Hanoinet - “Đói ăn rách mặc tùm hum, no cơm ấm áo thì thèm nọ kia”. Cuộc sống phát triển, chuyện bồ bịch ngày nay được “nâng cấp” và có xu hướng lan rộng, mạnh khắp.
Ngày xưa, chuyện ngoại tình, bồ bịch nhăng nhít (mà ngày nay được “hiện đại hoá” bằng các cụm từ đầy ấn tượng như: cơm, phở, ngã ba lòng...) thường được các cụ dành cho kẻ có tiền.
“Đói ăn rách mặc tùm hum, no cơm ấm áo thì thèm nọ kia”. Cuộc sống phát triển, chuyện bồ bịch ngày nay được “nâng cấp” và có xu hướng lan rộng, mạnh khắp.Bài viết này là những thông tin người viết cóp nhặt được trên những nẻo đường đã đi qua và chỉ dành riêng cho đối tượng “cơm còn chưa no, co còn chưa ấm” với những lời “cáo lỗi” không thể thuyết phục được từ phía một người. Lời bình xét không đưa ra, dành lại cả cho bạn đọc.
Ngoại tình vì chồng... quá bẩn
Chị A. vốn là người ở miền “nứa, tre, chè, cọ” Phú Thọ. Là con út trong gia đình có tới 5 miệng ăn, nứa tre không đủ làm nhà, chè cọ không đủ nuôi miệng, chị đã cùng bố mẹ trôi dạt lên Tuyên Quang. Bến bờ phù sa của con sông Lô “miền đẹp” tuy màu mỡ hơn nhưng gia đình chị cũng không thoát khỏi cảnh cơ cực. Cơ cực nhưng vẫn phải sống! Lam lũ cùng gia đình, chị A lớn lên, những khó khăn thường nhật đã in hằn, biến chị thành một người con gái mà bất cứ gã đàn ông nào gặp chị một lần cũng phải nhớ vì... chị quá xấu. Những người đàn ông ở đây thường đùa: Trời chả cho con A. cái gì hơn người ngoài cái xấu.
Vì xấu nên chị khó lấy chồng. Cứ vật vã vào ra với đói nghèo tới tuổi 38, cái tuổi mà với một phụ nữ bình thường đã xác định là ở vậy... thì duyên may đến với chị. Chị được một anh quê mạn dưới phải lòng. Người ta bảo trời mang vận may đến cho chị! Tuổi này, người như chị, duyên đến, hạnh phúc và niềm đam mê khó có thể hình dung. Chị lao vào yêu đương, hẹn hò với bời bời gió trăng “miền đẹp”. Ai cũng bảo cái anh ấy yêu chị là “chữa cháy”, là để “giải toả” chứ đẹp trai hiền lành như anh ấy ngoảnh đâu chả có vợ. Sáu tháng đắm say, anh ấy lấy chị thật. Có gia đình lên dạm hỏi đặt lễ, tổ chức cưới xin đàng hoàng.
Thế là chị A yên bề gia thất. Để có cuộc sống mới, người chồng của chị đã bỏ hết tiền bạn hữu, bà cô chú bác mừng tậu ngay một đám đất thiên hạ bỏ đi để an cư. Người bỏ công, đất chẳng phụ, chồng hiền như con gái, cây quả được định hình và bắt đầu cho thu nhập. Với nguồn thu từ vườn đồi cùng nghề đi xây mướn và sự chu tất của anh, gia đình chị từ đói nghèo đã vươn lên bậc trung lưu ở xóm. Hai đứa con, một trai một gái ra đời, ơn trời đều giống anh. Nhà cửa bắt đầu xây dựng, hai đứa con được nuôi ăn học, một chiếc xe Tầu đời đầu được dắt về, chị A. được tham gia một công việc nho nhỏ ở xã.
Thế rồi không hiểu sao, cái chị A. xấu như “trời đánh hụt” ấy đã bắt đầu xuất hiện trong mình một “ngã ba lòng” và “cái ngã ba” chị chọn ấy đều là những kẻ chả hơn chồng mình. Những buổi đi đêm về hôm với cớ này, cớ kia, rồi những lời xì xào bắt đầu lan rộ trong toàn xóm. Mới đầu nghe lời thiên hạ, chồng chị A. đã gạt đi với những lời đầy kính trọng và an ủi vợ. Được đà tiến tới, tưởng chồng dại, chị A. tung hoành. Gỗ đá cũng đến lúc phải chuyển mình, từ cảm thông, chồng chị chuyển sang nhắc nhở khéo. Nhắc nhở mãi cũng không được, anh quyết tâm làm rõ trắng đen với chứng cớ. Và chứng cớ ấy đã có khi anh chính thức bắt được vợ mình đang “trai trên, gái dưới” với một gã đàn ông... khác ở một nhà nghỉ khá tồi tàn trong thị xã.
Anh chồng cũng là người hiểu biết và sống rất tình người. Muốn chia tay với người vợ lắm rồi nhưng còn tương lai hai đứa con. Để người vợ đổi tính, cực chẳng đã anh đã nhờ họ hàng. Họ hàng không được, anh nhờ đoàn thể trong đó có Chi hội phụ nữ xã. Hội phụ nữ xã đã ý tứ mời chị đến, bà chi hội trưởng lấy cớ xóm làng là đi đến nhà chị tư vấn. Và cái kết quả duy nhất từ những lần tư vấn ấy là “lời khai” của chị A, tôi xin trích đầy đủ: các chị bảo, chả ai muốn cả. Nhưng ông ấy nhà em bẩn quá!
