Bí mật và cuộc sống của những người chuyển đổi giới tính
Các Website khác - 20/05/2005

Ở Thái Lan, những chàng trai chuyển đổi giới tính kiếm khá nhiều tiền nhờ nghề vũ nữ. Các cô gái thuộc “giới tính thứ ba” ở Thái Lan rất dễ lấy chồng vì vừa đẹp lại vừa đáp ứng được sự “không thích bận bịu con cái” của một số người đàn ông.

Phẫu thuật chuyển đổi giới tính: Chuyện nhỏ

Việc chuyển đổi giới tính (CĐGT) hiện nay trên thế giới đã được thực hiện ở nhiều nước như một việc làm được phép và hợp pháp. Các nước Trung Quốc, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Thái Lan... là những nơi nổi tiếng về phẫu thuật CĐGT.

Giải phẫu CĐGT ở Thái Lan là một trong những ngành thu nhiều triệu đô la, mỗi năm đón nhận hàng nghìn "bệnh nhân" CĐGT từ các nước sang chữa trị. Bác sĩ Preecha, được mệnh danh là “bố già của chuyên khoa CĐGT Thái” đã mổ hàng chục năm nay, mỗi tuần ông thay “mười hai bà mụ” nặn lại thân thể cho không dưới năm người đồng tính theo yêu cầu của họ.

Còn những transexual hoặc transgender - người ta gọi những người đã CĐGT như vậy - họ nói sao? Một tiểu thư (cô Marylin Marc) nay đã biến thành người hùng (với tên mới là Mike Marc) kể lại: “Trong sáu tháng trời tôi đã phải trải qua gần 100 cuộc thử nghiệm về tâm sinh lý khác nhau. Phải đợi hai năm nữa, họ mới điều trị bằng hormon (và bây giờ vẫn tiếp tục tiêm) suốt một năm ròng rã trước khi phẫu thuật (cắt bỏ vú và tử cung). Những cơ quan nữ giới trong tôi ngừng hoạt động. Âm vật dần to lên, có thể cương như dương vật. Sau ba tháng, giọng nói của tôi chuyển sang giọng đàn ông và sau hai năm, râu ria của tôi đã xồm xoàm”.

Đến Pattaya (Thái Lan), thăm những sân khấu biểu diễn hát và múa của các cô vũ nữ thân hình cân đối, đẹp nuột nà và dịu dàng nhất mực khó có thể nghĩ rằng họ từng là một đấng mày râu. Nghe đâu họ kiếm được khá nhiều tiền, nhưng thuộc quyền quản lý nghiêm ngặt của 5 đại gia. Chàng trai nào dù không phải ĐTA nhưng đẹp và muốn hành nghề vũ nữ để kiếm sống, các đại gia cũng sẵn sàng đứng ra ứng trước tiền phẫu thuật, sau này ra nghề sẽ trả dần. Vừa qua (4-2005), báo chí có đưa tin về Cuộc thi hoa hậu thế giới đầu tiên dành cho những người CĐGT (mang tên Miss International Queen), kết quả cuối cùng thí sinh mang số 3 Treechada Petcharat, 19 tuổi của Thái Lan đã giành vương miện hoa hậu thế giới. “Cô gái” rất đẹp và đầy nữ tính này cho biết: Từ khi 4 - 5 tuổi, cô đã có ý thức mình là con gái trong thể xác con trai, nhưng mãi đến năm 17 tuổi cô mới được cha mẹ đưa đi phẫu thuật CĐGT. Trong phần ứng xử, Poy (tên thân mật của cô) đã thuyết trình về việc mình quyết định tham dự cuộc thi này chỉ vì muốn cộng đồng thế giới chia sẻ; đồng cảm và nhận thức đúng đắn hơn với những người mang “giới tính thứ ba” và chấp nhận quyền được sống, làm việc giữa cộng đồng nam giới và nữ giới.

Ở những nước khác, các tài liệu cho thấy, đại đa số những người đã CĐGT hài lòng với quyết định của mình, sống cuộc sống bình lặng và hạnh phúc hơn so với trước.

