Vì sao chưa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em?
Báo Tiếng Chuông - 26/03/2018
Thông tin trong dự thảo Tờ trình của Bộ LĐTB&XH về xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho thấy, đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Bộ LĐTB&XH chưa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trẻ em tại một cơ sở bảo trợ xã hội. Ảnh internet

 

Ngày 29/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em. Nghị định được ban hành đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội; góp phần tuyên truyền sâu rộng đến các đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, và toàn thể nhân dân nói chung ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, hạn chế tối đa vi phạm hành chính; tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân; góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, sau 3 năm thi hành Nghị định đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc và không bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cụ thể, hệ thống pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm hành chính đã có sự điều chỉnh, thay đổi. Một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực này làm cơ sở xác định hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính mới được ban hành, sửa đổi bổ sung sau khi Nghị định số 144/2013/NĐ-CP được ban hành như Luật Việc làm (năm 2013), Luật Giáo dục nghề nghiệp (năm 2014), Bộ luật hình sự (năm 2015), Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP  ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ ngày 1/6/2016 có nhiều quy định mới về quyền và nghĩa vụ của đối tượng so với luật cũ. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung toàn diện các điều khoản quy định tại mục 2 Chương II Nghị định số 144/2013/NĐ-CP, để thống nhất quy định của Luật Trẻ em.

Ngoài ra, qua rà soát cũng phát hiện một số quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các đối tượng trong Luật Người khuyết tật, Luật Người cao tuổi, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP chưa có quy định xử phạt hoặc có quy định nhưng chưa đầy đủ. Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em có sự trùng lắp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, chưa phân định rõ ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm hình sự cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Bộ LĐTB&XH chưa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, qua báo cáo của các địa phương hầu hết cũng không tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em mà chủ yếu là ban hành các kiến nghị yêu cầu đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức liên quan khắc phục những thiếu sót, hạn chế hoặc chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật hình sự.

Nguyên nhân của thực trạng này là xuất phát từ một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành, như việc các cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc trẻ em ngoài công lập phần lớn mang tính từ thiện (phần lớn là cơ sở tôn giáo), việc kiểm tra, quản lý, xử phạt hành chính đối với cơ sở nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo khó khăn do tổ chức xã hội mang tính chất tâm linh, nhạy cảm, do đó việc kiểm tra, xử lý các cơ sở sai phạm chủ yếu mang tính chất hướng dẫn, thuyết phục. Không có hướng dẫn rõ về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập, hoạt động, trách nhiệm và thẩm quyền quản lý các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng dưới 10 đối tượng. Nhiều cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng (đặc biệt là ở các nhà chùa) không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thành lập, hoạt động cũng như không được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, chưa có văn bản hướng dẫn rõ về tiêu chuẩn, thành lập, hoạt động của các nhóm trẻ gia đình (chăm sóc bán trú chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi), các vụ việc vi phạm (như đánh đập, ngược đãi trẻ chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ này, nhưng chưa có biện pháp quản lý phù hợp). Do vậy, việc xử phạt vi phạm gặp nhiều khó khăn do không có quy định về nội dung làm căn cứ quy định việc xử phạt.

Đối với các hành vi vi phạm liên quan đến thủ tục hồ sơ, cần nhận được sự phản ánh từ công dân để tiến hành việc thanh kiểm tra theo đúng thẩm quyền, xác minh rõ hành vi vi phạm của đối tượng vi phạm (Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với đối tượng bảo trợ xã hội,...). Các cơ sở bảo trợ xã hội được thành lập và hoạt động chưa thường xuyên thông tin kịp thời với các ngành có liên quan về tình hình hoạt động của cơ sở, không có báo cáo thường kỳ nên những hành vi vi phạm chỉ được phát hiện khi người bị hại hoặc gia đình của người bị hại tố giác với cơ quan chức năng. Vì vậy, khi hành vi vi phạm xảy ra nếu không nhận được phản ánh từ công dân thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khó phát hiện hành vi vi phạm để xử lý kịp thời.

Một số hành vi vi phạm xảy ra ở các Trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước, do công chức, viên chức thực hiện (ví dụ: sai phạm trong thực hiện công tác chi trả trợ cấp xã hội tại xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; vụ bớt xén tiền chế độ ăn của đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An,...). Khi xảy ra sai phạm đều xác định là hành vi xảy ra trong lúc đang thi hành công vụ. Do vậy, kết quả xử lý các vụ việc đều theo hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và thu hồi tiền sai phạm, không áp dụng được các hình thức xử phạt bổ sung như buộc xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho đối tượng bị vi phạm,....

Mức tiền phạt quy định tuy rằng không cao nhưng đa phần đối tượng vi phạm có hoàn cảnh khó khăn, nghề nghiệp tự do, không có đơn vị trực tiếp quản lý và chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể các chế tài để áp dụng các biện pháp cưỡng chế nên việc thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính là rất khó khăn (ví dụ: xử phạt đối với hành vi "Lợi dụng người khuyết tật...để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật", "Không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi"...).

Một số quy định của Nghị định số 144/2013/NĐ-CP rất khó xác định thế nào là hành vi vi phạm cũng như mức độ vi phạm như:"cản trở người cao tuổi sống chung với con, cháu hoặc sống riêng" (Điểm a Khoản 1 Điều 18); "kích động, xúi giục người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người khuyết tật, người cao tuổi" (Khoản 1 Điều 20), ''Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh" (Điểm a Khoản 1 Điều 22); “dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ chứng kiến việc đánh bạc dưới mọi hình thức” (Điểm a Khoản 1 Điều 25)  quy định “Bắt trẻ nhịn ăn, nhịn uống...” (Điểm b Khoản 2 Điều 27),….

Tình trạng vi phạm quyền của người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội vẫn xảy ra, các quyền bị xâm phạm như quyền được tiếp cận thông tin, quyền tham gia sinh hoạt tại các tổ chức xã hội của người cao tuổi, việc hành hạ trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc, vận chuyển ma túy... và đặc biệt là những hành vi vi phạm các quyền của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016. Vì vậy, việc ban hành một Nghị định mới thay thế Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội của ngành LĐTB&XH.

Nhật Thy