Đã từ lâu, mọi người vẫn thường không mấy để tâm đến đời sống tình dục của người khuyết tật và họ, gần như nghiễm nhiên, bị coi như không có khả năng tình dục. Trên thực tế, người khuyết tật luôn phải tự mình vượt qua những rào cản không nhỏ, nếu không muốn nói là rất lớn, để có cơ hội thể hiện ham muốn cũng như nhu cầu về tình dục của mình.
Mark O’Brien là một nhà báo và nhà thơ khuyết tật người Mỹ. Phần lớn thời gian trong đời mình, ông phải sống chung với một lá phổi nhân tạo. Năm 1990, ông đã từng viết về đời sống tình dục của mình như thế này: “Đối với tôi, tình dục hầu như hoàn toàn mất đi ý nghĩa vốn có của nó, nếu không muốn nói rằng nó làm tôi cảm thấy nhục nhã mỗi khi có người đến tắm rửa cho mình. Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể nói với các hộ lý của mình về những cơn cực khoái mỗi lần như vậy. Tất cả những gì tôi cảm nhận được chỉ còn là một nỗi hổ thẹn vô cùng. Và tôi từng tưởng tượng rằng chắc ngay cả họ cũng sẽ cảm thấy ghê tởm tôi vì sự kích thích hưng phấn đó”. Trước nỗi thống khổ của người khuyết tật, ngay từ những năm 1980 ở Mỹ và Bắc Âu, người ta đã thành lập các khoá đào tạo đặc biệt dành cho các nhân viên tư vấn về tâm lý và tình dục nhằm giúp đỡ các đối tượng khuyết tật có được phương pháp giải quyết những khó khăn gặp phải khi quan hệ với những người có thể trạng bình thường. Thậm chí ở một số nước Bắc Âu, người khuyết tật còn được nhận một khoản trợ cấp tâm lý - tình dục từ các quỹ y tế để góp phần giúp họ có được một đời sống tình dục như mong đợi.
Mark O’Brien, nhà thơ nhà báo khuyết tật người Mỹ - Nguồn ảnh: lib.berkeley.edu
Tuy nhiên ở Thụy Sĩ, cách đây vài năm, Pro Infirmis (một tổ chức phi lợi nhuận vì người khuyết tật) đã buộc phải xoá bỏ chương trình đào tạo trợ lý tình dục của mình bởi các nhà đầu tư đã phát hoảng khi nghe các phương tiện truyền thông nói về các trợ lý trên như những “chuyên gia sờ mó” hay “người vuốt ve nhà nghề”… Kể từ đó, các cuộc tranh luận gay gắt không ngừng nổ ra, kéo theo sự lùi bước của nhiều tổ chức khác như FABS hay SEHP. Tổ chức tình dục và khuyết tật SEHP đã nhận được nhiều yêu cầu trợ giúp từ phía những người đang chung sống cùng người khuyết tật về thể chất và/hoặc tinh thần, cũng như từ phía những người mắc các chứng bệnh thoái hoá như xơ cơ hay tiểu đường nặng. Bà Catherine Agthe Diserens, giám đốc tổ chức SEHP cho biết: “Thường thì chúng tôi hay nhận được yêu cầu từ phía các khách hàng là nam giới mong muốn có một hộ lý nữ, nhưng tất nhiên cũng có cả những khách hàng đồng tính yêu cầu được quan hệ với người đồng giới. Không phải lúc nào chúng tôi cũng xác định được tình trạng đồng tính của họ là tự nhiên hay do ảnh hưởng từ hoàn cảnh nhưng dù thế nào thì mục đích chủ yếu của chúng tôi là giúp khách hàng có được cảm giác thoải mái”.
