Trách nhiệm mơ hồ(?!) Tô Phán
8 vị nguyên là lãnh đạo hoặc là lãnh đạo đương nhiệm ở các cơ quan nhà nước đã giải trình về trách nhiệm trong vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo. Thật trùng hợp, các bản giải trình đều có chung ít nhất 4 điểm cơ bản: Không quen biết Nguyễn Đức Chi - vì vậy không có chuyện riêng tư; quá tin tưởng vào văn bản trình của cấp dưới; có thiếu sót là không đôn đốc, giám sát tốt; trách nhiệm chủ yếu là của cơ quan khác!
Vụ lừa đảo đã diễn ra và hậu quả nghiêm trọng cũng đã xảy ra. Nhưng may mà vụ việc đã xảy ra nên mới có lúc ngồi giải trình (thực ra là tự nhìn lại những gì mình đã làm trong quá khứ), nếu không thì chẳng có lúc nào. Vì vậy, xin có vài ý kiến về "4 điểm cơ bản" này:
1. Việc quen biết hay không quen biết một người khác, kể cả giữa quan chức cơ quan nhà nước với nhà đầu tư, thiết nghĩ là chuyện quá bình thường, không việc gì phải khẳng định là "tôi không quen". Vấn đề là dù quen, nhưng mối quan hệ đó không được chen lấn, chi phối quan hệ công việc vốn chỉ tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo tài liệu vụ án thì các đề nghị (hoàn toàn có lợi cho Nguyễn Đức Chi mà bất lợi cho Nhà nước) đều được giải quyết rất nhanh đến ngạc nhiên.
2. Cán bộ lãnh đạo phải có bộ phận giúp việc cấp dưới. Các cụ dạy "thần thiêng nhờ bộ hạ". Không tin cấp dưới thì không thể làm việc được. Nhưng nếu cứ tin mà không kiểm tra thì khi cấp dưới đề xuất sai, thậm chí phạm tội mà vẫn ký duyệt, là một tai hoạ.
Trong trường hợp này có 3 khả năng: Cấp dưới đã nhúng chàm; người lãnh đạo đã quá tin cấp dưới hoặc biết mà vẫn "đồng lòng"; người lãnh đạo không đủ năng lực để thẩm định được đúng - sai.
3. Một trong những chức năng, nhiệm vụ của người lãnh đạo là đôn đốc, giám sát việc thực hiện của cấp dưới. Người làm công tác lãnh đạo luôn luôn bận bịu. Song không phải bận rộn mà để xảy ra tình trạng mình ký chỉ để mà ký, sau đó không giám sát, kiểm tra. Nếu như thế có nghĩa là không hoàn thành nhiệm vụ rồi. Cái gọi là thiếu sót chỉ là không đôn đốc, giám sát tốt - thực ra chỉ là một cách né tránh trách nhiệm.
4. Trách nhiệm để xảy vụ lừa đảo chủ yếu là do cơ quan khác, người khác. Nói như vậy thì quá dễ! Pháp luật quy định rõ: Lợi ích đi liền với trách nhiệm. Thế nhưng trong thực tế, con người thường coi lợi ích là riêng còn trách nhiệm là của chung. Với cách hành xử như vậy nên người ta luôn "đá" trách nhiệm sang chân người khác, hoặc sang chân... tập thể! Tỉnh bảo do bộ, bộ bảo do tỉnh. Tại sao không nói thẳng ra là do cả hai? Tại sao không dám nhận trách nhiệm về chữ ký của mình? Dám ký, nhưng không dám chịu trách nhiệm thì thật là...
Qua "4 điểm chung" trong các bản giải trình của 8 vị quan chức thì chỉ còn mỗi một cách kết luận: Trách nhiệm trong vụ lừa đảo này thuộc về... kẻ lừa đảo Nguyễn Đức Chi(!?). Nghĩa là "trách nhiệm" luôn luôn là một thứ mơ hồ mà thôi! |