SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Người nghèo phải "sống gấp"? Hà Văn Thịnh Vòng quay đền bù, giải toả, tái định cư... đang gây bức xúc trong dân. Có cảm tưởng như một chính sách đúng, có tình, có lý của Đảng và Nhà nước đang bị những người ở dưới thực hiện "một cách máy móc, thậm chí vô cảm đã đẩy người dân vào cảnh "sống gấp"? Mọi sự phát triển đều dẫn đến những thay đổi về môi trường, thói quen, nếp sống. Đó là sự cần thiết của cái tất yếu. Tuy nhiên, những người làm công tác quy hoạch và xây dựng đô thị dường như chưa hiểu đủ vấn đề này. Người ta ngắm rồi đo, rồi tính, rồi thống kê, rồi lập ra quỹ thời gian một cách máy móc, thế là xong. Những phép tính khô khan "quên" hẳn điều cơ bản: Đằng sau những con số khô khan ấy, phía trước quỹ thời gian vô tâm ấy là biết bao số phận và họ phần lớn là người nghèo. Đối với một địa phương hay một vùng, thay đổi có nghĩa là có thể phát triển. Nhưng đối với một đời người, phần lớn sự thay đổi bắt buộc lại luôn kéo theo những đảo lộn. Phải rời bỏ môi trường sống ổn định thì kế sinh nhai hàng bao nhiêu năm đâu dễ giữ được, và đâu có thể bắt đầu làm lại trong một vài ngày? Những mất mát về tình cảm đâu dễ tính? Nơi chôn nhau cắt rốn đâu dễ đền bù? Những người cao tuổi ở bên kia dốc biết "làm lại" như thế nào đây?... Nói như thế để thấy rằng, bất kỳ sự giải toả đất đai nào cũng kéo theo không ít sự hy sinh của người dân. Họ sẽ được đền bù, tất nhiên rồi. Nhưng những người làm quy hoạch phải tính đến những mất mát và khó khăn của những người "một đi không thể trở lại" đó. Làm sao lại có thể đẩy người dân vào tình cảnh rút tiền đền bù gửi ở ngân hàng để sống qua ngày? Làm như thế có khác gì buộc người dân bị giải toả dành đất cho các dự án phải sống vội và sống trong âu lo, bất ổn. Sau khi giải toả để có "đô thị" mới, nhưng đô thị lại bỏ hoang, sau khi giải toả để có "thành phố" mới, nhưng chỉ có "phố" mà không có người ở... Những cảnh như thế có nhiều. Chẳng lẽ chúng ta làm hết bài toán ngược này đến bài toán ngược khác? Những nhà thiết kế và quy hoạch thì cho những bản thiết kế "sống gấp" thật nhanh, thật đúng tiến độ, để rồi hậu quả là bất cập và lãng phí. Còn người dân, sau khi bị giải toả thì không biết sống bằng gì, sống như thế nào. Đó là những hậu quả đơn, hậu quả kép, hậu quả lâu dài của tái định canh, định cư, của đền bù, giải toả; của những tầm nhìn ngắn, vội vàng - nếu không muốn dùng từ nặng hơn là thiếu hẳn tinh thần nhân văn cần phải có... Những hậu quả xã hội là không thể lường hết được nếu các kế hoạch luôn chỉ là những con tính khô khan. Tại sao khi quy hoạch không tính đến công ăn việc làm cho những con người vừa thiếu kiến thức, vừa thiếu những nghề nghiệp cơ bản, lại vừa đông con? "Cho" những người đang sống nhờ vào nhà mặt tiền lên lầu ba, lầu bốn thì chẳng khác gì bắt họ "sống gấp"! Nếu tình trạng này không thay đổi thì sự nhức nhối sẽ còn kéo dài. |
▪ Đác Nông phát triển y tế cơ sở (11/03/2006)
▪ Đưa nước sạch về nông thôn (11/03/2006)
▪ Cảnh giác với chất lượng thực phẩm nhập khẩu (11/03/2006)
▪ Tập thể không làm thay việc của cá nhân và ngược lại (11/03/2006)
▪ NGƯỜI & VIỆC (12/03/2006)
▪ Chìm tàu trên biển Cát Bà do va phải đá ngầm (11/03/2006)
▪ Cảnh sát bị 'cửu vạn' tấn công (11/03/2006)
▪ Viện Lao Nghệ An gây ô nhiễm trầm trọng (11/03/2006)
▪ Gia cầm lậu lại đổ về TP HCM (11/03/2006)
▪ Nở rộ phong trào nuôi nai lấy nhung tại Đồng Nai (11/03/2006)