Số học sinh rời trường cũ chưa vận động trở lại kịp, từ sau Tết đến nay, một làn sóng bỏ học mới xuất hiện. Những người thao thức với giáo dục rất lo ngại trước thực trạng này.
Chưa thể thống kê được có bao học sinh bỏ học từ sau Tết, nhưng chắc chắn con số ấy không nhỏ. Theo quan sát của các cán bộ trong ngành giáo dục, mỗi khi kết thúc học kỳ hoặc sau Tết, học sinh rơi rớt rất nhiều. Thầy cô chia nhau đi vận động phụ huynh cho con em trở lại trường nhưng ít người quá lo không xuể, có nơi phải mời thêm cán bộ của các đoàn thể đi vận động.
Năm nay không ngoài “quy luật” đó, nhưng tình hình xấu hơn, phụ huynh cho con em nghỉ học quá nhiều. Các em đi làm mướn kiếm sống và phụ giúp cha mẹ, khó có thể thuyết phục các em quay trở lại trường. Chữ nghĩa quan trọng nhưng không ăn được lúc đói.
Các địa phương chưa xác định nguyên nhân của đợt bỏ học này, nhưng có thể nhận định rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy nhiều gia đình vào tình trạng quá khó khăn, thậm chí là đói khổ, nên học sinh con nhà nghèo phải bỏ học đi làm phụ giúp gia đình.
Kinh tế khủng hoảng, nạn nhân đầu tiên của lạm phát hay thiểu phát cũng là người nghèo, và trẻ em trong số dân nghèo này phải gánh chịu. Nhiều người ở nông thôn đến các tỉnh thành công nghiệp làm công nhân, tuy đồng lương còn thấp nhưng dù sao cũng cầm cự được. Nhưng các doanh nghiệp giảm lao động hoặc tạm ngừng sản xuất, đã đẩy họ vào đội quân thất nghiệp. Nhiều phụ huynh đang giằng co giữa việc tiếp tục cho con đi học hay phải bỏ học đi làm mướn, nay đành phải buông tay vì nạn thất nghiệp. Sự động viên của thầy cô giáo không đủ níu kéo các em.
Một nguyên nhân có thể thấy rõ khác, đó là các em bỏ học vì đi học quá xa. Theo báo cáo của một số địa phương, nhiều nơi điểm trường cách nhà học sinh tới 14 km, các nơi khác từ 6 – 7 km. Các em con nhà nghèo, không có phương tiện đi lại, cha mẹ không có điều kiện đưa đón nên phải đi bộ. Ở các vùng sâu vùng xa, mùa nước nổi, lũ lụt lớn, trẻ em đi học rất nguy hiểm. Nghèo khổ túng thiếu, đường xa, học lực yếu không theo kịp chương trình là những nguyên nhân kéo các em rời khỏi nhà trường.
Ai cũng đánh giá rằng tình trạng học sinh bỏ học ngày càng nhiều là nguy hiểm, ảnh hưởng tới một thế hệ, một nguồn nhân lực của quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên việc các em bỏ học không gây chết người, không thấy ngay hậu quả như tai nạn giao thông hay thiệt hại từ một cơn lũ dữ nên không cần giải quyết cấp thiết. Những người có trách nhiệm đều nhìn việc học sinh bỏ học như một hiện tượng đáng lo, nhưng lo lắng chỉ là cảm xúc. Chúng ta dường như đang thừa cảm xúc và thiếu hành động.
Theo Giadinh.net