Các nhà bênh vực nữ quyền hãy cứ đòi sự bình đẳng về mọi mặt với nam như trang phục, kiểu tóc, nghề nghiệp... nhưng trong chữa bệnh thì chớ nên. Không phải phương pháp điều trị nào hiệu quả với nam thì cũng hiệu quả với nữ.
Tim phụ nữ chỉ to bằng 2/3 tim nam giới và các động mạch vành cũng nhỏ hơn. Nhịp tim phụ nữ nhanh hơn nam giới. Những đặc thù này lý giải sự khác biệt thường thấy ở điện tâm đồ bình thường của nam và nữ. Nồng độ oestrogen ở phụ nữ tụt nhanh ở tuổi mãn kinh, nồng độ LDL - cholesterol (tức loại xấu) tăng và nồng độ HDL - cholesterol (loại tốt) giảm; huyết áp có xu hướng co thắt hơn. Sau mãn kinh, nguy cơ mắc bệnh tim của phụ nữ tăng lên gấp 4 lần.
Bệnh tim từ lâu vẫn được xem là sát thủ số 1 với nữ nhưng mới chỉ thực sự được khám phá trong 5 năm gần đây, trong khi những nghiên cứu về bệnh tim ở nam đã có bề dày đến 70 năm. Và người ta nhận ra rằng bệnh tim ở phụ nữ khác nam giới rất nhiều... thậm chí là hoàn toàn khác. Thật thế, bệnh tim ở nam có liên quan rất nhiều đến sự hình thành mảng bám ở mạch máu nhưng ở nữ lại liên quan đến nồng độ hoóc môn thay đổi sau tuổi 50. Những nghiệm pháp về stress (căng thẳng, gắng sức) là chuẩn mực vàng để phát hiện bệnh tim ở nam nhưng lại không có tác dụng với nữ. Nồng độ cholesterol ở nam là yếu tố quan trọng báo hiệu nguy cơ; nhưng 75% nữ có vấn đề về tim lại có nồng độ cholesterol thấp.
Huyết áp rất nhạy cảm với cảm xúc, có thể làm cho huyết áp tăng cao đến mức nguy hiểm; và phụ nữ là những người biết vận dụng nhiều kỹ thuật để làm giảm huyết áp một cách rất có hiệu quả (thiền, yoga...). Những phụ nữ có kỹ năng làm chủ cảm xúc của mình thường không phải dùng những loại thuốc hạ huyết áp mạnh mà nam giới thường phải dùng.
Nhồi máu cơ tim thường hoàn toàn “lặng lẽ” ở nữ, nghĩa là không thể hiện triệu chứng thực thể nào. Cùng lắm, phụ nữ chỉ cảm thấy đau nhẹ chứ không đau dữ dội như thường thấy ở nam. Vì thế, nam được đưa đi cấp cứu ngay trong khi nữ thường chỉ được chẩn đoán là “hội chứng đau thượng vị” rồi kê đơn và cho về nhà nghỉ! Phụ nữ rất cần dùng những thuốc bổ sung như acid folic, vitamin B6 và coenzime Q10 vì sự thiếu hụt những chất dinh dưỡng quan trọng cho tim này rất dễ xảy ra ở phụ nữ.
Nhiều nghiên cứu mới cho thấy sự cân bằng hoóc môn rất mong manh ở phụ nữ dễ bị rối loạn do những độc tố có trong môi trường (nhưng vẫn thường cho là do ảnh hưởng của hoóc môn nữ). Vì vậy, điều rất quan trọng đối với mọi phụ nữ là giúp cho gan giải độc, tức loại trừ các hoóc môn giả hiệu đó.
Xương phụ nữ không chắc như xương nam giới. Phụ nữ có khối lượng xương thấp hơn nam giới khi mới sinh ra. Khối lượng xương khi cao nhất, tỷ trọng xương và độ cứng rắn tối đa mà phụ nữ có thể đạt được cũng không bằng nam giới. Ngoài ra, sự tiêu xương nhanh xảy ra cùng với sự giảm oestrogen ở tuổi mãn kinh cũng góp phần làm cho phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn. Vì vậy, 80% người bị loãng xương là nữ. Hấp thụ đủ canxi và vitamin D, duy trì một lối sống hoạt động thì phụ nữ sẽ ít bị những tác động của loãng xương.
