Giải nhất cho tủ sách gia đình anh Trần Nguyên Giáp; hai giải nhì cho tủ sách gia đình ông Phạm Thế Cường, và ông Nguyễn Thanh Lợi, đều ở TP Hồ Chí Minh.
Gia bảo
Nhà anh Trần Nguyên Giáp là một quán ăn Huế tĩnh lặng, khá nổi tiếng, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, giữa những cung đường ồn ào nhất ở TP Hồ Chí Minh. Tầng trệt và lầu một là dãy bàn ăn, còn lầu hai và ba là thế giới của sách. Giáp lớn lên từ thế giới sách ấy. Ăn - sách, ngủ - sách và dĩ nhiên, một tình yêu - sách.
"2.500 cuốn dự thi là những cuốn sách quý hiếm, lâu đời và độc bản. Nếu tính tổng cộng 8 tủ sách trong nhà đã lên gần 7.000 cuốn, được xếp thứ tự theo 11 nội dung như văn học hiện đại, địa dư - địa chí, lịch sử Việt Nam, Nho giáo, Hán văn, Mỹ thuật Việt Nam , khảo cổ - hội họa...", Giáp nói. Hầu hết Giáp đã đọc qua, có cuốn đọc nhiều lần, chỉ trừ sách Hán Nôm là anh chưa tiếp cận được.
Giáp là cháu đời thứ 5 thừa kế tủ sách có từ thời ông sơ, Phó bảng Trần Đình Bá, làm đến chức Thượng thư Bộ Hình (như Bộ trưởng Bộ Tư pháp ngày nay) vào đời vua Thành Thái. Cuốn Annam Tolkin của Trương Vĩnh Ký có tuổi đời gần 100 năm từng đoạt giải nhất Sách vàng năm 2004 (cuốn sách này ba Giáp có được qua việc trao đổi với cụ Vương Hồng Sển); và đặc biệt là năm 2002, sách của nhà Giáp mang đi dự thi Sách vàng đã đoạt hầu hết các giải, từ giải nhất đến khuyến khích.
Nhưng cuốn sách thuộc loại cổ nhất trong tủ sách này là Thập mục ngưu đồ tụng, giải thích về sự tu hành của tu sĩ Việt Nam qua 10 bức tranh chăn trâu, phát hành từ thời vua Lê Dụ Tông năm 1720, nghĩa là cách đây 286 năm. Ông Trần Đình Sơn, ba Giáp, đã dịch cuốn sách này tặng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. Cuốn Không môn tổng tập yếu, giáo trình dạy Phật học thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, in cách đây 235 năm. Ngoài ra còn có những cuốn thuộc dạng "cổ lai hy" khác như Giáo nữ di quy (sách dạy con gái trước khi về nhà chồng), in vào năm vua Tự Đức 1878; Việt sử tân ước toàn biên, in năm 1906 có nét chữ chỉnh sửa của vua Thành Thái... Tất cả những cuốn sách này Giáp đều chưa mang đi thi Sách vàng.
Không chỉ là thú vui
Trước khi gia đình chuyển vào Sài Gòn (1968), thời tiết khắc nghiệt ở Huế và chiến tranh đã khiến tủ sách của gia đình Giáp thất lạc và hư hỏng đến 40%. Việc bảo quản sách cổ rất khó khăn vì thời gian khiến giấy giòn hơn, chỉ cần mạnh tay một chút là có thể khiến sách nát vụn. Việc cho mượn cũng rất hạn chế vì đã từng xảy ra chuyện hư hỏng sau khi cho mượn. Như cuốn Ngự đề đồ hội thi tập miêu tả và vẽ cảnh 20 thắng cảnh ở Huế xuất bản thời vua Thiệu Trị, là cuốn mà bất kỳ người nào phụ trách trùng tu di tích ở Huế cũng cần phải tham khảo, đã rách rất nhiều sau khi cho mượn.
Giáp đã thử nghiệm chụp hình, scan sách sao lưu lại trên đĩa. Đến nay anh đã làm xong... ba cuốn vì tốn rất nhiều thời gian. Nhưng làm như thế mới giữ được nội dung sách cho thế hệ sau và có thể cho các cơ quan chuyên môn mượn nghiên cứu một cách thuận tiện mà không lo sách rách.
Đối với Giáp, đọc sách không chỉ đơn thuần là một thú vui giải trí mà từ thú vui ấy, Giáp còn tích lũy được nhiều điều hay và bổ ích cho việc học, cho cuộc sống. Khi còn học trung học phổ thông, mặc dù học chuyên toán nhưng Giáp từng đoạt HCV kỳ thi Olympic lịch sử toàn miền nam. Bây giờ là sinh viên ngành y, tủ sách gia đình với nhiều cuốn sách y khoa, đã giúp anh nhiều trong việc nghiên cứu và cách ứng xử trong nghề.
Cái sự "mê" sách của Giáp được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu. Phòng học và ngủ của Giáp đồng thời cũng là phòng sách, những kệ sách trên tường mà ở bất kỳ chỗ nào trong phòng, anh cũng có thể với tay lấy được. Muốn tập thói quen cho con đọc sách, kinh nghiệm của ông Sơn là phải có một tủ sách đặt ở nơi yên tĩnh trong nhà. Ba mẹ đọc sách sẽ khiến con cái tò mò đọc theo, dần sẽ thành thói quen. Không thể bắt buộc con cái đọc sách, vì làm như thế nhiều khi sẽ có tác dụng ngược, khiến con cái phản ứng, chẳng những không đọc mà còn có thể ghét cả sách.
|