Tâm thần vì bị bạo hành
Các Website khác - 30/09/2008

Không sinh được con trai, bị chồng hắt hủi, bạo hành, thường xuyên bị ép buộc làm "chuyện ấy", mẹ chồng thì xét nét, hà khắc… là nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ mắc bệnh tâm thần.

Tâm thần vì … mẹ chồng

Khó ai có thể tin được Nguyễn Thị Nguyệt Nga (28 tuổi, Hà Nam) từng là một nữ chiến sỹ công an xinh xắn, trẻ trung được bao người ngưỡng mộ. Vậy mà không chịu nổi cách đối xử của mẹ chồng, Nga đã phải điều trị tâm lý một thời gian dài bên ngoài rồi vào bệnh viện. Gần một tháng điều trị tích cực nhưng bệnh tình của Nga thuyên giảm rất chậm, lúc tỉnh táo như không, lúc lại hò hét, điên loạn. Nga kết hôn với một chàng giám đốc kinh doanh có tài, bố chồng cũng là cán bộ trong ngành công an về hưu, mẹ chồng làm nội trợ, gia đình thuộc dạng khá giả trong huyện.

Từ ngày về làm dâu, mẹ chồng Nga luôn có ác cảm với cô con dâu... Mâu thuẫn nảy sinh khi mẹ chồng ra quy định: tất cả phải có mặt ở nhà vào bữa trưa. Cơ quan cách nhà 8km, hết giờ làm việc buổi sáng, Nga phóng xe hết tốc lực cũng phải hết gần 40 phút mới về đến nhà, phụ mẹ chồng nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp cũng đến giờ đi làm.

Ảnh minh họa

Nhanh tay nhanh chân đến mấy thì Nga cũng luôn đến muộn. Đến lúc có bầu, công việc bê trễ, luôn bị khiển trách ở cơ quan khiến Nga mệt mỏi. Về nhà cô vẫn phải hoàn tất mọi việc nhà, bắt đầu từ lúc 5h30 sáng với việc lau dọn cả tòa nhà rộng thênh thang... Làm bất cứ việc gì cô cũng bị chê bai, miệt thị. "Tôi chẳng hiểu nổi vì sao con tôi lại lấy cô". Bà còn thường xuyên kể tội Nga với chồng, với bố mẹ đẻ cô và cả với khách khứa đến chơi, rằng cô vụng về, không biết lam làm...

Sau khi sinh con đầu lòng, phải thường xuyên thức đêm, mẹ chồng lại xét nét, bắt chăm con theo cách của bà và dè bỉu cô không biết nuôi con... khiến Nga bị trầm cảm nặng. Cô thường xuyên phải dùng thuốc để ổn định tinh thần. Vào ngày đầy tháng con Nga, nói xấu con dâu chưa hết, vừa dọn cơm ra đãi khách, mẹ chồng cô cố tình khua xoong nồi, vừa chửi đổng con dâu khiến Nga không thể bình tĩnh được nữa. Cô vừa khóc, vừa cười, bỏ chạy khỏi nhà, gia đình tìm được Nga ở bãi sông Đáy, tóc tai rối bù, áo quần tơi tả... Ông Thành (bố chồng Nga) rầu rĩ: "Nếu như nó tâm sự với mọi người trong gia đình, tìm cách giải quyết thì đâu đến nỗi..."

Theo bác sỹ tâm lý Ngô Ái Linh, trường hợp bị tâm thần do mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu như Nga không ít, có thể chữa trị để cô trở về với cuộc sống bình thường, thế nhưng đây là căn bệnh không thể điều trị dứt điểm nếu không giải quyết được mâu thuẫn gia đình, bởi khi có mâu thuẫn bệnh lại có nguy cơ tái phát. Điều này cũng phụ thuộc rất lớn vào quan điểm và thái độ của các ông chồng... Phần lớn những phụ nữ có ý thức khá cao về giá trị bản thân, nhưng lại gặp mẹ chồng quá "ghê gớm", thường xuyên coi thường, xúc phạm con dâu khiến lòng tự trọng của nàng dâu bị tổn thương nặng nề, dần dần dẫn đến khủng hoảng. Trong trường hợp người phụ nữ có nguy cơ rối loạn tâm lý, cách tốt nhất để tránh là phải cải thiện mối quan hệ gia đình, thay đổi môi trường sống...