Bí mật đằng sau sự CĐGT

Trước hết, cuộc sống tình dục của những người CĐGT ra sao? Có phải sau khi phẫu thuật, bản năng tính dục (libido) của những người thuộc “giới tính thứ ba” này cũng không còn nữa?

Như đã nói, các nhà phẫu thuật đã tìm mọi cách để bảo đảm “bộ phận giả” thực hiện được tính... thẩm mỹ và tính chức năng. Thao tác tỉ mỉ nối các dây thần kinh cảm giác được coi trọng. Việc đánh giá tác dụng của các cố gắng này đến đâu thuộc về người trong cuộc.

Một người đàn ông Thái Lan đã trở thành phụ nữ xinh đẹp sau khi CĐGT.

Theo phát biểu của những người CĐGT từ nam sang nữ, cuộc sống tình dục của họ được thỏa mãn: Họ bị kích thích khi được sờ mó vào những vùng nhạy cảm, sự ham muốn quan hệ tình dục của họ có thể đạt đến cao độ (tức là tới trạng thái cực khoái) khi giao hợp với đàn ông. Họ cũng có tâm lý như mọi người phụ nữ khác: Muốn “chung thủy” với người đàn ông họ yêu thích và đem lại niềm vui thể xác cho người đó. Vì vậy, sau khi một chàng “gay” đã CĐGT chàng (hay nói chính xác hơn, lúc này đã là nàng) có thể kết hôn với anh người yêu cũ của mình và mang lại hạnh phúc cho anh ta, nếu như anh ta không giữ nguyên thói quen là chỉ thích quan hệ với đàn ông mà vẫn chung tình với “cô ta”. (Lưu ý rằng luật pháp một số nước không cho phép người ĐTA lấy nhau, nhưng khi một trong hai người đã CĐGT thì có thể được). Chính vì vậy, các cô gái thuộc “giới tính thứ ba” ở Thái Lan rất dễ lấy chồng, vì vừa đẹp lại vừa đáp ứng được sự “không thích bận bịu chuyện con cái" của một số người đàn ông.

Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng những cặp vợ chồng mà một trong hai người là CĐGT thì không bao giờ có con vì tinh hoàn (sinh tinh trùng) ở chồng hoặc tử cung (sinh trứng) ở vợ đã bị cắt bỏ.

Thứ hai, về chi phí CĐGT , từ điều trị hormon đến phẫu thuật từng bộ phận và hậu phẫu. Những lời chào mời CĐGT của các cơ sở y tế các nước có thể tìm thấy đầy rẫy trên mạng. Ví dụ việc CĐGT từ nam sang nữ, tại bệnh viện của bác sĩ Stanley Biber (thành phố Trinida, Colorado, Hoa Kỳ) treo giá: 5.000 USD cho phẫu thuật bộ máy sinh dục, 1.800 USD cho việc tạo vú, 1.500 USD cho việc chỉnh sửa mũi, 1.200 USD cho việc mài “trái táo Ađam” nơi cổ, 1.400 đến 6.000 USD cho viện phí. Tại Nhật Bản hơi đắt hơn khoảng 22.000 USD chưa kể các khâu phẫu thuật thẩm mỹ kèm theo. Thái Lan rẻ hơn, chừng 6.000 đến 8.000 USD, chưa kể viện phí và Ấn Độ 350.000 rupi (tương đương khoảng 127 triệu đồng Việt Nam). Phẫu thuật CĐGT nữ thành nam tốn kém hơn rất nhiều. Một con số khá đắt để trả giá cho nguyện vọng "bức xúc" của những người có khuynh hướng tính dục khác thường!

