Tiến hành đồng bộ cải cách hành chính
Các Website khác - 13/03/2006
Cải cách hành chính (CCHC) ở nước ta đã được triển khai từ mấy năm nay, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc đổi mới, kỳ vọng của nhân dân. Ðúng như Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng đã đánh giá "Cải cách hành chính chậm".

Nền hành chính quốc gia gồm ba bộ phận hợp thành có mối quan hệ mật thiết với nhau là: Bộ máy hành chính Nhà nước, thể chế (hay còn gọi là hệ thống pháp luật hành chính) và đội ngũ cán bộ công chức. Như vậy, CCHC phải được tiến hành đồng thời trên cả ba mặt đó.

Thứ nhất, bộ máy hành chính của ta còn cồng kềnh, chức năng của một số cơ quan còn chồng chéo, chưa rõ ràng, hạn chế hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính. Theo chúng tôi, yêu cầu cấp thiết là phải cải cách, kiện toàn, từng bước nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính. Tùy theo tình hình, đặc điểm của mỗi địa phương, của từng giai đoạn để thành lập các cơ quan chuyên môn cho phù hợp. Tiến hành điều chỉnh cơ cấu tổ chức, biên chế, quy chế hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp. Cải tiến, sắp xếp, bố trí và bố trí lại để bộ máy quản lý được gọn nhẹ, năng động, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, bảo đảm sự điều hành thống nhất, tập trung và thông suốt từ trung ương đến cơ sở. Xác định rõ thẩm quyền của chính quyền các cấp, sắp xếp lại tổ chức của mỗi cấp theo hướng đơn giản hóa, giảm bớt tầng nấc trung gian không cần thiết. Kiện toàn bộ máy chính quyền cấp huyện và cấp xã đủ sức quản lý, giải quyết kịp thời những vấn đề cuộc sống đòi hỏi. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ đồng thời đề cao quyền chủ động và trách nhiệm của chính quyền cấp dưới. Từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, Nhà nước ta đã có cả hệ thống các chính sách, pháp luật điều chỉnh các quan hệ hành chính, bảo đảm cho bộ máy hành chính hoạt động thông suốt. Tuy nhiên, do chưa được phân cấp cụ thể, cho nên chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan cùng cấp, cấp trên và cấp dưới còn chồng chéo, nhiều khi hạn chế lẫn nhau, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý thấp. Hệ thống các thủ tục hành chính đó cản trở, gây phiền hà cho nhân dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, gây trở ngại cho việc giao lưu và hợp tác quốc tế. Ý thức chấp hành pháp luật hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu. Cải cách một bước thủ tục hành chính là phải đạt được sự chuyển biến căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết công việc của nhân dân, phải phát hiện và xóa bỏ những thủ tục hành chính thiếu đồng bộ, chồng chéo, rườm rà, không thống nhất; xây dựng và thực hiện được các thủ tục hành chính đơn giản, thống nhất và công khai, bảo đảm được trách nhiệm quản lý Nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, pháp chế XHCN. Ðẩy mạnh tinh giản thủ tục hành chính, loại bỏ những khâu xin phép, xét duyệt không cần thiết, giảm phiền hà cho nhân dân và các nhà đầu tư. Thiết lập trật tự các thủ tục hành chính theo nguyên tắc thông tin rộng rãi và công khai. Tiến hành một bước phân cấp mạnh cho cấp dưới, quy định cụ thể, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị, bảo đảm thống nhất trong quản lý.

Thứ ba, hiện nay, đội ngũ cán bộ công chức bộ máy hành chính Nhà nước tuy đã được tăng cường về mọi mặt, cả về nhận thức chính trị lẫn chuyên môn, nhưng nhìn chung, chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, CNH, HÐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; trách nhiệm nghề nghiệp, kỷ luật lao động, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ công chức còn thấp. Ðiều đó làm giảm lòng tin của dân đối với chính quyền... Về số lượng thì có nơi, có lĩnh vực thừa, nhưng có nơi, có lĩnh vực lại thiếu. Ðể xây dựng được đội ngũ cán bộ công chức có lập trường chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, ý thức và đạo đức nghề nghiệp cao, cần phải tiến hành tốt tuyển chọn, thu hút nhân tài; và kiên quyết giảm biên chế đối với những cán bộ công chức không đáp ứng yêu cầu; đào tạo và đào tạo lại để thường xuyên nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ công chức, bố trí lại công việc phù hợp năng lực và sở trường của từng người.

