công trình còn quá nhiều vấn đề không đạt chất lượng có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân cũng như sinh hoạt của nhân viên.

Một bác sĩ Khoa ngoại của Bệnh viện đã có tường trình về những sự việc trên gửi đến HĐND thành phố yêu cầu can thiệp. Và HĐND đã có buổi làm việc với Ban giám đốc bệnh viện để yêu cầu giải trình về vấn đề trên. Trước buổi họp Đoàn đại biểu HĐND đã có quan sát hiện trường khu phẫu thuật - gây mê hồi sức mới xây. "Thật không thể tin được xây dựng phòng mổ mà giống như một phòng karaoke rẻ tiền", một thành viên trong đoàn nhận xét. Đại diện Sở Xây dựng cho biết, từ lúc bắt đầu lập dự án công trình, bệnh viện không hề có một văn bản nào trình lên Sở Xây dựng để Sở tiến hành thẩm định năng lực các đơn vị tham gia theo quy định. Trong quá trình xây dựng, có vấn đề về chất lượng nhưng cho đến nay phía bệnh viện cũng chưa có văn bản báo cáo nào cho phía Sở Xây dựng biết để tiến hành kiểm tra.

Võ An