Những vấn đề pháp lý liên quan đến CĐGT

Cộng đồng ĐTA là một hiện hữu không thể không thừa nhận. Một khi việc CĐGT đã được coi như một công nghệ của ngành y tế, có nghĩa là về mặt luật pháp việc CĐGT được xem như chính đáng, cùng với nó là việc thừa nhận thay đổi tên họ, giấy khai sinh, chứng minh thư, thủ tục kết hôn và làm việc trong những nghề nghiệp dành riêng cho nam hoặc nữ. Nhiều nước phương Tây đã đưa những điều này vào luật. Một số tiểu bang của Mỹ công nhận quyền được CĐGT với chi tiết cụ thể, ví dụ trước khi CĐGT phải được sự đồng ý của gia đình (nếu dưới 18 tuổi), sự chứng nhận “có lệch lạc” của một nhà tâm lý học và một nhà điều trị học, phải thực sự bức xúc về giới tính trước đó 2 năm, đã điều trị bằng hornon trước đó 6 tháng, đã qua tư vấn về tâm lý và y tế, không mắc bệnh tâm thần... Kèm theo đó, quy định cả các thủ tục đổi tên, ly dị với chồng (hoặc vợ) cũ, quyền nuôi con và trợ cấp, kể cả những quyền lợi nếu việc CĐGT khiến họ mất việc làm.

Các tôn giáo luôn có mức độ bảo thủ của mình. Đạo Thiên chúa coi giới tính là do Chúa đã an bài, việc sửa đổi là trái ý Chúa và không cần thiết. Đạo Hồi cực đoan hơn, trước đây kết án tử hình những người ĐTA nam và đánh 300 roi với người ĐTA nữ.. Thế nhưng trong nhiều năm qua Mohamad Kamidynia, một giáo sĩ rất có uy tín thuộc dòng Shiite ở Iran đã bảo lãnh cho hàng chục thanh niên nam nữ CĐGT thực hiện ý muốn của mình. Nhiều người cho rằng cách nhìn đó là dấu hiệu cho thấy đất nước “thần bí” này đang mở cửa vì chính người chủ trương là Đại giáo chủ Yatula Khomenei. Theo ông, một người nào đó, dù là nam hay nữ cảm thấy bản thân bị trói buộc trong một cơ thể sai giới tính thì hoàn toàn có quyền tự giải phóng khỏi đau khổ. Mãi đến 7-8-2004, sau hàng chục năm do dự, nhà nước Iran mới công nhận việc CĐGT, cho phép người CĐGT thay đổi tên và giấy khai sinh. Trường hợp một cặp vợ chồng muốn có con trai nhưng chỉ sinh con gái, muốn CĐGT cho con mình, thì ở bất cứ nước nào cũng cấm và cho rằng đó là hành vi vô đạo đức.

Chuyện ĐTA và CĐGT ở Việt Nam

Nếu căn cứ vào tỉ lệ tối thiểu mà các cuộc điều tra trên thế giới đưa ra là tính trung bình 1% dân số là người ĐTA thì cộng đồng này ở Việt Nam lên tới 800.000 người. Họ cũng có những vấn đề của họ như những người ĐTA trên thế giới, nhưng chưa được xã hội chú ý đúng mức. Nền văn hóa truyền thông không chấp nhận những “cái khác lạ” so với “cái thông thường" của đa số. Cho nên họ phải giấu đi khuynh hướng tình cảm và tính dục của mình, tránh sự xét nét của mọi người nhìn vào với cái nhìn không mấy thiện cảm. Sự việc chỉ bắt đầu được lưu tâm khi người ta thấy - trên kinh nghiệm của thế giới - quan hệ ĐTA là môi trường để lan truyền khá nhanh đại dịch thế kỷ HIV/AIDS.

Để tìm được sự đồng cảm, cũng là để thể hiện mình, những người ĐTA thường tập hợp ở các tụ điểm, các câu lạc bộ, các vũ trường (ở các thành phố lớn) và nhiều khi họ có những hành động thái quá, nhất là giới trẻ, bị báo chí phản ánh cùng với những tiêu cực do họ gây ra, vì vậy càng thêm những sự thành kiến, kỳ thị. Ở đây, cần có một cái nhìn mang tính nhân văn và công bằng. Nếu coi nhu cầu tình dục cũng như các nhu cầu cơ bản, đói ăn, khát uống của con người thì sẽ thông cảm hơn với họ. Và như trên đã nói, nếu ĐTA là bẩm sinh, là có nguyên nhân sinh học thì rõ ràng không phải “tội” của họ.

