Trên 70.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Các Website khác - 23/12/2005

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm nay cả nước đã đưa 70.590 chuyên gia và lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra 590 người. Lượng ngoại tệ do lao động chuyển về nước khoảng 1,6 tỷ USD.

Trong 18 nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam, Malaysia vươn lên đứng đầu về số lượng với 24.600 người, tăng so với năm ngoái 10.000. Tuy nhiên, do mức lương thấp (150-200 USD một tháng), Malaysia đã không còn hấp dẫn lao động, các doanh nghiệp đang rất khó tìm nguồn.

Đứng thứ hai về tiếp nhận lao động Việt Nam là Đài Loan với 22.780 người, giảm so với năm ngoái 15.000. Thị trường này gặp sóng gió ngay từ đầu năm khi Đài Loan ngưng tiếp nhận lao động Việt Nam đi giúp việc gia đình và chăm sóc bệnh nhân do tỷ lệ bỏ trốn trên 10%. Hiện thị trường này vẫn đóng băng, trong khi giúp việc gia đình và chăm sóc bệnh nhân chiếm tới 75-80% tổng số lao động đưa đi hằng năm.

Lao động kỹ thuật được các nước rất chuộng. Ảnh: N.T.

Hàn Quốc đứng thứ ba trong danh sách quốc gia tiếp nhận tu nghiệp sinh và lao động Việt Nam với 12.100. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay, bởi từ 8/2004, Hàn Quốc đã rộng cửa đón lao động. Trong 6 quốc gia phái cử (gồm: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Sri Lanka và Mông Cổ), lao động Việt Nam được chủ đánh giá cao và do đó được tiếp nhận nhiều nhất. Trước đó, Hàn Quốc chỉ nhận tu nghiệp sinh Việt Nam, mỗi năm khoảng 3.000.

Lào vẫn duy trì tiếp nhận trên 6.700 lao động Việt Nam. Riêng Trung Đông, Việt Nam đang cố gắng mở rộng thị trường này bằng các chuyến khảo sát của lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Thực tế, số lao động đưa đi đã tăng với hơn 900, gấp 4 lần năm ngoái, nhưng chưa đáp ứng mong đợi của phía Việt Nam. Cuối tháng 2/2006, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng sẽ sang Trung Đông để khơi dòng lao động Việt Nam sang khu vực này.

Một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu lao động 2005 là lần đầu tiên có 10 lao động Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ là hợp đồng cá nhân. Hiện Cục Quản lý chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào đưa lao động sang thị trường này. Còn lại, các thị trường khác như Singapore, Pháp, Đan Mạch chủ yếu tiếp nhận thuyền viên Việt Nam, số lượng đưa đi rất hạn chế, chỉ vài chục người.

Trong kế hoạch 2006-2010, mỗi năm Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 80.000-90.000 lao động. Trước đó, năm 2004, Việt Nam đưa 67.440 lao động đi làm việc tại 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt kế hoạch đề ra là 7.440 người. Lượng ngoại tệ họ chuyển về trên 1,6 tỷ USD.

Như Trang