Hành trình đi "đúc" thằng cu
Các Website khác - 06/10/2008

Nhọc nhằn mang nặng đẻ đau… Sau nỗi đau còn đèo thêm nỗi lo, tất cả cũng chỉ vì hành trình kiếm tìm một thằng cu như ý!

Bất chiến tự nhiên thành

Tất nhiên cũng phải có sức lao động bỏ ra chứ không thể nói trẻ con là do con cò mang tới như các bà mẹ kể chuỵên với con nít được. Tuy thế, câu “bất chiến tự nhiên thành” lại hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Luôn luôn tâm niệm, trời cho sao hưởng vậy, con nào chẳng là con nên những cặp vợ chồng này không chịu một chút áp lực đối với việc phải có người nối dõi tông đường. Không nhồi nhét chất bổ, không tính toán giờ “hành sự”, không băn khoăn trai gái… kết quả là một thằng cu vẫn dần thành hình như chính sự “hồn nhiên” của cha mẹ.

Ảnh minh họa

“Làm” hết sức, đợi hết mình

Câu nói đã thể hiện quyết tâm “phục” cho bằng được thằng cu chống gậy sau này. Nhưng con cái là trời cho, không phải muốn sao được vậy nên những chuyện khóc nhiều hơn cười vẫn được nói đến thường xuyên. Áp lực sinh con trai đôi khi lại không phải của những cặp vợ chồng, đó là mong muốn của các cụ, là con mắt họ hàng nhìn vào, là sự mỉa mai của người ngoài…

Chính vì không chịu được tầng tầng áp lực như vậy nên các cặp vợ chồng cứ hì hục tìm mọi cách để “nặn” thằng cu. Thậm chí nếu “sản phẩm” không có giới tính như mong muốn thì chồng lại đưa vợ đến các phòng phụ sản, chờ đứa sau. Con nào cũng là con, mỗi đứa con bỏ đi là một lần đau ruột nhưng không ít người vẫn áp dụng cách đào thải đau đớn này chỉ vì khát khao được ngồi mâm của các ông nội tương lai trên bàn nhậu.

Đi tìm “nguồn” khác

TS Lê Thị Quý - GĐ Trung tâm Nghiên cứu giới và phát triển: Khi làm việc trong nhóm dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chúng tôi đã đề nghị đưa việc ép vợ đẻ con trai vào cũng là một tội danh, bởi hiện tượng này phổ biến và có chiều hướng gia tăng ở nước ta.

Có những phụ nữ phải đẻ ròng rã tới 12 lần, vậy mà vẫn bị hăm là chồng sẽ lấy vợ hai nếu họ không cố sinh được con trai. Vì sức ép đó, nên phụ nữ chỉ khi đẻ được con trai mới cảm thấy yên thân, hoàn thành nhiệm vụ.

 

Nếu sinh con theo ý muốn được thì đã chẳng có những bi kịch gia đình kể mãi không hết. Những câu chọc tức ác ý về “chỉ số đàn ông” hoặc “đám trứng ung” càng khoét sâu mặc cảm và nỗi lo lắng phải sinh con trai của những người bị vướng vào trường hợp này.

Không ít người chồng đọc nát sách hướng dẫn về sinh sản vẫn không tin là mình không đủ sức “đúc” được thành con trai, tất cả lỗi lầm là do mụ vợ “không biết đẻ”. Họ đi tìm người “biết đẻ” ở bên ngoài và sau đó là một chuỗi những chông chênh của gia đình một khi sự thật bị phơi bày.

Theo đó, nhiều người vợ bị dày vò đến hao mòn vì bị đe doạ phải chia sẻ chồng với “bà hai” cũng chỉ vì mong ước một đứa con trai chưa thành hiện thực. Họ liều mình lựa chọn một giải pháp “an toàn trong mạo hiểm”: “nhờ” người đàn ông khác. Cũng bất đắc dĩ, cũng đau đớn và hạnh phúc gia đình cũng chông chênh dù có thể cả nhà đang hớn hở khi đón đứa cháu trai đầu lòng.

“Ép dầu mỡ ai nỡ ép duyên”, giờ chắc phải thêm “ép dầu ép mỡ ai nỡ ép… sinh”, hơn nữa còn ép sinh con trai. Không chỉ sức khoẻ tinh thần của người phụ nữ bị đe doạ mà hạnh phúc của nhiều gia đình bị đặt bên bờ vực thẳm. Và xót xa nhất là những đứa trẻ không mang giới tính đúng như mong muốn của người lớn, những bé gái phải nhận sự ghẻ lạnh của chính cha hoặc mẹ hoặc ông bà mình, không chỉ những bé gái đã được sinh mà cả những bé gái chưa kịp chào đời…

Theo Thư Giãn