Thực hư chuyện 'mắc kẹt' khi quan hệ tình dục
Các Website khác - 26/08/2008

 

Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống.

Tình trạng dương vật bị giữ lại, không rút ra được trong lúc giao hợp đã được đồn đại từ rất lâu trong lịch sử y học và được tô vẽ thành nhiều câu chuyện hài hước.

Ngay từ thời La Mã đã có cụm từ tên là Penis Captivus (dương vật bị cầm tù) nhằm chỉ hoàn cảnh ngộ nghĩnh và đầy kịch tính nói trên. Một tài liệu từ thời Trung cổ có đoạn miêu tả: Những người bị mắc tội với Chúa tự tìm đến những cuộc tình lén lút và họ mắc phải tình cảnh éo le trên. Ngày hôm sau, họ phải vẩy những giọt nước lạnh và cầu nguyện Chúa trời để cầu mong sự giải thoát.

Năm 1729, Ricci đề cập tới một trường hợp được Martin Schurig miêu tả: Cuộc giao hoan của một cô gái trẻ đang đến đoạn cao trào thì có hiện tượng khóa chặt dương vật của bạn tình. Anh chàng không thể rút ra được dù đã thử mọi cách. Một đám đông xúm lại xem và người ta phải đưa họ đi bệnh viện để gây mê mới có thể giải thoát được. Sự việc đã gây nên nỗi đau đớn và tình trạng mất thể diện cho cô gái trong suốt thời gian còn lại.

Trong bản nghiên cứu hồi cứu của mình, Rolesston đã đưa ra nhiều câu chuyện như thế, từ những tài liệu từ thời Trung cổ cho đến tài liệu được đăng trên tờ tạp chí Piltz số 3 năm 1923 có nhan đề “Chúng tôi nhớ một trường hợp co thắt âm đạo và cầm tù dương vật đã xảy ra ở Warsaw và kết thúc bằng sự tự tử của cả cặp vợ chồng”.

Để hiểu rõ hơn về hiện tượng này, Rolesston đã phải hỏi nhiều chuyên gia tình dục học, tiết niệu và sản khoa nổi tiếng và tất cả họ đều nói rằng chưa từng gặp. Cuối cùng ông cũng cho rằng, giá trị của những thông tin này luôn nghèo nàn và luôn được đặt dưới sự nghi ngờ, nó chỉ là sự liên tưởng thoáng qua của trí nhớ và không có thực.

Tuy nhiên, sau đó thông tin về các ca "mắc kẹt" vẫn tiếp tục xuất hiện. Bác sĩ Scanzoni báo cáo về một cặp bệnh nhân của ông ta, người chồng thường xuyên phải trì hoãn chuyện yêu đương vì mỗi lần như vậy, các cơ âm đạo của vợ lại co cứng quá mức. Scanzoni giải thích hiện tượng này: “Trong lúc khoái cảm cực độ, các cơ âm đạo co thắt rất mạnh, giữ chặt dương vật và gây đau cho cả hai. Chúng có thể duy trì co thắt như thế trong một thời gian dài nên không thể rút dương vật ra được”.

Còn bác sĩ Hildebrant báo cáo về một cặp vợ chồng lấy nhau đã một năm: Mỗi khi quan hệ tình dục, khúc dạo đầu trôi qua êm đẹp, cả hai người đều thoải mái. Nhưng đến giai đoạn khoái cực, dương vật của chồng tự nhiên bị thắt chặt không thể đưa thêm vào hay rút ra nữa. Tất cả những nỗ lực rút ra đều thất bại và không lần nào người chồng không vã mồ hôi như tắm cho nỗ lực thu hồi “của quý” mình. Anh ta nói: “Tôi không biết sẽ bị cầm tù như thế trong bao nhiêu phút nữa, nhưng nó dường như là chẳng bao giờ kết thúc. Chỉ đến khi các cơ âm đạo của vợ giãn ra, anh mới được giải thoát. Mỗi lần yêu như thế là nỗi kinh hoàng cho cả hai vợ chồng.

Theo Hildebrant, tình huống trên đã thuyết phục ông tin rằng chuyện mắc kẹt là có thực. Theo ông, có khả năng xuất hiện chuột rút trong lúc hành sự, khiến các cơ sinh dục nữ thắt chặt và giữ rịt dương vật. Sau một vài phút, các cơ này thoát khỏi tình trạng chuột rút thì dương vật mới rút ra được.

Tác giả Kraupl Taylor đã tóm tắt các quan điểm trên và đưa ra những dẫn chứng, nhận định về hiện tượng mắc kẹt này trong bài viết đăng trên tạp chí y học của Anh quốc tháng 2/1979. Ông cho rằng co thắt âm đạo là triệu chứng rất thường gặp ở phụ nữ, nhưng hiện tượng mắc kẹt thì rất hiếm, đến nỗi nó chỉ có trong những câu chuyện thần thoại mang tính nhục dục của con người.

Taylor kết luận rằng tất cả những câu chuyện trên chỉ là lời đồn đại và không có chứng thực. Thậm chí ngay cả khi Scanzoni và Hildebrant đưa ra những chứng cứ có vẻ không thể hoài nghi thì đó cũng chỉ là câu chuyện được thổi phồng qua những lời kể, mô tả của bệnh nhân, chứ chưa phải là tình huống họ chứng kiến. Thực tế quá trình co cơ chỉ diễn ra trong vòng vài phút chứ không đến nỗi kéo dài hàng giờ như mô tả và không đến nỗi phải mang họ đi bệnh viện làm thủ thuật gây mê cho việc giải thoát dương vật.

Cho đến nay, điều kỳ lạ đó chưa hề được chứng minh ở người. Chưa hề có một hồ sơ, bệnh án khẳng định rằng một hiện tượng như vậy đã thực sự xảy ra. Do đó, theo Taylor và nhiều nhà khoa học khác, hiện tượng “mắc kẹt” chỉ có trong huyền thoại.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)