Thông qua các tổ chức Aspasie tại Geneva và Fleur de pavé tại Lausanne, SEHP đã tìm kiếm được một số cộng tác viên là các “lao động tình dục” có khả năng làm việc với người khuyết tật. Cách thức làm việc hoàn toàn khác với hình thức mại dâm. “Các cộng tác viên không bao giờ làm việc dưới một tiếng đồng hồ, chủ yếu là bởi những người khuyết tật thường cần nhiều thời gian hơn để được giúp đỡ khi di chuyển, thay đổi tư thế hay cởi bỏ quần áo”. Một điều khác biệt nữa là khách hàng chỉ phải trả một giá duy nhất, bất kể người đó là ai, tình trạng thương tật hay yêu cầu dịch vụ ra sao.
Bà Agthe Diserens giải thích: “Các yêu cầu từ phía khách hàng không chỉ liên quan đến quan hệ tình dục. Sự gợi hứng và khiêu dâm đôi khi là thứ được quan tâm nhiều hơn. Chỉ cần một sự ôm ấp hay một màn múa khoả thân là đủ. Không phải bất cứ ai cũng chỉ có nhu cầu đơn thuần về sex. Ngược lại có nhiều người, nhất là những đối tượng khuyết tật về thể chất, nói với chúng tôi rằng: “Cảm giác có được sau mỗi lần quan hệ tạo cho chúng tôi sự thèm muốn được đi xa hơn nữa, được khám phá thế giới tình dục hơn nữa!”. Thường thì theo quy định, việc có “đi đến cùng” hay không là do thoả thuận giữa hai bên. Nhưng sự hài lòng và tôn trọng lẫn nhau bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu!”.
Xoá bỏ điều cấm kỵ
Một trợ lý tình dục đang phục vụ khách hàng của mình
- Nguồn ảnh: andy.fr/data/editor/images/vie_
quotidienne/sexualite/image_top
Đối với phần lớn người khuyết tật, vấn đề tình dục hầu như chỉ có thể được giãi bày với các nhân viên tư vấn đặc biệt. Là một nhân viên tư vấn chuyên chăm sóc các đối tượng khuyết tật nặng cả về thể chất lẫn tinh thần ở Geneva, Claude đã quan sát và nhận thấy từ khoảng 10 năm qua, điều tưởng như là cấm kỵ này đã được giải toả trong rất nhiều trường hợp. Những cuộc hẹn hò tình cảm hay các mối quan hệ tình dục ở người khuyết tật giờ đây đã được mọi người nhìn nhận như một nhu cầu tự nhiên thuộc về bản năng của con người và cũng giống như bao người bình thường khác.
Tuy vậy vẫn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết: “Khi người ta nói về quyền tự do tình dục, ai cũng đều vỗ tay hưởng ứng… Nhưng đến khi bàn về phương pháp giải quyết thì mọi người đều cúi đầu. Nếu nhu cầu được bày tỏ một cách công khai, tôi nghĩ vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn”. Cũng theo Claude, đối với trường hợp khuyết tật về tinh thần, người bệnh thường ngại ngần khi thể hiện ham muốn của mình và vì thế những yêu cầu đưa ra thường không rõ ràng. Về vấn đề này, Catherine Agthe Diserens thường nhận thấy sự lúng túng ở một số nhân viên của mình trong quá trình đào tạo: “Tôi thường xuyên nghe thấy các nhân viên nói về sự ngại ngần của họ khi thay giường nệm cho các đối tượng khuyết tật nặng. Nếu xuất hiện sự cương cứng ở bệnh nhân, nhân viên có thể cảm nhận được điều đó như một sự kích thích. Nhưng đôi khi sự cương cứng đó không nhất thiết là sự ham muốn mà chỉ là một biểu hiện tự nhiên của con người khi dương vật của người bệnh được thoải mái “hít thở” không khí sau một ngày dính chặt trên giường chiếu. Và khi đó các chuyên gia tình dục cần được phổ biến thêm kinh nghiệm để hiểu được tình huống”.