Phụ nữ và nam giới có đáp ứng khác nhau với rượu. Phụ nữ thường có nhiều mô mỡ hơn nam nên sự chuyển hóa rượu kém hiệu quả hơn. So với nam, bệnh gan do rượu phát triển nhanh ở nữ hơn dù với lượng rượu ít hơn. Nghiên cứu cho thấy, bệnh viêm gan do rượu dễ phát triển ở nữ và chị em cũng dễ chết vì xơ gan hơn so với nam.
Phụ nữ cũng dễ bị tổn thương não do rượu hơ. Khi sử dụng hình ảnh âm vang từ để nghiên cứu, người ta thấy vùng não liên quan đến nhiều chức năng điều phối của não nhỏ hơn rõ rệt ở những phụ nữ nghiện rượu nếu so với phụ nữ không uống rượu và đàn ông nghiện rượu. Nữ dễ bị tổn thương tim do rượu hơn.
Con cháu Eva cũng dễ bị hội chứng ruột kích thích hơn con cháu Ađam. Nếu bị hội chứng này, ngoài các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, đau quặn và dễ táo bón, bệnh nhân còn có thể bị đau bụng, phân lỏng hoặc có cảm giác nhu động ruột không mạnh. Hội chứng ruột dễ kích thích ảnh hưởng đến đại tràng, một bộ phận của ống tiêu hóa. Những tác động để gây ra hội chứng ruột dễ kích thích là một số thức ăn, thuốc hay cảm xúc đã tạo ra hơi gây áp lực đến ruột.
Với bệnh viêm bàng quang, thuốc kháng sinh vẫn là thứ dùng cho cả hai giới nhưng lại không phải là giải pháp với phụ nữ trung niên vì khi đã giảm bài tiết oestrogen, lớp niêm mạc bàng quang và niệu đạo không còn được bảo vệ trước nấm và vi khuẩn có hại. Chính oestrogen là thứ giúp phụ nữ duy trì lá chắn niêm dịch bảo vệ để vi khuẩn không thể xâm nhập. Vì thế, việc dùng kháng sinh lại làm cho bệnh bàng quang ở phụ nữ tồi tệ hơn, khiến nấm phát triển. Theo thời gian, tổn thương do nhiễm khuẩn bàng quang có thể lan đến lớp kẽ, gây viêm bàng quang kẽ.
Do vấn đề về bàng quang của nữ thường do giảm nồng độ oestrogen cho nên cách chữa hiệu quả là dùng kem estriol (một loại oestrogen yếu). Estriol tăng cường sức mạnh cho lớp niêm mạc âm đạo, có thể chữa khỏi đến 95%, kết hợp với vitamin C liều cao trong 2 tuần để nâng cao khả năng miễn dịch.
Ngoài ra, giữa nam và nữ còn nhiều khác biệt khác về bệnh lý như: 99% trường hợp ung thư vú xảy ra ở phụ nữ; phụ nữ bị rụng tóc (hói) ít hơn và cũng muộn hơn nam.
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Phụ nữ mãn kinh ít ham muốn vì bất mãn cơ thể (10/11/2005)
▪ 10 lý do khiến nam giới khó có con (10/11/2005)
▪ Người châu Á ít làm “chuyện ấy” (08/11/2005)
▪ Phụ nữ lái xe an toàn nhờ hoóc môn (07/11/2005)
▪ Giảm thọ vì sinh con trai (04/11/2005)
▪ Đàn ông + nửa đàn bà (30/10/2005)
▪ "Tinh binh" Anh la` ai? (28/10/2005)
▪ Chuyển đổi giới tính (27/10/2005)
▪ Eo sèo...phòng trọ nữ (27/10/2005)
▪ "Dấu hỏi xanh" - Địa điểm xử lý việc "thầm kín" (25/10/2005)