Công cuộc cải cách nền hành chính, có liên quan đến nhiều mặt phải giải quyết đồng bộ, vừa là cuộc đấu tranh khó khăn phức tạp, lâu dài. Ðây không chỉ là công việc của hệ thống hành chính Nhà nước mà phải có sự lãnh đạo thường xuyên và trực tiếp của Ðảng; phải có vai trò tích cực gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan hành chính; hơn nữa, phải có sự tham gia giám sát tích cực của nhân dân; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp.

VÕ ANH TUẤN
(Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh)

-------------------------------------------

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng

Ðây là điều được đề cập trước tiên trong chủ đề Ðại hội X của Ðảng. Cách đặt vấn đề như thế là rất đúng đắn và cần thiết. Bởi lẽ, Ðại hội X của Ðảng không chỉ bàn những vấn đề hệ trọng của đất nước và của dân tộc, mà đây còn là việc Ðảng - trong nội bộ Ðảng và trong mối quan hệ với Tổ quốc, dân tộc và quốc tế. Chúng ta nêu vấn đề này vì đây là yêu cầu đối với một đảng cầm quyền, là do nhiệm vụ chính trị quy định, do đòi hỏi của lịch sử.

Nói tới năng lực lãnh đạo của Ðảng điều đầu tiên phải đặt ra là năng lực trí tuệ. Muốn là người khai phá, định hướng, dẫn đường của giai cấp và dân tộc thì Ðảng phải là đại diện, tiêu biểu, kết tinh về trí tuệ của giai cấp và của cả dân tộc. Năng lực trí tuệ không phải tự nhiên có, mà phải do vốn văn hóa (nghĩa rộng), do nắm bắt, tổng kết thực tiễn, nhận thức và hành động đúng quy luật khách quan. Ðổi mới tư duy cũng phải trên nền đó. Năng lực lãnh đạo của Ðảng còn là năng lực quản lý xã hội, quản lý nhà nước của cán bộ, đảng viên. Ðó cũng là thước đo của một Ðảng cầm quyền.

Năng lực lãnh đạo của Ðảng còn là khả năng tập hợp nhân dân, vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Sức hút ở đây là lý tưởng, là mục tiêu cao cả, là định hướng XHCN. Khả năng tập hợp phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của Ðảng. Uy tín này đã được xác lập qua lịch sử 76 năm quang vinh của Ðảng, qua 20 năm đổi mới đất nước, song còn phụ thuộc rất lớn vào thực tiễn ngày hôm nay, vào năng lực, uy tín của từng đảng viên.

Ðể nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng. Gương mẫu từ học tập nâng cao trình độ, năng lực đến rèn luyện đạo đức, phẩm chất, lối sống, cả lời ăn tiếng nói, nhất là sự kiên quyết đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng.

Ðể nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng, phải chăm lo công tác xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong thực tế, công tác tư tưởng, có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù công tác này tạo nên sự thống nhất trong Ðảng, sự đồng thuận toàn xã hội, là cơ sở thống nhất hành động, tạo nên sức mạnh, huy động nguồn lực toàn xã hội. Trong công tác tư tưởng, cùng với giáo dục lý luận chính trị cơ bản, cần phải tăng cường cung cấp thông tin có định hướng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường giáo dục truyền thống, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh hành động cách mạng của nhân dân.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, theo tôi, Dự thảo Báo cáo Chính trị nên nhấn mạnh đến tính đồng bộ, thống nhất giữa nội dung mà công tác tư tưởng chuyển tải với thực tiễn cuộc sống; công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống; nêu gương tốt của cán bộ, đảng viên trước quần chúng nhân dân.

NGUYỄN BÁ CÔN
(Thái Bình)

-------------------------------------------

Cần quan tâm hệ thống giáo dục mầm non

Tôi xin có mấy ý kiến đóng góp về lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở phần VII - "Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực" của Dự thảo Báo cáo Chính trị.

Trong giáo dục hiện nay có nhiều điểm bất cập và nhiều vấn đề bức xúc, nhất là hệ thống giáo dục mầm non. Yêu cầu chất lượng giáo dục mầm non đặt ra rất cao. Nào là hiện đại hóa chương trình, chuẩn hóa giáo viên, nào là xây dựng trường chuẩn quốc gia, rồi dạy hai buổi, dạy nhiều môn, rồi nội trú, bán trú, v.v. và v.v.

