Phóng viên : Xin ông cho biết tình hình nguồn nước tưới và tiến độ đưa nước đổ ải, phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân năm nay?
Ông Phạm Xuân Sử: Từ tháng 12-2005 đến nay, lượng mưa ở lưu vực sông Hồng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) làm cho lượng dòng chảy trên sông Thao, sông Ðà đều hụt so với TBNN từ 15 đến 25%; sông Lô hụt 25-30%. Mức nước sông Hồng tại Hà Nội từ cuối tháng 11-2005 đến nay đều thấp hơn TBNN và cùng kỳ năm ngoái. Ngày 4-2, do các hồ Hòa Bình, Thác Bà hạn chế xả trong dịp Tết Nguyên đán, mức nước sông Hồng tại Hà Nội đã xuống đến 1,46 m, thấp nhất trong vòng 104 năm qua. Mức nước sông thấp đã làm mặn lấn sâu, gây nhiều khó khăn cho việc lấy nước tưới ở cả vùng tưới bằng bơm điện và tưới tự chảy vùng ven biển.
Vụ đông xuân năm nay, vùng đồng bằng trung du phía bắc có kế hoạch gieo cấy 644.470 ha lúa, trong đó có 632.130 ha trong vùng có công trình tưới. Nguồn nước tưới chủ yếu lấy từ hai hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và các hồ chứa. Mức nước và lượng dòng chảy trên hệ thống sông Thái Bình có thấp hơn cùng kỳ TBNN nhưng ít ảnh hưởng đến sản xuất.
Các hồ chứa ở các tỉnh trung du trữ được lượng nước cao hơn năm ngoái (trừ một số hồ nhỏ ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc). Nếu như một, hai tháng tới, lượng mưa thiếu hụt thì diện tích tưới ở vùng hồ chứa sẽ gặp khó khăn về nước vào giữa vụ. Vùng khó khăn nhất về nước tưới tập trung ở ven sông Lô của tỉnh Phú Thọ; vùng bán sơn địa, phía đông huyện Phú Xuyên, ven sông Ðáy huyện Ứng Hòa (Hà Tây); vùng ven sông Hồng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và một phần huyện Văn Lâm (Hưng Yên),...
Ðể nâng cao mức nước sông Hồng, từ ngày 18-1 đến giáp Tết Nguyên đán, Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam đã tăng lượng xả cửa hai hồ Hòa Bình, Thác Bà lên 900-1.000 m3/giây cho các tỉnh lấy nước đổ ải. Tuy nhiên, số giờ xả lưu lượng thấp (300-400 m3/giây) còn quá nhiều (từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau) cho nên chưa nâng cao được mức nước sông Hồng tại Hà Nội theo dự kiến. Lưu lượng nước lấy vào các cửa cống, trạm bơm ven sông chưa đáp ứng được yêu cầu đưa nước tưới. Các trạm bơm tưới trong nội đồng không đủ nước để bơm liên tục, nhất là ở các hệ thống thủy lợi lớn như Bắc - Hưng - Hải, sông Nhuệ, Bắc Nam Hà.
Khắc phục tình trạng này, các hệ thống thủy lợi đã thực hiện nhiều biện pháp đưa nước, lấy nước dứt điểm cho từng khu vực như tưới luân phiên trên cả hệ thống kênh chính và kênh nhánh, tận dụng triều cao lấy vào hệ thống kênh chìm, hồ ao giữ nguồn nước tưới. Từ chiều 4-2, ngành điện bắt đầu tăng lượng nước xả của hai hồ Hòa Bình, Thác Bà với lưu lượng bình quân 1.000 m3/giây, 13 giờ ngày 6-2, mức nước sông Hồng tại Hà Nội đã lên 2 m, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng hạ lưu sông Hồng lấy nước.
Theo báo cáo đầy đủ của 13 tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng và trung du phía bắc, tính đến ngày 5-2, diện tích có nước để gieo cấy đã đạt 430.030 ha. Cục Thủy lợi tiếp tục phối hợp với Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam trong việc điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa Hòa Bình, Thác Bà để căn bản hoàn thành việc đưa nước đổ ải gieo cấy vào ngày 20-2 tới.
Phóng viên: Ðể thực hiện được kế hoạch đưa nước, bảo đảm gieo cấy hết diện tích lúa trong khung thời vụ tốt nhất, theo đồng chí, cần thực hiện các giải pháp nào?
Ông Phạm Xuân Sử: Trước hết phải bảo đảm giữ được mức nước sông Hồng tại Hà Nội trên dưới 2,3 m để các hệ thống thủy nông lấy đủ nguồn nước tưới theo yêu cầu sản xuất. Những vùng khó khăn về nước tưới phải chuyển nước từ các vùng khác sang. Thí dụ như, ở tỉnh Hà Tây phải dùng trạm bơm Ðan Hoài tiếp nước vào sông Ðáy, trên sông Ðáy phải đắp các đập tạm ở khu vực huyện Chương Mỹ để các trạm bơm điện, kể cả bơm dầu dã chiến tưới cho các vùng ven sông. Trạm bơm Ðan Hoài tiếp nước vào kênh La Khê cho trạm bơm La Khê đủ nước tưới cho vùng cuối kênh thuộc huyện Thanh Oai. Trạm bơm Sơn Ðà, Trung Hà tiếp nước vào sông Tích để các trạm bơm ven sông Tích hoạt động. Ở các hệ thống thủy nông lớn tiếp tục thực hiện tưới luân phiên để đưa nước dứt điểm cho từng khu vực. Vùng cuối kênh, vùng cao cục bộ phải dùng các trạm bơm dã chiến để đưa nước đổ ải và chống hạn cho suốt vụ sản xuất. Vùng ven biển cần tranh thủ các con triều cao lấy nước nhanh, tiếp tục trữ nước vào ao hồ, đầm và hệ thống kênh chìm để tưới dưỡng cho lúa. Vận động nông dân củng cố hệ thống bờ vùng, bờ thửa để tránh lãng phí nguồn nước, nguồn điện. Ba ngành thủy lợi, điện lực, nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc điều tiết nguồn nước hồ chứa, cấp nước, cấp điện, bảo đảm yêu cầu đưa nước và tiến độ gieo cấy. Về lâu dài, cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những khu vực thường xuyên thiếu nước tưới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và giảm mức độ căng thẳng trong công tác chống hạn ở các địa phương.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
|