Những cuộc tình tranh thủ lúc chờ xuất ngoại
Các Website khác - 21/04/2005

Thời gian tập trung ngắn ngủi trước khi sang nước ngoài làm việc, một số lao động đã “cặp” với nhau. Có người phải bỏ chuyến bay vì không muốn rời xa người tình. Có người lại lỡ chuyến xuất ngoại vì đã mang thai...

Nhờ một người quen giới thiệu, Linh lặn lội từ Đồng Tháp lên TP HCM đăng ký đi xuất khẩu lao động Đài Loan với ngành nghề khán hộ tại một doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Sau khi hồ sơ được chấp nhận, sức khỏe đạt yêu cầu, Linh đóng tiền cọc và được vào trung tâm đào tạo của công ty này để học về kỹ năng và học tiếng trước khi đi. Trong khi chờ đợi, cô được bố trí chỗ ở miễn phí trong trung tâm cùng khoảng 30 lao động khác cả nam lẫn nữ. Số người “ở trọ” này đến từ tứ xứ, có người sẽ đi Malaysia, có người sẽ đi Hàn Quốc hoặc Đài Loan.

Hằng ngày, Linh và các chị em trong phòng góp tiền tự nấu ăn và sinh hoạt chung. Thấy vậy, nam lao động đang tập trung đi Malaysia phòng bên đặt vấn đề “góp gạo thổi cơm chung”. Có vẻ như việc này chẳng có gì bất tiện, cũng là một công nấu nướng nên các chị nhận lời. Từ đó, lao động nam và nữ có cơ hội gần nhau hơn. Và không biết từ bao giờ Linh đã “cảm” Tuấn, một chàng trai 25 tuổi đến từ Tây Ninh.

Trên thành phố lạ đường, không có xe cộ, tiền cũng không dư dả để vào chốn yêu sang trọng, thành ra những con đường cạnh khu trọ là nơi đôi tình nhân hẹn hò, nắm tay vừa đi vừa trò chuyện cho đến khi mỏi chân thì quay về. Thi thoảng họ hẹn nhau ở những quán cà phê “mờ mờ” để được gần nhau nhiều hơn. “Biết là ngày mai mỗi người mỗi chuyến bay, mỗi phương trời, nhưng lỡ yêu rồi, biết sao được chị”, Linh nói với ánh mắt không giấu nổi sự ngượng ngùng và lo âu cho tương lai mờ mịt của mối tình này. Hằng ngày Linh tình nguyện giặt quần áo cho Tuấn, cơm nước phục vụ người yêu chu đáo chờ đến ngày gạt nước mắt tiễn nhau lên đường.

Một chuyện tình khác cũng ở trung tâm này. Trọng đã từng đi làm thuyền viên cho doanh nghiệp Đài Loan 5 năm. Trở về nước không có công ăn việc làm, Trọng tiếp tục đăng ký đi lao động ở Malaysia với ngành nghề lắp ráp linh kiện điện tử. Trong khi tập trung học tại trung tâm, có Sinh, quê Quảng Trị thường nhờ anh Trọng dạy thêm tiếng Đài. Vậy là từ “nỉ hảo” (xin chào) họ nhanh chóng chuyển sang “wỏ ai nỉ” (anh yêu em) lúc nào không hay. Dù các chị em đồng hương trong phòng can ngăn, nhưng Sinh cứ lao vào Trọng như một thứ men say. Tin này nhanh chóng được lan về quê. Chồng của Sinh nghe được đã lặn lội vào tận nơi đánh ghen nhưng vợ còn đó mà người tình của vợ thì đã “bay” rồi. Ôm niềm căm phẫn, chồng Sinh tát vợ mấy cái rồi bắt gói ghém đồ đạc về quê, bỏ mộng vợ đi làm nước ngoài để cải thiện cuộc sống gia đình, mất luôn mấy triệu tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, bên cạnh những lao động thật sự “cảm” nhau, không ít người trong thời gian này đã tìm cho mình một đối tượng để “cặp” vì 1.001 lý do.

Cho dù đã năm lần bảy lượt được thông báo tập trung để chuẩn bị đi, nhưng cứ đến phút chót do trục trặc về giấy tờ, chuyến đi Malaysia của chị Tình lại bị hoãn. Nhà ở Đồng Nai, đi về nhiều cũng mệt. Chị Tình thuê nhà trọ cùng mấy người quen ở Thủ Đức để ở tạm. Không nghề nghiệp, cuộc sống nơi thị thành khốn khó, các khoản vay cứ to dần lên mà “cái số xuất ngoại” vẫn chưa đến với chị. Than thở mãi chán rồi, chị Tình theo chân mấy cô em trong khu trọ đi kiếm tiền. Lúc đầu là công việc bưng bê tại một quán ăn nhỏ trên đường Phan Xích Long, sau chuyển sang làm tiếp viên ở quán nhậu lớn trên đường Phan Đăng Lưu. Với khuôn mặt ưa nhìn, khôn khéo, chị Tình đã lọt vào sự chú ý của một vài ông khách. Dần dà, chuyện chị Tình “cặp” với ông này đến ông kia được đồn ầm lên trong khu trọ. Và chẳng ai thấy chị Tình nhắc tới việc đi lao động ở nước ngoài nữa.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Đào quê ở Hà Tĩnh học xong lớp 12 thi mãi không đỗ đại học nên được gia đình “đầu tư” đi lao động tại Đài Loan. Những ngày mới vào trung tâm, Đào cũng chịu khó học hành, nhưng được vài tuần thói quen ăn chơi bùng phát, bao nhiêu tiền gia đình gửi cho Đào dành hết vào việc mua sắm quần áo, phấn son để diện. Các chị trong phòng thấy Đào hay gặp và nói chuyện với mấy anh xe ôm đứng ở ngã ba, rồi ban ngày Đào lảng vảng đến lớp học, tối lại khăn gói lên đường mà không ai rõ đi đâu. Cho đến khi có giấy thông báo ngày đi, Đào hồ hởi theo chân chị em đến bệnh viện khám sức khỏe lần cuối trước khi bay theo quy định, thì test thử thai của Đào có kết quả dương tính. Vậy là thay vì lên máy bay sang nước ngoài làm việc theo mong muốn của cha mẹ, Đào phải nhảy xe khách trở về quê không hẹn ngày trở lại.

Tại các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong thời gian chờ lên đường không ít chuyện tình diễn ra như thế. Phần lớn những lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài là những người có hoàn cảnh khó khăn. Họ phải vay mượn một khoản tiền không nhỏ để lo chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Họ cũng có quyết tâm làm giàu thực sự để trả nợ và cải thiện cuộc sống gia đình khi trở về. Việc “dính” vào chuyện yêu đương trong thời gian ngắn ngủi dường như chỉ là sự chắp vá tình cảm và ngoài ý muốn.

Nhưng cũng có những đôi tin vào tương lai tình yêu của họ. Cô Phương, quản lý lao động tại một công ty xuất khẩu lao động ở quận Tân Bình, TP HCM, nói rằng, có rất nhiều lao động khi đã sang nước ngoài vẫn liên lạc về công ty hỏi địa chỉ, điện thoại của người yêu. Có người viết thư về cho những người bạn đang “nằm” lại ở đây kể rằng đã gặp được “anh ấy” trên quê người.

Tuy nhiên, do “vướng” vào chuyện yêu đương, có trường hợp lao động Việt Nam không tuân thủ giờ giấc và quy định của đối tác nước ngoài, dẫn tới việc vi phạm hợp đồng lao động và bị trục xuất về nước trước thời hạn trên những chuyến bay không mong đợi.

(Theo Người Lao Động)