Truyền thông về bình đẳng giới - thiếu và yếu
Các Website khác - 17/12/2008
Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội): Sự mâu thuẫn nội dung thông điệp về quyền bình đẳng giới giữa các chương trình truyền thông vẫn thường xảy ra.


Từ đội ngũ truyền thông

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (SCAGA) trong 80 chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam cho thấy, những chương trình này vẫn thể hiện những khuôn mẫu và định kiến giới.
Ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đưa ra ví dụ: sau khi làm xong một chương trình và tiếp tục một chương trình khác thì có thể thông điệp của hai chương trình này lại trái ngược nhau.
“Bình đẳng giới là một khái niệm mới mẻ ở Việt Nam, thậm chí là ngay cả với giới chuyên môn. Vì vậy, việc báo chí có nhiều lỗi trong vấn đề này cũng là chuyện bình thường. Nó phản ánh mặt bằng chung của xã hội về giới và BĐG”. - bà Nguyễn Vân Anh (Giám đốc SCAGA) nói: “Tuy nhiên, với vai trò thay đổi nhận thức xã hội, hơn ai hết, báo chí cần mang tinh thần tiến bộ nhất của thời đại”.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về giới, bất bình đẳng giới đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Tuy nhiên, không nên quan niệm rằng, bình đẳng giới có nghĩa là nam làm được việc gì thì nữ cũng phải làm được những việc như vậy. Việc phân công công việc, trách nhiệm xã hội là tùy thuộc vào năng lực và năng khiếu của mỗi giới.
Bà Bùi Thị Kim - Giám đốc trung tâm phát triển vì phụ nữ và trẻ em (DWC) đưa ra dẫn chứng về một người dẫn chương trình khá nổi tiếng trên VTV3. Đã nhiều lần MC này đặt câu hỏi với người chơi: "Chị đã có gia đình chưa và được mấy cháu rồi ạ?". Người chơi trả lời: "Tôi được một cháu trai và một cháu gái"; "Thật tuyệt vời". Còn nếu người chơi trả lời: "Tôi có một cháu gái", thì MC này liền tỏ ra cảm thông, chia sẻ: "Tôi chúc chị sẽ có thêm một cậu con trai".
Rồi không biết có phải là vô tình hay hữu ý mà các quảng cáo trên các phương tiện truyền thông lại có sự “phân vai” khá rõ rệt. Ví dụ, phụ nữ thường có vai trò trong bếp, nấu ăn, giặt giũ cho chồng con; còn nam giới thì đảm trách nhiệm vụ họp hành, đọc báo, lo các việc lớn.
Trong một gia đình, nếu hai vợ chồng cùng đi làm, cùng có trình độ ngang nhau, nhưng nếu có một chỉ tiêu đi học thì thường anh chồng hay được "ưu tiên". Nam giới dễ dàng được tạo điều kiện, thời gian để học hành, thăng tiến trong khi đó người phụ nữ phải mất thời gian và sức khoẻ cho việc sinh nở và nuôi con, chưa kể đến những công việc gia đình mà người ta cho là đương nhiên  thuộc về phụ nữ. Qua một thời gian 5-10 năm nhìn lại thì người vợ ở vị trí xã hội thấp hơn, thu nhập cho gia đình ít hơn, nhưng lại bị đánh giá là kém cỏi hơn.
Hay như theo phân tích của nhà báo Trần Đức Nuôi (Đài TNVN), báo chí hay lạm dụng từ "thiên chức" để nói về phụ nữ và cho đó là một cái gì rất vinh quang. “Thực ra, phụ nữ chỉ có một thiên chức duy nhất đó là sinh con, còn những việc như giặt giũ, nấu nướng, thu dọn nhà cửa... không phải là “thiên chức” của họ mà do những định kiến của xã hội gán cho họ”.
Đến một chiến lược dài hơi
Các dự án đang làm và đã làm về vấn đề bình đẳng giới cũng như các dự án hỗ trợ truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề này vẫn còn ở quy mô nhỏ, lẻ tẻ và thường không dài hơi.
Không phải khi có Luật Bình đẳng giới thì Việt Nam mới quan tâm và hành động về vấn đề này. “Vấn đề hiện nay là chúng ta thiếu một đội ngũ phóng viên chuyên trách về bình đẳng giới”-ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phân tích thực trạng.
Một trong những điểm cần tập trung hiện nay là nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng của những người làm truyền thông, làm sao để họ đừng vô cảm với vấn đề bình đẳng giới.
Bà Lê Kim Dung, Điều phối viên chương trình của tổ chức OXFAM (Anh) cho rằng, các tổ chức, cơ quan làm về vấn đề bình đẳng giới cần bắt tay chặt chẽ với những cơ sở đào tạo báo chí, đưa vào các chương trình giảng dạy trong trường. Nhưng tại thời điểm này, để đáp ứng những nhiệm vụ trước mắt, cần có những lớp tập huấn cho các phóng viên quan tâm đến lĩnh vực này.
Mặc dù, qui định về trách nhiệm của truyền thông nói chung với nhiệm vụ tăng cường bình đẳng giới được đề cập trong Luật Bình đẳng giới, nhưng các qui định này lại chưa được áp dụng trong các cơ quan truyền thông. Có lẽ, chưa có cơ quan truyền thông nào có chủ trương, đường lối rõ ràng cho nhiệm vụ này đối với phóng viên của mình.
Điều phải thừa nhận là các kênh truyền thông đang rất cởi mở để làm việc với các tổ chức chuyên môn về vấn đề bình đẳng giới, tuy nhiên hợp tác như thế nào hiệu quả nhất lại là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp./.
                                                                                                                      Theo Khát vọng sống