Trong nhiều trường hợp liên quan tới những người khuyết tật về tinh thần thì sự lắng nghe và quan sát của các nhân viên chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng. Không phải khi nào cũng dễ dàng để người bệnh có thể nói câu: “Tôi muốn lên giường”, “Tôi muốn có bạn tình” hay “Tôi muốn được ôm hôn”. Ở trường hợp này, tình dục không còn là liều thuốc chữa bách bệnh. Tình dục không phải là giải pháp duy nhất mà chỉ là một sự đáp ứng đúng lúc, một thứ “thuốc bổ” cho sự thiếu hụt của cơ thể và nỗi cô đơn, trống trải của tâm hồn.
Khu vườn bí mật
Benjamin Abt-Schiemann từng có một kinh nghiệm đáng nhớ trong thời gian anh làm “lao động tình dục” cho một khách hàng là nam giới. Sau thời gian “tự mày mò nghiên cứu”, Benjamin tham gia một khoá huấn luyện của SEHP dành cho các nhân viên trợ lý tình dục.
Benjamin đến với tổ chức SEHP nhân một lần được một giáo viên của tổ chức mời tới làm việc với một đối tượng khuyết tật nặng là nam giới. Benjamin nhớ lại: “Người đàn ông đó đã 38 tuổi và rất mong muốn có được một đời sống tình dục bình thường. Tôi thấy rất cảm động với trường hợp của ông ấy”. Tuy nhiên, cơ hội của hai người đã không đến bởi nhiều lý do: sự ngăn cản từ phía cha mẹ, khó khăn trong việc tìm địa điểm thích hợp và kín đáo và bên cạnh đó là vấn đề tiền bạc. “Tôi không tưởng tượng nổi ông ấy đã đau khổ đến nhường nào khi hy vọng sau bao nhiêu tháng trời đã sụp đổ. Và ông ấy chỉ còn biết giữ bí mật cho riêng mình”.
Sau lần đó, Benjamin được mời làm trợ lý cho một số người đàn ông khác đang chung sống với người khuyết tật. Nói về sự ham muốn của những người khuyết tật nam giới mà mình đã gặp, Benjamin tâm sự: “Họ không có gì quá khác biệt so với những khách hàng khác. Đúng là cách giao tiếp của họ đôi khi hơi khó hiểu, đó là bởi vì họ không biết mình có quyền có những ham muốn đó không. Nhưng đôi lúc họ cũng tỏ ra rất vui sướng và thể hiện mình không một chút e ngại”.
Đối với những khách hàng dè dặt, công việc của Benjamin là cố gắng từ từ khơi gợi cảm hứng cho họ cho đến khi họ có thể nói chuyện hoặc động chạm vào cơ thể một cách thoải mái. “Thường thì phần lớn khách hàng của tôi đều không mắc phải vấn đề như vậy. Sự gần gũi đối với họ là một điều bình thường, không quản ngại thái độ của những người khác, của xã hội hay những vấn đề về tôn giáo. Khi cảm hứng lên cao, họ sẵn sàng bày tỏ sự cuồng nhiệt của mình… một cách hết sức thẳng thắn. Đó là lý do vì sao, đối với tôi, không có tiêu chí nào là thích đáng để phân biệt giữa người bình thường và người khuyết tật”.
Diệu Châu (dịch từ www.360.ch)
▪ Chị ơi… em yêu chị ! (30/07/2008)
▪ Yêu tạm và hệ quả buồn... (30/07/2008)
▪ Sai lầm ‘chết người’ về bất lực (28/07/2008)
▪ 9x... kết đôi (28/07/2008)
▪ Nam giới và 5 triệu chứng không thể coi thường (26/07/2008)
▪ Suy nghĩ ngốc nghếch của những teen cô đơn (26/07/2008)
▪ 9X yêu đơn giản, chia tay nhanh! (25/07/2008)
▪ An toàn tình dục và sự thiếu hiểu biết (25/07/2008)
▪ Sex và những điều sai lầm (22/07/2008)
▪ Teen “sốt” tìm đọc sách “người lớn” (19/07/2008)