Với chủ đề “Loại trừ và lãng quên”, báo cáo năm nay kêu gọi các quốc gia tiếp tục hành động nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (đề ra tại Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia, từ năm 2000 đến 2015)). Những Tuyên bố và Mục tiêu này hướng tới những điều vốn rất giản dị, thuộc về quyền trẻ em như giúp các em thoát khỏi bệnh tật, chết sớm, thoát khỏi đói nghèo, không bị suy dinh dưỡng, được sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường phù hợp, được học hết tiểu học...
Tuy nhiên, thế giới đang thực hiện những cam kết trên với tốc độ còn rất “thủng thẳng”. Ông Christian Salazar, quyền Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam khẳng định: Những gì chúng ta đang làm cho trẻ em là chưa đủ, và nếu cứ tiếp tục tốc độ này, thế giới sẽ không đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ cho tất cả mọi người trong đó có trẻ em. Hiện nay, còn hàng trăm triệu trẻ em đang phải chịu sự bóc lột cùng cực, bị kỳ thị và lãng quên. Lãng quên trong các chiến lược phát triển, các chương trình nghị sự, trong luật pháp, số liệu thống kê và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
UNICEF ước tính, đến năm 2015 vẫn sẽ còn khoảng 170 triệu trẻ em không được sống trong môi trường vệ sinh thích hợp, 80 triệu trẻ em ở độ tuổi tiểu học không được đến trường, 70 triệu trẻ em thiếu nguồn nước sạch, 50 triệu trẻ em dưới 5 tuổi không được hưởng chế độ dinh dưỡng phù hợp như các nước đã cam kết...
Với 137 trang nội dung, Báo cáo đã cho các quốc gia cái nhìn tổng thể về vấn đề này, từ đó tìm ra những giải pháp để chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Đáng mừng là trong bối cảnh chung thế giới còn rối bời về những vấn đề của trẻ em như trên, thì Việt Nam đã được đánh giá là “một quốc gia điển hình về những gì cần làm để đem lại cho trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn”. UNICEF khẳng định: “Trong vòng 30 năm qua, Việt Nam có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này. Những thành công về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo... đã tác động tích cực đến sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi có thể đạt được một số mục tiêu thiên niên kỷ trước năm 2015”. Những nỗ lực chăm sóc, bảo vệ trẻ em của Việt Nam thể hiện ở nhiều mặt: cải cách luật pháp, đầu tư tài chính, chăm sóc, bảo vệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thực hiện quyền trẻ em... Việt Nam cũng đã xây dựng được một mạng lưới cán bộ làm công tác trẻ em và tư vấn cho trẻ em khá phát triển.
Tuy nhiên, những thành tựu về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em không bao giờ là đủ, nhất là khi chúng ta còn nhiều thách thức trong lĩnh vực này: như tỉ lệ suy dinh dưỡng (SDD) còn cao (cứ 4 trẻ, có 1 em SDD), tình trạng lạm dụng trẻ em, lao động trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em tăng nhanh và diễn biến phức tạp...
UNICEF chia sẻ với chúng ta bốn nhóm giải pháp: đầu tư nghiên cứu về các vấn đề của trẻ; tiếp tục sửa đổi luật pháp phù hợp với cam kết quốc tế dành cho trẻ em; tăng cường đầu tư ngân sách cân đối với nhu cầu và quyền trẻ em; cung cấp nhiều hơn dịch vụ xã hội cho trẻ.
Ông Phùng Ngọc Hùng, Phó chủ nhiệm UB Dân số - Gia đình và Trẻ em Việt Nam (CPFC Việt Nam) cho biết ngành đang cùng với các bộ, ngành hoàn thiện Dự thảo Chiến lược bảo vệ trẻ em giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn 2020 với nguyên tắc hàng đầu là Bình đẳng. Đây là chương trình góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2001-2010 và các giai đoạn tiếp theo.
|