Việc CĐGT trước sau cũng sẽ đặt ra ở Việt Nam. Phẫu thuật CĐGT đối với trường hợp lưỡng giới (cần phải đưa về một giới nào trội hơn) hoặc xử lý các trường hợp bộ phận sinh dục bất thường từ nhiều năm nay đã được tiến hành ở Viện Nhi, song chưa thực hiện trên những người ĐTA nam và nữ trưởng thành, có nguyện vọng được chuyển đổi về “giới tính đích thực” theo quan niệm của họ. Những nguồn tin cho biết đã có trường hợp một số người ĐTA nam ở nước ta đã sang Thái Lan phẫu thuật CĐGT thành công.

CĐGT là vấn đề quá mới mẻ đối với thuần phong mỹ tục nước ta. Nếu gạt bỏ những yếu tố tiêu cực có thể, như CĐGT để trốn tránh (một cách an toàn) khỏi sự truy nã khi phạm tội, CĐGT để trốn nghĩa vụ quân sự, để tranh chấp gia tài hoặc để hành nghề kiếm sống..., thì cung phải nhìn nhận dường như nó đã trở thành yêu cầu đối với một số người.

Để hoàn chỉnh luật pháp, cần có những điều luật dành cho đối tượng xã hội này.

Hai cặp sinh đôi cùng CĐGT

Cặp thứ nhất là hai chị em sinh đôi cùng trứng Carolyn và Marylin Vittitow, sinh ra và lớn lên ở Illinois (Mỹ). Họgiống nhau đến từng chi tiết, nhất là cùng "căm thù" cơ thể của mình. Họ thực hiện CĐGT cùng ngày rồi đổi tên là Mike và Marc, sau đó chuyển đến Arizona, nơi luật pháp cho phép người CĐGT được lấy vợ. Họ cưới vợ cách đây không lâu trong một đám cưới chung vào ngày tình yêu (14-2) ở Las Vegas. Hiện họ sống rất hạnh phúc tại hai ngôi nhà cạnh nhau. Chiều chiều họ rủ nhau đi uống bia và ngày nghỉ đi xem bóng chày. Mike là y tá, còn Marc làm bảo vệ. Nhận xét về chồng, Sandra, vợ Mike, nói: "Tôi từng lấy chồng một lần và khẳng định, Mike hơn đứt anh chồng cũ của tôi về “chuyện đó”. Không có con cũng chẳng sao”.

Hai chị em sinh đôi, Karen và Martine Hewitt, người Anh, lại khác. Chỉ riêng Martine bất mãn với cái vỏ con gái của mình, còn Karen thì không. Năm 24 tuổi, chị Martine CĐGT thành anh chàng Paul hết sức đẹp trai. Vậy là hai chị em trở thành hai anh em. Họ vẫn thân nhau như xưa. Năm 1995, Paul viết cuốn tự truyện Chàng trai trong lốt phụ nữ là một best-seller (sách bán chạy nhất) trong năm.

Từ nay hãy gọi bố là mẹ nhé!

Joschua Vecchione, một người Mỹ gốc Ý vốn là phụ nữ, tên khai sinh là Janine Vecchione. Sau khi CĐGT, anh lấy vợ. Người vợ của anh là Kristie đi thụ tinh nhân tạo với tinh trùng xin từ ngân hàng tinh trùng, sinh cho anh một đứa con trai. Nay cô ta muốn ly dị. Thường đàn ông không được quyền nuôi con, nhưng quá yêu nó, anh xuất trình khai sinh gốc và giấy xét nghiệm nhiễm sắc thể. Giấy tờ cho thấy anh vẫn là nữ đến... 80%. Anh giành được quyền nuôi bé Brian. Anh bảo nó: “Từ nay, con gọi ba là mẹ nhé!”.

Theo KH&ĐS