Nhưng thực tế thì hầu hết các địa phương giáo viên chưa qua đào tạo, chưa có trình độ văn hóa cấp THPT và chưa được biên chế, chỉ được hưởng một số phụ cấp quá thấp không theo quy định nào (tùy các địa phương được sao hay vậy).

Ðã thế, hầu hết các xã, các thôn chưa có đủ trường lớp mầm non, các lớp học còn phải đặt ở các hội quán thôn, xóm và ở nhà dân. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cần có chính sách giáo dục, với ngành học mầm non. Tôi cũng đề nghị thêm phần ổn định chương trình, sách giáo khoa và quy chế thi cử vì mấy năm nay chương trình và sách giáo khoa lộn xộn, thay đổi xoành xoạch. Trong dự thảo ở phần này có câu "cải tiến công tác thi cử cả về nội dung và phương pháp" nên thay từ phương pháp bằng từ quy chế. Cần tạo điều kiện để các trường đại học sớm trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục triển khai ứng dụng cho giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của nước nhà.

Ðiều cuối cùng tôi kiến nghị: Với thực trạng giáo dục hiện nay, cần phải có hệ thống cơ quan thanh tra giáo dục hoạt động độc lập với ngành giáo dục và chỉ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan này có thể là một bộ phận của Thanh tra Chính phủ. Giáo dục các cấp nên có ban thanh tra chuyên môn.

Nhà giáo Ưu tú TRẦN DANH HẢI
(Thạch Thắng, Thạch Hà, Hà Tĩnh)

-------------------------------------------

Mở rộng và phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa

Cuối phần III: Mục tiêu và phương hướng phát triển đất nước 5 năm 2005 - 2010, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X của Ðảng viết: "Phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa; đổi mới hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...".

Vậy phải làm gì để mở rộng, phát huy mạnh mẽ, đích thực, hiệu quả hơn nữa nền dân chủ của nước ta nhằm khẳng định tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội?

Theo chúng tôi, trước hết, phải làm cho mọi người từ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến những công dân bình thường thấu suốt quan điểm dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Nếu dân chủ được bảo đảm, mọi việc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, mọi thành quả dân hưởng thụ, thì việc động viên sức dân - nguồn lực của mọi nguồn lực, động lực của mọi động lực - sẽ trở nên "khó vạn lần, dân liệu cũng xong".

Thứ hai, quá trình dân chủ hóa xã hội, trước hết phải dân chủ hóa trong Ðảng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình, coi đây là điều kiện tiên quyết để mở rộng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong các tổ chức đảng nâng cao tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình để ngăn chặn, đẩy lùi bệnh quan liêu, độc đoán, dân chủ hình thức, nhất là trong việc tổ chức lấy ý kiến tham gia xây dựng các quyết sách, các chủ trương, chính sách, trong việc lãnh đạo tổ chức, bầu cử, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị các cấp.

Thứ ba, thể chế hóa quyền dân chủ bằng các quy định của luật pháp và chuẩn mực văn hóa, đạo đức. Nếu không có các chế định dân chủ để buộc các chủ thể phải tuân theo và qua đó nhân dân kiểm soát sẽ dẫn đến tệ nạn lạm quyền, chuyên quyền. Về dân chủ trực tiếp, đã ban hành quy chế dân chủ cho các loại hình cơ sở, đem lại những kết quả nhất định, nay cần được hoàn thiện, nâng cao, làm cho quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống một cách vững chắc, sâu rộng. Về dân chủ đại diện thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, cũng cần hoàn thiện việc chế định bằng luật pháp và các chuẩn mực xã hội nhằm phát huy năng lực và hiệu quả của dân chủ đại diện từ khâu xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của người đại diện đến việc tổ chức hoạt động của các cơ quan đại diện dân chủ.

Thứ tư, phát huy cao nhất vai trò và lợi thế của các cơ quan thông tin đại chúng, coi đó là kênh thông tin quan trọng để hình thành dư luận xã hội, là diễn đàn của nhân dân về vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Mở rộng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là vấn đề sống còn, là mục tiêu, động lực phát triển đất nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN mà Ðảng lãnh đạo toàn dân xây dựng.

HOÀI NAM
(870 Trần Hưng Ðạo, Quy Nhơn, Bình Ðịnh)