Ngoại tình vì... một rổ ngô
Đêm yên ả! Những người dân của xóm K.H xã V thị trấn Việt Lâm tỉnh Hà Giang say sưa với những vai diễn của vở kịch phát trên truyền hình thì cả xóm bỗng náo loạn. Cái sự náo loạn này bỗng gây hấp dẫn vì nó được phát đi từ nhà anh T – một gia đình thuộc loại cùng đinh trong xóm. Lắng nghe, ai nấy đều chép miệng bảo: Lại cái con vợ nó. Ăn còn chả đủ mà suốt ngày còn đi ngủ với trai. Con này có lẽ bị bệnh mất.
Chuyện vợ anh T. đi làm về khuya rồi “hẹn hò” tưởng sẽ lắng dịu đi đôi phút và mọi người sẽ được chú tâm tiếp với vở diễn. Thế nhưng không, tiếng dữ mỗi lúc một to, đuốc sáng hừng hực với những lời gào thét của anh chồng khốn khổ đã bắt mọi người phải chạy tới. Dưới căn nhà lá che chưa đủ kín trời, bóng điện không đủ sáng phải “tăng cường” thêm ngọn đuốc trong tay, hai đứa con anh T nhếch nhác đến không thể tả nổi đang nép vào một xó. Phía kia là người vợ, mớ tóc dài rối bù, áo cúc đứt lia chia, chiếc quần thì bẩn và rách đến tận đùi. Anh T mặt đỏ rực như người say rượu, sỉ vả vợ không tiếc lời.
Chỉ có tiếng thút thít của người vợ đáp lại. Chồng hỏi, hàng xóm hỏi vợ chỉ lắc đầu. Anh chồng quyết định làm rõ nguồn cơn. Cán bộ và công an xã được mời đến. Vợ chồng trở thành hai “đối tượng” bị “cách ly” để lấy “lời khai”. Ranh giới cách nhau chỉ là cái bàn với ba cái chén uống nước đóng cặn mà mỗi cái là một chủng loại. Giấy được mở, bút được đặt, người vợ “khai” với chính quyền: Dạ, chiều nay, lúc đi làm về, em qua xem nước ruộng và gặp anh ấy. Em không muốn nhưng... Đây là lần đầu tiên em trót dại... Nghe “lời khai” có vẻ thiếu “tính khoa học” anh chồng bật dậy chỉ tay thóa mạ vợ.
Chính quyền, công an xã lại xôn xao dàn xếp. Biên bản lại được xé đi viết lại. Cứ tiếng chửi, tiếng doạ của người chồng rồi lại việc xé và viết tới gần tiếng sau người vợ mới “thật thà”: Em đã “hẹn hò” anh ấy nhiều lần rồi ạ. Chuyện bắt đầu từ hôm chồng em vắng nhà, gạo hết, không còn thứ gì để cho vào nồi, em đã gặp anh ấy, anh ấy cho mẹ con em rổ ngô. Ơn nghĩa quá nên em phải... “trả nợ” anh ấy.
Ngoại tình vì chồng không... nghèo như họ
Cái anh H hiện đang là chủ một doanh nghiệp cũng kha khá ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, vốn là chỗ quen của tôi từ thời còn là sinh viên. Mỗi lần lên đây tôi thường qua chỗ anh uống hớp rượu và... kiếm chỗ ngủ nhờ. Lần gặp này, giờ làm việc chưa hết, chẳng tiếc thời gian anh rủ tôi đi uống bia với một tâm trạng buồn. Cái cánh đàn ông thường buồn thì hay uống, mà càng uống lại càng buồn. Thấy lạ nhưng tôi chẳng dám hỏi. Khi cái bàn nhựa đã được xếp nhiều chai cốc, tôi mới lên tiếng “sẻ chia”. Anh khóc rồi giãi bầy: Khốn nạn thật ông ạ! Chả biết nhà tôi mả chôn ngược xuôi thế nào mà cái con vợ của tôi lại sinh tính bồ bịch cơ chứ! Cặp với ai chả cặp lại đi cặp với thằng cùng đinh khố bện, vốn là thợ điện cũ của tôi. Nói thật là nhục lắm ông ạ! Để vậy thì không được mà không để thì tan nát gia đình vì tụi nó “say” nhau quá rồi.
Để làm chủ một doanh nghiệp như hiện nay là một quá trình lao tâm khổ tứ của anh H. Anh vốn quê ở Thổ Tang, lấy vợ và khởi nghiệp từ nghề đồng nát. Gom góp nhặt nhạnh, làm giàu, rồi dựng doanh nghiệp, chuyện làm giầu của anh chắc phải liệt kê tới 400 trang in mới hết và mới đủ để người ta thấu hiểu được giá trị hạnh phúc đang có của gia đình anh. Thế mà, gia đình ấy sắp tan nát! Tôi không dám an ủi và không dám khuyên anh là nên “mạnh tay”, để vậy hay có giải pháp thế nào. Chỉ biết rằng, người vợ đã được đoàn thể mời ra.
Lần nào chị cũng phủ nhận và cho chồng mình là đặt điều, chỉ có lần duy nhất, người vợ tâm sự với một người bạn gái vốn là bạn thân của anh (Sau này người ấy nói lại với anh) là: Có chuyện ấy thật. Chồng với chả con, suốt ngày chỉ tiền nong và công việc. Anh ấy (cái gã thợ điện đã kể trên) tuy nghèo nhưng sống hấp dẫn hơn nhiều?!.