Một nghiên cứu khoa học trên 761 đứa trẻ trong gia đình nghiện rượu thì có 322 trẻ đần độn, 155 trẻ bị điên... Làm thế nào để giảm nhậu? đó là câu hỏi mà bạn đọc đặt ra sau khi chúng tôi đăng hai phóng sự về tệ nạn ăn nhậu bùng phát tại TP. Chúng tôi đã tham vấn và tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia.
Rượu đang chịu tiếng oan
Nghe điều này chắc chắn bạn đọc sẽ phản ứng, bởi nhiều người từng là nạn nhân của rượu một cách trực tiếp hay gián tiếp. Thực ra, theo các nhà khoa học, uống rượu có thể mang đến lợi ích cho sức khỏe nếu với chất lượng được bảo đảm, uống với dung lượng vừa phải. PGS-TS Phạm Huy Dũng (Viện Sức khỏe và Phát triển - Bộ Y tế) nhìn nhận: “Rượu là thức uống gắn bó với văn hóa của loài người. Rượu mang đến nhiều lợi ích cho con người. Nhưng rượu đang bị sử dụng thái quá gây nên bệnh và hàng loạt các hệ quả khác”.
Lý giải con đường đưa đến nghiện rượu dưới góc độ tâm lý, theo TS Đức Uy (Hội Tâm lý Việt Nam): “Đối với nhiều người, rượu được coi là một thứ thuốc chữa bệnh, làm dịu sự lo lắng, thoát khỏi trầm cảm. Nhưng người ta phải trả giá cho sự thoải mái tạm thời của mình bằng sự phá hủy dần cả cuộc đời còn lại”. Con đường tàn phá quen thuộc của rượu bia là dạ dày rồi tim, gan, thận, tâm thần và thường kết thúc là ung thư gan. Rượu còn là thủ phạm gây ảnh hưởng đến giống nòi. GS Từ Giấy (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) đã dẫn chứng một nghiên cứu khoa học tại nước ngoài trên 761 đứa trẻ trong gia đình nghiện rượu thì có 322 trẻ đần độn, 155 trẻ bị điên... Đó là chưa kể những hậu quả to lớn mà cả xã hội đang phải gánh chịu vì rượu gây ra như tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, tội phạm.
Cấm bia rượu: Thất sách
Trong những thư từ, email gởi đến cho chúng tôi, nhiều bạn đọc đã đặt vấn đề cấm bia rượu để tệ nạn ăn nhậu không còn làm băng hoại xã hội. Nhưng theo các nhà khoa học, nhà xã hội học thì đây chỉ là một giải pháp cực đoan, không hiệu quả. GS Từ Giấy dẫn chứng: “Nhiều nước như Mỹ, Thụy Điển, Nga... từng ban hành luật hạn chế hay cấm rượu. Nhưng tiếp sau đó là các vụ nấu rượu lậu còn nguy hiểm hơn vì độc hại hơn. Để giải quyết vấn đề văn hóa - xã hội phức tạp này, không thể dùng các biện pháp hành chính”.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là xã hội phải “bó tay” để tệ nạn này hoành hành. GS Từ Giấy đưa ngay ý kiến: Tổ chức một cuộc vận động hạn chế bia rượu bằng một số biện pháp đã được áp dụng thành công tại nhiều nước như: tuyên truyền tác hại của bia rượu; đánh thuế nặng vào sản xuất và tiêu thụ rượu; cấm quảng cáo... Theo TS Đức Uy, căn cơ nhất vẫn là việc tiếp tục nâng cao dân trí để từ đó họ nhận thức đúng đắn hơn về rượu. Một vấn đề khác được đặt ra là chuyện quản lý. Không đâu như Việt Nam, nơi nào cũng có thể bán bia rượu thoải mái như rau tươi!
Cai nghiện rượu, tại sao không?
“Tại nhiều nước, các phương tiện truyền thông vẫn thường xuyên thông tin các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh nổi tiếng phải đi cai nghiện rượu. Nhưng ở nước ta thì hầu như chưa có ai làm điều này”, đó là ý kiến của TS- BS Nguyễn Thị Mỹ Châu (Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM). Theo chúng tôi tìm hiểu, tại TP có Dưỡng đường Trung tâm Xanh có đăng ký chức năng cai nghiện rượu nhưng số người tìm đến khá hiếm hoi. Nghiện rượu không phải là bệnh, chính là lý do khiến các bợm nhậu cứ luẩn quẩn trong vòng tay của ma men đến hơi thở cuối cùng. PGS-TS Phạm Huy Dũng cũng cho rằng: “Tư vấn và chữa bệnh cho người nghiện rượu, gia đình của họ là một việc cần thực hiện ngay để giảm tác hại của bia rượu”. Tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Thị Mỹ Châu, đến nay nhiều người vẫn không biết mình đang trong giai đoạn lạm dụng rượu hay nghiện rượu để đến bệnh viện chữa trị kịp thời. Vì vậy, cần có sự tuyên truyền toàn diện hơn nữa.
Khi uống rượu, người sẽ hóa thành 4 con thú! Đó là cách diễn đạt nôm na của các nhà khoa học để mô tả quá trình diễn biến cơ thể người uống rượu: Đầu tiên là hình ảnh con công khi uống vài hớp bia, rượu. Người uống có cảm giác khoan khoái, da mặt hồng hào. Mặc dù người uống còn tỉnh táo nhưng phản xạ thần kinh đã giảm, dễ xảy ra tai nạn. Kế đó là hình ảnh con sư tử. Sự hưng phấn trong người uống tăng lên cao dẫn đến việc ăn to, nói lớn. Lúc này, việc bạo hành, xô xát có nguy cơ xảy ra cao. Uống tiếp, người uống sẽ hóa thành con khỉ vì rượu ngấm vào não không còn kiềm chế được hành vi. Dẫn đến những hành động bản năng như đốt nhà, tự tử, giết người, hiếp dâm... Sau cùng là hình ảnh con heo khi thần kinh bị ức chế mạnh, khuôn mặt đờ đẫn, mắt vô hồn. Người say đi lảo đảo rồi nôn mửa và ngủ ngáy khò khò như... heo. L.U.Phương ghi |
Phạm Thái Thanh
▪ Chân dung ông chủ kho báu (03/09/2005)
▪ Đề nghị truy tố 2 bị can (01/09/2005)
▪ Bắt tạm giam chủ nhiệm HTX Vận tải Mê Kông (01/09/2005)
▪ Tỉ phú cao su (01/09/2005)
▪ Chỉ có 30 ô tô mua vé tháng đậu xe tại khu trung tâm (02/09/2005)
▪ Khánh thành Công viên Thanh niên Gia Định (02/09/2005)
▪ Người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn làm ăn (02/09/2005)
▪ Lượng khách ở bến xe, bến phà tăng đột biến (03/09/2005)
▪ Xe điên gây 4 vụ tai nạn (03/09/2005)
▪ Thiết kế đô thị “rượt” theo nhà (04/09/2005)