Vì giữ hình ảnh, nhiều phụ nữ không nhận mình bị bạo lực
Báo Tiếng chuông - 30/11/2016
Theo BS.TS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), các diễn ngôn về người phụ nữ ‘tốt’/’xấu’, gia đình ‘đồng tính/dị tính’ đã tạo nên một quyền lực vô hình - tác động đến người phụ nữ khiến họ phải chịu áp lực nhưng không nhận ra áp lực này (bạo lực biểu trưng). Cơ chế tương tự cũng tác động lên nam giới, các thành viên khác trong gia đình và xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam, các yếu tố lịch sử (chiến tranh) và chính trị tạo ra niềm tự hào đặc trưng xoa dịu, chèn lấp nỗi đau của bạo lực.

3 câu chuyện bạo lực và 3 niềm tự hào

BS.TS Hoàng Tú Anh chia sẻ, là người công tác nhiều năm trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực giới, chị đã gặp và được nghe kể nhiều câu chuyện về bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Tuy nhiên, chị ấn tượng với 3 câu chuyện của 3 đối tượng, tuy có khác nhau về cách thức nhưng có một điểm chung là có ‘tự hào biểu trưng’.

 

Hình ảnh vết sẹo và dụng cụ gây bạo lực được trưng bày tại Hội nghị quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội

 

 ’Nếu chị chỉ nghĩ cho mình thì cái nhà này tan lâu rồi. Chị mà bỏ đi thì rất đơn giản. Mọi người ở đây ai cũng phải nể trọng chị. Người khác đã không thể chịu đựng như thế. Chị thậm chí là còn tốt hơn nhiều phụ nữ không bị chồng đánh ở đây. Thế nên là họ [gia đình chồng] phải nể chị đấy’. Đó là câu chuyện của một người phụ nữ 43 tuổi, bị chồng đánh 20 năm được BS Hoàng Tú Anh kể lại.

Một câu chuyện khác về một người đàn ông 62 tuổi, làm nghề giáo viên. Người đàn ông này đã xích người con trai đồng tính cạnh nhà vệ sinh với một chút thức ăn và nước uống mỗi ngày. Sau 18 ngày không ăn, người con được tháo xích sau khi hứa sẽ không yêu người cùng giới và sẽ làm một người con trai ‘bình thường’. Và ông bố 62 tuổi này tự hào: ‘Tôi là cha của một đứa con đồng tính, tôi dám tự tin nói rằng tôi không hề kì thị hay bạo hành con mình. Tôi chỉ làm đúng bổn phận người cha, răn đe con mình trước những sai lầm trong cuộc sống. Liệu tôi sẽ an lòng hơn khi để mặc con mình với cách sống tha hóa của nó chăng. Tôi rất ngạc nhiên khi có vài câu chuyện trong quyển sách giống như hoàn cảnh của tôi. Hay và thật lắm. Làm cha đôi khi phải khắc nghiệt vậy đó’.

Đó là những câu chuyện của người trong cuộc, còn đối với một lãnh đạo xã nhiều năm đạt xã văn hóa thì: ‘Ở đây ít những trường hợp đó lắm (chồng gây bạo lực với vợ). Dân ở đây rất thuần. Những trường hợp đó là cá biệt, là những người không bình thường’.

 

‘Tự hào’ và ứng xử với bạo lực

Theo BS Hoàng Tú Anh, trong gia đình, cộng đồng, xã hội thường có những ‘niềm tự hào biểu trưng’ khiến bạo lực bị chèn lấp.

Trong gia đình, niềm tự hào ‘gia đình văn hóa’ khiến người ta giấu những vụ bạo lực, không ủng hộ ly hôn. Bố mẹ không chấp nhận con gái quay trở lại gia đình sau khi kết hôn; không chấp nhận con là người chuyển giới, đồng tính

Ngoài cộng đồng, niềm tự hào ‘làng văn hóa’’, ‘xã văn hóa’, nhiều nhiều vụ việc bạo lực không được báo cáo. Các cặp vợ chồng/ gia đình có bạo lực thường bị kỳ thị. Lực lượng chức năng thường can thiệp theo hướng hòa giải, không ủng hộ ly hôn. Can thiệp vì danh tiếng của cộng đồng chứ không phải vì quyền lợi của phụ nữ. Ngoài ra, những phụ nữ không tuân thủ các chuẩn mực truyền thống không được hỗ trợ.

Một trưởng xóm khi được hỏi cách can thiệp trường hợp bạo lực đã nói: ‘Lúc đó là tối rồi nên tôi đến và bảo họ im lặng cho hàng xóm người ta còn ngủ. Buổi sáng, tôi lại đến nói chuyện với họ xem ai phải ai trái để họ cải thiện’.

Theo BS Hoàng Tú Anh, các khẩu hiệu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ hiện đại vẫn dựa chủ yếu vào hình ảnh người phụ nữ trong quá khứ (chiến tranh) - không bắt kịp với sự thay đổi về nhu cầu của người phụ nữ hiện đại, do vậy củng cố các khuôn mẫu giới truyền thống, duy trì sự tự hào hiểu trưng, do vậy hạn chế người phụ nữ và cộng đồng trong việc có các thái độ và hành động tích cực hơn khi bị bạo hành.

Điều này dẫn đến hệ lụy khi 30% - 58% phụ nữ đã từng kết hôn ở Việt Nam bị chồng bạo lực; 50% phụ nữ bị bạo lực đã không kể cho bất cứ ai; 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm đến các nơi trợ giúp tại cơ sở; 30-60% phụ nữ cho rằng bạo lực bởi chồng là chấp nhận được trong một số trường hợp...

Theo BS Hoàng Tú Anh, các can thiệp, chính sách và nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam cần lưu ý tới vai trò của bạo lực biểu trưng và niềm tự hào biểu trưng (tự hào, hy vọng) trong thái độ và ứng xử của các cá nhân và cộng đồng về bạo lực đối với phụ nữ và có các can thiệp thách thức sự tự hào biểu trưng này.

Các tổ chức xã hội, truyền thông, nhà nước Việt Nam cần xem xét lại các biểu trưng, giá trị bởi nó có thể không còn phù hợp với phụ nữ, nam giới, gia đình, đồng thời cần đưa ra, thúc đẩy các gia trị mới nhằm giảm, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ hiện nay.