Thư gửi Chủ tịch UBNDTP Hà nội về nhà bị bịt cửa
Các Website khác - 27/11/2005

(VietNamNet) - Kể từ ngày 11/9 đến nay, tức là 75 ngày qua, gia đình nhà ông Tiến tại số nhà 31 ngách 39/121 đường Kim Ngưu, phường Thanh Lương, Hà Nội vẫn chưa có lối đi riêng.

Soạn: AM 619309 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phóng viên vào nhà ông Tiến bằng cửa trời.

Cả gia đình vẫn sinh hoạt trong 4 bức tường và lương thực được con gái tiếp tế qua tường.

Ngày 17/9, luật gia Hồ Mạnh - Phó chủ tịch kiêm uỷ viên thư ký hội luật gia tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã gửi thư đề nghị ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội dành một phần thời gian và ra tay giải quyết để gia đình nhà ông Tiến có lối đi như mọi người bình thường khác.

Sáng nay, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Luật gia Hồ Mạnh qua điện thoại.

- Thưa ông, được biết ông đã gửi thư cho ông chủ tịch thành phố Hà Nội, Nguyễn Quốc Triệu về vụ việc gia đình ông Trần Đức Tiến, vậy xuất phát từ đâu ông lại gửi bức thư đó?

- Hơn 60 ngày qua, gia đình nhà ông Tiến không có lối đi là một bức xúc không chỉ của riêng gia đình nhà ông Tiến mà còn của những người bình thường như tôi. Việc không có lối đi không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt và cuộc sống của gia đình nhà ông Tiến mà còn thể hiện sự thiếu hiệu quả các biện pháp của chính quyền địa phương.

Ông Tiến và vợ cũng đã lớn tuổi nên việc trèo qua tường vào nhà khó có thể nói là không có chuyện gì xảy ra. Cứ tưởng tượng một ông già đã 65 tuổi trèo vào nhà tôi lại nghĩ đó là điều không tưởng. Tôi thiết tha đề nghị chính quyền phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng và thành phố Hà Nội tích cực giải quyết vụ việc nhà không lối đi của gia đình nhà ông Tiến.

Luật pháp Việt Nam đầy đủ để có thể giải quyết một vấn đề như vậy. Để một sự việc như vật xảy ra quá lâu giữa một thủ đô ngàn năm văn hiến, một thành phố vì hoà bình và nơi đại diện cho dân tộc Việt Nam thì quả là một điều hổ thẹn và đau lòng

- Nếu ông đặt mình vào vị trí gia đình nhà ông Tiến thì ông sẽ làm gì và có suy nghĩ như thế nào?

- Dù có bất cứ trường hợp gì xảy ra thì tôi cũng tin tưởng vào chính quyền vào luật pháp Việt Nam. Ở nước ta, không chỉ dựa trên luật pháp mà còn có tình làng nghĩa xóm, nếu không giải quyết được thì mới viện dẫn đến luật pháp.

Trong trường hợp nhà ông Tiến, tôi sẽ cố gắng đàm phán nhờ những gia đình xung quanh giúp đỡ có lối đi. Vì ở Hà Nội, tôi nghĩ người ta không phải ở một ngôi nhà trong vài năm, vài chục năm mà từ đời này sang đời khác nên tình làm nghĩa xóm rất quan trọng.

Giải quyết trên tình làng nghĩa xóm không được thì tôi mới nhờ đến chính quyền địa phương. Ngay cả tình trạng như hiện nay tôi vẫn tin tưởng vào chính quyền và luật pháp Việt Nam.

- Với tư cách một luật gia, ông có tư vấn gì cho gia đình nhà ông Tiến?

- Tôi không ở Hà Nội nên không có điều kiện xem xét vụ việc một cách cụ thể mà chỉ biết qua VTV1 và các báo khác. Tôi đang làm công việc của một người tư vấn về pháp luật cho người dân và cho các cơ quan có chức năng của chính quyền. Tôi nghĩ gia đình nhà ông Tiến nên đến các cơ quan tư vấn pháp luật tại Hà Nội và xin giúp đỡ.

- Liệu chúng ta có thể làm điều gì để giúp gia đình nhà ông Tiến không?

- Đối với mỗi ngôi nhà thì lối đi là rất quan trọng nó liên quan đến sinh hoạt, cuộc sống. Tôi tha thiết mong muốn các ông bà, anh chị có nhà liền kề tạo điều kiện cho gia đình nhà ông Tiến có lối đi. Tôi cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội có những biện pháp tích cực hơn để giúp một gia đình không có lối đi đã hơn 60 ngày nay.

Một lối đi nhỏ như vậy thì luật pháp, phong tục, tình làng nghĩa xóm Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được. Chúng ta nên khép lại quá khứ, hướng tới tương lai để giúp cho gia đình nhà ông Tiến. Tôi đã gửi thư đến ông Chủ tịch thành phố Hà nội ngày 17/11 về vấn đề này nhưng đến hiện nay vẫn chưa có phản hồi. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này và tin tưởng lãnh đạo thành phố Hà Nội sớm giải quyết dứt điểm.

  • Hoàng Anh

Ý kiến của quý vị: