* Ba lần trốn khỏi trại cải tạo quả là một "chiến tích" hiếm có, ngày ấy, có bao giờ anh nghĩ mình sẽ làm lại cuộc đời?
Phạm Văn Mạnh: Năm 1992, lần đầu tôi phải vào trại cải tạo vì tội trộm cắp. Thực ra, cũng chẳng lấy của người ta cái gì to tát, chủ yếu là nhiễm phải thói lêu lổng từ bạn bè. Lúc ấy 18 tuổi, đang quen lêu lổng, bỗng nhiên mất quyền công dân nên lúc nào cũng muốn thoát ra ngoài để thoả sức chơi bời. Thế là trốn trại, bị bắt, lại tìm đường trốn. Lần một, lần hai, rồi lần ba... Có lần sau khi trốn, tôi cùng bạn bè mua một chiếc thuyền đánh cá vượt biển sang Hồng Công. Chừng một tuần lênh đênh thì thuyền cập bến, nhưng đó không phải thiên đường. Ở Hồng Công, nếu không vào trại tị nạn thì cũng bị cảnh sát truy lùng không khác nào tội phạm. Được bốn tháng đành phải tìm đường quay về.
Suốt mấy năm trời, cái lối sống tự do, chẳng coi pháp luật ra gì đã biến mình trở thành một kẻ tội phạm nguy hiểm trong mắt mọi người mà bản thân không ý thức được. Mỗi lần bị bắt, án càng nặng thêm, tổng án lên tới 10 năm tù. Mãi đến khi vào trại Thanh Phong (Thanh Hóa), tôi mới có ý định làm lại cuộc đời...
* Điều gì đã tạo ra bước ngoặt của đời anh khi vào trại Thanh Phong?
- Tôi đến trại Thanh Phong khi hồ sơ xếp vào loại "tái phạm nguy hiểm". Biên bản kỷ luật, biên bản đánh nhau, biên bản trốn trại... xếp thành một chồng dày hơn 10 phân. Cán bộ quản giáo nhìn thấy cũng giật mình. Thế nào mình cũng phải tìm đường trốn, 20 tuổi, ở cái nơi rừng xanh núi thẳm này coi như hết cuộc đời..., ý nghĩ ấy ban đầu vẫn cứ thường trực.
Trong thời gian trốn trại, tôi có quan hệ với một phụ nữ, cô ấy sinh cho tôi một thằng con trai khi tôi đã ngồi tù. Đứa con được ba ngày tuổi thì cô ấy trả nó về cho mẹ tôi. Bố tôi mắc chứng thần kinh, cả ngày lang thang ngoài đường, thằng em kế tôi mắc nghiện, thằng cháu nội ra đời đeo thêm một gánh nặng cho mẹ tôi... Mẹ tôi vào trại thăm đem thằng bé còn đỏ hỏn vào cho tôi được biết mặt con. Gặp con lúc thằng bé bị đói không có sữa nó khóc đến khản tiếng... Mẹ khổ, con đói, mình thì tù tội bó tay nhìn... Các bác quản giáo biết mẹ con tôi không có tiền đã đi mua sữa cho thằng bé. Các bác hỏi thăm hoàn cảnh, động viên mẹ con tôi đối xử như với người nhà. Không bao giờ tôi nghĩ lại có chuyện quản giáo đối xử với tù nhân như thế, tôi đã khóc vì cảm động. Tôi nghĩ, nếu mình trốn trại là mình đã phụ lòng các bác, các thầy.
* Anh đã làm gì để cho mọi người thấy quyết tâm "phục thiện"?
- Tôi nghĩ muốn làm lại cuộc đời mình, phải rèn luyện ý chí, muốn rèn luyện ý chí, phải trải gian khổ, phải đổ mồ hôi nước mắt. Nhiều năm vào tù ra tội nên trông tôi gầy gò cán bộ quản giáo phân công tôi vào đội trồng rau, nhưng tôi xung phong vào đội khai thác đá. Đội khai thác đá là nơi gian khổ nhất, là nơi chỉ dành cho những dạng tội phạm "đầu trâu, trán khỉ", những tay anh chị khó bảo nhất. Trời rét, cầm xà beng đánh đá tay cứ cứng đờ, trời nắng còn khổ hơn vì công trường không một bóng râm. Tai nạn là chuyện cơm bữa. Nhỏ bé nhất đội, nhưng tôi luôn xung phong làm những công việc không ai dám làm, tôi luôn cõng những tảng đá to nhất, leo lên những vách đá cheo leo nhất. Có động lực, tôi làm việc băng băng mà không thấy mệt. Và quan trọng hơn cả là tại đây các cán bộ quản giáo đã giúp chúng tôi thấy được đường về sau 14 tháng ở đội 11, tôi được giảm án. Mùng 2-9-2000, nhân dịp đặc xá, tôi được về với gia đình.
* Từ hai bàn tay trắng đến chủ doanh nghiệp chỉ trong mấy năm trời, đó cũng là một điều hiếm thấy chẳng khác nào chuyện một kẻ ba lần trốn trại, bí quyết nào giúp anh có được thành công đó?