Loạn thần vì chồng ngược đãi

Khu chăm sóc bệnh nhân nữ ở khoa II nằm biệt lập phía sau cánh cửa sắt nặng trịch. Vừa có tiếng kẹt cửa, hàng chục bệnh nhân đã bổ nhào ra ngoài, vây kín lối đi. Họ thì thầm với nhau: "phóng viên đấy"; "không phải, cô ấy đến thăm tao"; "đến để chụp ảnh đấy"... Bỗng một gương mặt bặm trợn, mắt trắng dã, tóc cắt ngắn lởm chởm dí sát vào tai tôi hỏi: "Cô đến thăm cháu phải không?" khiến tôi giật thót tim. Chị y tá dẫn tôi vào trấn an: Bệnh nhân ở đây rất hiền lành, họ không làm hại ai đâu, những người phát bệnh, lên cơn chúng tôi điều trị ở khu khác...

Ngồi lẫn trong đám bệnh nhân, bà Tẹo (60 tuổi, quê ở Phú Xuyên, Hà Tây) có mái tóc bạc trắng, gương mặt phúc hậu, dáng dấp nhanh nhẹn nhưng chỉ đến khi trò chuyện, nhìn vào đôi mắt đờ đẫn, vô hồn của bà mới thấy người đàn bà này mang bệnh tâm thần. Quanh năm chân lấm tay bùn, cày cuốc nuôi con nhưng cái đói, cái nghèo vẫn bám riết lấy gia đình bà. Cùng quẫn vì túng thiếu, chồng bà luôn nhiếc móc, xỉ vả, thậm chí đánh đập khiến bà bị sang chấn tâm lý từ năm 1992, phải vào bệnh viện điều trị một thời gian khá dài.

Khi bình phục trở về, bà quyết định lên Hà Nội làm giúp việc để kiếm tiền về đỡ đần gia đình. Hơn chục năm xa gia đình đi làm giúp việc, được bao nhiêu tiền lương, bà gửi hết về cho chồng con. Đến đầu năm 2008 bà quyết định về nghỉ ngơi, ông chồng nổi khùng, dọa dẫm, chửi bới và đuổi bà ra khỏi nhà khiến bệnh cũ tái phát, bà nhập viện trong trạng thái suy nhược nặng về tâm thần, sút cân, mệt mỏi...

Gần một tháng điều trị tích cực, bà Tẹo đã dần tỉnh táo, khi hỏi chuyện về chồng con, bà quay mặt đi lẩm bẩm: "Gia đình tôi hạnh phúc, mà cô hỏi chuyện đó làm gì...?"

Không chỉ có bà Tẹo bị chồng ngược đãi đến phát bệnh tâm thần, mà còn bệnh nhân Trà, bệnh nhân Linh, Giang, Lan, Hà, Thanh... Trước khi phải vào điều trị ở đây, họ là những người vợ, người mẹ hiền lành, chăm chỉ, hết lòng thương yêu chồng con.

Nhưng kinh hoàng nhất vẫn là trường hợp bệnh nhân Lan (Phù Ninh, Phú Thọ) khi thò tay định bóp chết đứa con mới vài ngày tuổi của mình. Lan lấy chồng nhưng là lấy "chui" vì ông chồng đã có vợ và một bầy con. Khi mang bầu đến tháng thứ 8, vì quá căng thẳng cô đã bị rối loạn cảm xúc, đi lang thang và đẻ rơi. Khi cho con ăn, thấy đứa bé không chịu bú, Lan đã bóp con gần chết nếu không có người nhà phát hiện. Sau nhiều ngày điều trị, Lan vẫn bị nhốt trong phòng biệt lập vì còn nhiều biểu hiện điên loạn, cắn xé quần áo và hò hét...

Bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Việt (Trưởng khoa II) cho hay, bạo lực gia đình như chửi mắng, đánh đập hoặc chồng thờ ơ với vợ, không chăm sóc con cái, chồng bồ bịch, đánh bạc... là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh loạn thần ở phụ nữ. Tất nhiên, không ai đang hoàn toàn bình thường mà tự nhiên điên loạn, những trường hợp bệnh nặng đều được tiến triển dần dần từ những rối loạn nhẹ với rất nhiều cơ hội được chữa khỏi, chỉ có điều những cơ hội ấy đã bị bỏ qua hay không được sử dụng đúng.

Tuy nhiên, đau đầu nhất hiện nay là thái độ kỳ thị đối với bệnh tâm thần rất cao, có thể người bệnh bình phục hoàn toàn, nhưng chỉ cần nghe những câu nói như: “nó bị điên đấy" hoặc mâu thuẫn gia đình vẫn không được giải quyết thì phải đến 90% bệnh nhân tái phát bệnh, nhẹ thì trầm cảm, rối loạn cảm xúc, nặng thì điên loạn, tâm thần...  

Theo