Qua kết quả khảo sát, từ các số liệu thu được và kết quả thảo luận nhóm ở các xã, phường, cho thấy: Tỷ số giới tính của trẻ khi sinh trong thời kỳ 5 năm (1999- 2003) ở 24 xã, phường thuộc 6 tỉnh thống kê thu được là: 115,6 cháu trai trên 100 cháu gái.
Tỷ số này cao hơn tỷ số giới tính tự nhiên của trẻ khi sinh (104-l06); Tỷ số giới tính của trẻ khi sinh bắt đầu có biểu hiện chênh lệch ngày một tăng trong những năm gần đây; Tỷ số giới tính của trẻ khi sinh có sự chênh lệch đáng kể ở các trường hợp sinh từ con thứ 3 trở lên. Đơn cử ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, trong số 17 trường hợp sinh con thứ 3, có đến 14 cháu trai, chỉ 3 cháu gái. Vẫn còn tư tưởng muốn sinh con trai, nên chiều hướng con trai nhiều hơn con gái là thực tế: "Em không muốn sinh nữa, nhưng không có con trai là không được với chồng em" - một phụ nữ ở Bình Định tâm sự. Việc sử dụng siêu âm để phát hiện giới tính của thai nhi khá phổ biến trong cả nước. Tuy nhiên, qua trao đổi tại 24 xã/phường thuộc 6 tỉnh khảo sát, chưa thấy có trường hợp nào phải loại bỏ thai nhi do giới tính không theo mong muốn.
Để khẳng định lại mức độ tin cậy của số liệu thống kê từ cơ sở và tìm hiểu các nguyên nhân có thể làm mất cân bằng giới tính của trẻ khi sinh, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một điều tra xã hội học tại 2.400 hô gia đình của 6 tỉnh (mỗi tỉnh 400 hộ). Kết quả điều tra đang được xử lý và sẽ được công bố trong thời gian gần đây.
Đối với mọi quốc gia, cơ cấu giới tính được coi là cân bằng khi tỷ lệ giới tính khi sinh trong khoảng từ 104 đến 106 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Ở Ấn Độ, tỷ lệ giới tính lúc sinh là 105; dân số dưới 15 tuổi là 106; dân số trên 65 tuổi là 103, và của toàn dân số là 107. Ở Indonesia con số tương ứng là 105, 78 và 100 nam/100 nữ.
Tỷ lệ giới tính lúc sinh là yếu tố có vai trò chủ đạo có thể làm thay đổi tỷ lệ giới tính ở các lứa tuổi và của toàn dân số trong tương lai. Tỷ lệ giới tính lúc sinh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có các chính sách liên quan. Tại Trung Quốc, với chính sách chỉ nên đẻ một con nên tỷ lệ sinh con trai tăng dần từ sau năm 1980. Tỷ lệ giới tính lúc sinh là 108,5 trong năm 1981, tăng lên 110,9 năm 1986 và 111,0 năm 1987 và cao đến 113,8 vào năm 1989. Để tìm hiểu tại sao lại có sự chênh lệch về giới tính khi sinh như vậy, các nghiên cứu tại Trung Quốc đã chỉ ra rằng có sự phối hợp giữa sự giảm sinh và sở thích chỉ sinh con trai của người dân. Vì mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một con nên người ta đã sử dụng những kỹ thuật xác định giới tính trước sinh như siêu âm... và dùng nạo hút thai đối với những thai được xác định trước là gái. Sinh con trai tăng từ năm 1980 là một hiện tượng ở Trung Quốc nhưng những hiện tượng tương tự cũng đã từng xảy ra ở nhiều nước khác như Ấn Độ, Nam Triều Tiên.
Tại Việt Nam, theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, thì tỷ lệ giới tính khi sinh là 105,2; tỷ lệ giới tính của dân số dưới 15 tuổi là 105,45; tỷ lệ giới tính của dân số trên 65 tuổi là 67,17 và tỷ lệ giới tính toàn dân số ở mức 96,44. Mặc dù cuộc nghiên cứu mới ở quy mô nhỏ và ở những nơi đã có dấu hiệu chênh lệnh giới tính khi sinh, song từ thực tế này, cũng cần phải có nghiên cứu về những giải pháp để điều chỉnh kịp thời - tránh để xảy ra trên quy mô toàn quốc.
TS ĐOÀN MINH LỘC (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Dân số, Gia đình và Trẻ em)
|