- Sau khi ra tù, nếu ở nhà, rất dễ bị đám bạn bè xấu lôi kéo nên tôi xuống Móng Cái (Quảng Ninh), nơi có người quen để lập nghiệp. Công việc chính là đóng than tổ ong, nhưng tôi nghĩ mình lập nghiệp muộn nên phải làm việc gấp nhiều lần mọi người để bù lại, việc gì khó mấy, trả rẻ đến mấy cũng làm, miễn là việc chính đáng. Thấy tôi chăm chỉ nên người ta gả con gái cho. Hai vợ chồng vừa làm vừa tích luỹ. Có chút vốn liếng, tôi chuyển về Bắc Ninh vay thêm ngân hàng, vay mọi người để mở rộng kinh doanh.
Cũng như lúc còn tay trắng, tôi không chê bất cứ việc gì, tôi kinh doanh đồ gỗ, nhận công trình xây dựng, mua xe ô-tô cho thuê, song song nuôi lợn, nuôi gà. Những loại hình này số vốn không lớn lắm, vả lại, khi cái này thất bại thì có cái khác hỗ trợ. Điều quan trọng nhất là tạo dựng được lòng tin, kể cả những hợp đồng giá trị nhỏ mình cũng phải đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Vì thế, từ những hợp đồng nhỏ, tôi nhận được nhiều hợp đồng lớn và chuyển hướng kinh doanh chính là làm đồ gỗ xây dựng.
Nói chuyện với tôi, Mạnh không giấu giếm chút nào khi giới thiệu hai người, nói như nhiều người là có hồ sơ đen, đang làm việc tại xưởng mộc của công ty anh, đó là Nguyễn Mạnh H., người từng ngồi tù 14 năm 6 tháng và Phạm Văn S., một người từng nghiện ma tuý. Khi mới khởi nghiệp, anh đã giúp đỡ một số bạn bè từng bị đi tù bị nghiện ma tuý làm việc trong tổ sản xuất của mình. Nhiều người thấy vậy đã tình nguyện đưa con em mình không may mắc tệ nạn hoặc từng có tiền án, tiền sự đến nhờ Mạnh giúp đỡ. Nếu đọc qua lý lịch một số công nhân trong xưởng của Mạnh, nhiều người sẽ sởn gai ốc. Có người đang làm bỗng lên cơn vật vã, sùi bọt mép, đích thân ông chủ phải đi tìm bác sĩ giúp đỡ. Nhưng Mạnh quyết tâm giúp họ làm lại cuộc đời...
* Có khi nào anh thấy mình mạo hiểm khi nhận vào doanh nghiệp của mình nhiều đối tượng mắc tệ nạn xã hội?
- Thời kỳ cao điểm nhất, công ty tôi có hơn 60 công nhân thì có khoảng hơn 20 đối tượng hoặc nghiện ma tuý, hoặc từng có tiền án, tiền sự. Mình từng trải qua hoàn cảnh gần giống họ, nếu mình không thông cảm thì xã hội còn ai thông cảm với họ nữa? Hiểu tâm lý của anh em nên vừa làm mình vừa tâm sự cho anh em thấy được điều hay, lẽ phải. Tôi kể cho họ về chính cuộc đời mình, về gia đình mình, về chuyện cậu em trai tôi bị chết vì ma tuý năm 2002.
Bạn bè của những đối tượng này không muốn họ thoát khỏi bàn tay của "nàng tiên trắng" nên nhiều lần đến lôi kéo, gây gổ. Đó là những lúc khó khăn nhất, vừa phải thuyết phục anh em, vừa phải cứng rắn với bọn xấu. Biết tôi mấy lần vào trại nên chúng cũng sợ, tất nhiên khi cần mình phải báo công an, báo chính quyền. Các anh em thấy tôi hiểu tâm lý, thấy tôi quyết tâm giúp họ cai nên cũng cố gắng rất nhiều. Nếu anh em không tiến bộ, việc làm ăn của công ty sao phát triển được?
* Có bao nhiêu đối tượng được anh giúp đỡ đã trở về con đường làm ăn lương thiện?
- Có đối tượng trở về lương thiện, nhưng cũng có đối tượng không. Có một số đối tượng, sau khi đã cắt cơn một thời gian dài, gia đình đến xin về để tìm những công việc khác. Có lẽ họ không muốn con mình mãi phải gắn bó với công việc "nhất thổ, nhì mộc". Nhưng khi về gia đình, bị đối tượng xấu lôi kéo, lại tái nghiện. Chỉ tiếc mình không thể làm gì hơn.
* Anh dự định làm thế nào để nâng cao hiệu quả kinh doanh mà vẫn có thể giúp đỡ những người lầm lỡ?
- Được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Đức tôi đã ký đựơc hợp đồng bao tiêu sản phẩm với đối tác bên Đức. Hiện tôi đang đầu tư 20 tỷ đồng để thuê 6.000 m2 ở Khu công nghiệp số 2 - thị xã Bắc Ninh và mua thêm thiết bị mở rộng sản xuất. Việc giúp đỡ những đối tượng mắc tệ nạn xã hội lâu nay là tự phát, khi chuyển cơ sở ra khu công nghiệp, tôi sẽ đề nghị chính quyền và ngành y tế giúp đỡ để chúng tôi trở thành một doanh nghiệp vừa sản xuất kinh doanh, vừa có tư cách pháp nhân làm công tác xã hội. Tôi nghĩ như vậy hiệu quả sẽ cao hơn.
* Xin cảm ơn và chúc anh thành công!
|