"Thời hoàng kim": Nhiều sex mà không phải "dâm thư"
Các Website khác - 21/06/2008

Nếu tôi không nhầm, trong khi các tác phẩm văn học Trung Quốc được dịch ào ạt ở Việt Nam thì tên Vương Tiểu Ba còn khá xa lạ. Nhưng ông được mệnh danh là "vua viết về tính dục của Trung Quốc”.

Vì thế, cầm tuyển tập dày cộp của ông - 500 trang chữ nhỏ, gồm 3 tiểu thuyết và cả tạp văn, lúc đầu cũng có chút ngại ngần.

Vậy mà, đúng như mấy lời giới thiệu (LGT) ở bìa sách “người đọc đã bắt tay vào trang sách là không muốn rời...”.

Quả là trong 3 tiểu thuyết (gồm “Hồng Phất chạy trốn trong đêm”, và “Tình yêu thời cách mạng”; còn “Thời hoàng kim”, với 60 trang in, theo cách gọi của Việt Nam là một “truyện vừa”) không thiếu những cảnh làm tình, nhưng theo tôi, nếu từ cách gọi “ông vua viết về tính dục” mà suy ra các tiểu thuyết của ông là “dâm thư” thì thật là “oan” cho Vương Tiểu Ba, mặc dù trong “Lời tựa” ở đầu tiểu thuyết “Tình yêu thời cách mạng”, chính tác giả đã viết: “Đây là một cuốn sách nói về làm tình”.

Có lẽ người ta gọi ông là “vua” vì duy nhất ông dám nói huỵch toẹt (cũng có thể gọi là “trắng trợn” hay “thản nhiên”…) như thế về một việc mà xưa nay thường chỉ diễn ra trong chỗ kín. Thử đọc một vài dòng trong “Hồng Phất…”:

“...Về chuyện làm tình, Lý Vệ công tưởng rằng Hồng Phất đã chạy trốn theo mình thì chuyện làm tình là đương nhiên. Nhưng khi lần đầu nói đến chuyện ấy, nàng giương tròn đôi mắt hồi lâu rồi nói: Được thôi! Nàng cởi hết quần áo rồi lại nói: Em chẳng hiểu gì chuyện này cả. Xong việc, nàng ngồi dậy nói: Chuyện này chẳng có gì hay ho cả...”.

“Ma lực” cuốn hút người đọc của Vương Tiểu Ba chính là ở giọng điệu tưng tửng, hài hước lẫn với mỉa mai, thật hư không tường.

Như tiểu thuyết “Tình yêu thời cách mạng”, ông “khoe” ngay từ trang đầu “đây là một cuốn sách nói về làm tình”, nhưng đọc mãi, chỉ thấy cảnh Vương Nhị (cũng là “tôi” - tác giả hoá thân) đi lao động “cải tạo”, làm công nhân sản xuất đậu phụ, bị “mụ” Lỗ quản lý ghét bỏ; cả đến lúc bị cô bí thư chi đoàn hàng ngày bắt lên “giáo dục” trong phòng kín, mãi đến gần cuối chuyện, “tôi” mới kể có lần “cô ta định đánh, tôi đã tóm lấy cổ tay cô ta, vặn chéo ra sau...

Khi tôi buông ra, mặt cô ta đỏ gắt, cười toe toét và nhào vào tôi... Sau đó cô ta dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ, tự cởi quần áo… Thế là tôi biết chúng tôi phải làm gì...…

Cô ta nhoài ra giường dang rộng chân tay thành hình chữ X to tướng, nhắm mắt lại và nói: “Làm đi! Đồ khốn! Làm đi! Đồ khốn kiếp! Làm đi!”...”  Làm tình như thế thì gần như là anh chàng bị cưỡng hiếp, nhưng cô bí thư lại khăng khăng ngược lại, bảo anh chà đạp cô ta!

Tiểu thuyết “Hồng Phất…” thì Vương Tiểu Ba “khoe” ngay từ đầu rằng: “Cuốn sách này nói về sự thú vị”. Quả là thú vị khi tác giả khéo léo trộn lẫn xưa và nay, cách nhau hàng mấy thế kỷ, chỉ trong một trang và do đó ông đùa cợt với những điều thường bị xem là “huý kị” mà không sợ bị ai “huýt còi” phạt.

Chính ngay trong lời Tựa đầu tiểu thuyết, ông đã đùa cợt khi viết rằng: “Cuốn sách này cũng như chính anh ta, không tin cậy được, nhưng nó hàm chứa tính chân thực cao nhất”.

Chuyện “xưa” trong tiểu thuyết xoay quanh ba hào kiệt đời nhà Tuỳ (581-618, tức là 14 thế kỷ trước): Lý Tịnh (còn gọi là Lý Vệ công), Hồng Phất, Giao Nhiễm; còn chuyện “nay” là anh chàng Vương Nhị (cũng là “tôi” - tác giả hoá thân) năm 1993 là nhà toán học 41 tuổi, sống chung với cô Oanh tại một căn hộ chung cư.

“Xưa” hai hào kiệt kèm một mỹ nhân, “nay” một cặp trai gái , tuổi hồi xuân, lại sống cùng một căn hộ thì đương nhiên “chuyện ấy” xảy ra liên miên.

Thử xem Vương Tiểu Ba tả Lý Vệ công làm tình với cô bồ là Lý nhị nương ra sao: “Lãnh đạo bảo cô từ nay về sau cứ lên giường với Vệ công như thường, trên giường nghe thấy gì báo cáo ngay... Tất nhiên trên không bắt cô làm không công...…

Lý nhị nương hiểu sai lệch việc phục vụ trên - cô vòng hai chân quặp lấy Lý Tịnh, hai mắt nhắm nghiền, miệng kêu rống lên...Trên đã cho hai mươi lăm lượng bạc để làm tình thì phải ra sức làm... Nếu trên cho trăm lượng thì cô có thể cắn đứt tai Lý Tịnh...

Thực ra trên cho tiền để nghe Lý Tịnh nói gì, nhưng cô lại đặt chuyện ấy xuống thứ yếu...” Làm tình như thế kể cũng đã “ác liệt”, nhưng chuyện đằng sau đó còn ghê sợ hơn, nên liền với cảnh trên, Vương Nhị liên hệ việc lãnh đạo xếp ở cùng nhà với cô Oanh và “bỗng nhiên thấy sởn gai ốc, ước sao đừng có những lãnh đạo như thế, họ làm mất hứng tư duy...”.

Kiểu “xưa nay lẫn lộn” như thế trong “Hồng Phất…” hầu như trang nào cũng có, đụng chạm đến rất nhiều lĩnh vực, từ chuyện các “luận án” và chức danh “giáo sư” dỏm đến thân phận người trí thức dưới ách cường quyền…

Vậy nên rất khó xác định tiểu thuyết của Vương Tiểu Ba viết về đề tài gì. Nó phong phú, phức tạp như cái… sự đời vậy. Cũng vì vậy, nếu nghĩ rằng tiểu thuyết của ông là “dâm thư” thì quả là oan! Bạn không tin, thử đọc xem…

(Đọc “Thời hoàng kim” tuyển tập của Vương Tiểu Ba, NXB Văn học & Công ty Sách Phương Nam, 2008)      

Nguyễn Khắc Phê