"Tôi 47 tuổi, mỗi lúc xuất tinh có cảm giác như tinh trùng trào ngược lên bàng quang. Xin bác sĩ cho biết đây là bệnh gì và nguyên nhân vì sao?".
Trả lời:
Phần niệu đạo nằm trong dương vật là niệu đạo trước, phần niệu đạo sau là phần vừa có nước tiểu và cả tinh dịch đi qua. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo sau. Chính ở khu vực này có những cơ quan rất nhỏ có chức năng điều khiển sự bài tiết hoặc kìm giữ không cho 2 dòng dịch này chảy cùng lúc. Chỉ cần một thiếu sót nhỏ về hoạt động của những cơ quan này cũng đủ gây ảnh hưởng đến chức năng tình dục, chủ yếu gây xuất tinh sớm, xuất tinh đau, xuất tinh ít hay hoàn toàn không xuất tinh.
Niệu đạo sau chỉ dài khoảng 3 cm, đầu phía trên đổ vào bàng quang và đầu phía dưới nối với niệu đạo trước, có niêm mạc bao phủ, có những sợi cơ và sợi chun giãn bố trí theo hình xoắn. Toàn bộ niệu đạo sau có vỏ xơ bao bọc nên có độ chắc nhất định và trên cơ sở này, các sợi cơ tỳ vào khi xuất tinh. Ở trạng thái nghỉ, các cơ thắt có vân khía (chịu sự kiểm soát của ý thức), các cơ thắt nhẵn (chịu sự kiểm soát tự động hay thực vật) cũng như những sợi cơ và sợi chun giãn đã bảo đảm kìm giữ nước tiểu nhờ trương lực của những cơ này. U núi (Veru Montanum) nằm ở đoạn giữa và ở mặt sau của niệu đạo sau được các thùy của tuyến tiền liệt bao bọc và làm cho niêm mạc của niệu đạo sau hơi bị đội lên. Chính ở vị trí của u núi - một u bé xíu có kích thước chỉ vào khoảng 3 mm, dòng tinh phụt thành tia. Nếu u núi bị viêm, nhiễm khuẩn, phì đại, tắc nghẽn hay liệt thì sự xuất tinh sẽ gặp rắc rối.
Xung quanh u núi có rất nhiều lỗ của ống phóng tinh và ống tuyến tiền liệt đổ vào niệu đạo sau. Những lỗ này có các van ngăn cản sự trào nước tiểu vào tuyến tiền liệt và các túi tinh. Những van này luôn đóng kín và chỉ mở theo sự co thắt của các ống phóng tinh. Như thế nghĩa là cần có một cơ chế điều phối thần kinh - cơ hoàn hảo khi khoái lạc lên đến cực điểm, khi đó thần kinh giao cảm làm co các sợi cơ của tuyến tiền liệt, túi tinh và bóng của ống dẫn tinh. Trong khi thần kinh phó giao cảm đóng chặt lỗ bàng quang (nhờ các cơ thắt nhẵn), làm giãn cơ thắt vân và ống niệu đạo. Ngay sau đó là sự co thắt thành từng nhịp của tất cả những cơ ở tầng sinh môn để phóng tinh. Sự co thắt từng nhịp để phóng tinh là cơ chế tự động (hay không chủ động), không thể dừng lại được khi đã phát ra. Vì vậy nếu bị tổn thương thần kinh dù do nguyên nhân gì (sang chấn thương do mổ ở tiểu khung hay do bệnh tiểu đường), gây ảnh hưởng đến sự điều phối thần kinh đều có thể làm rối loạn sự đóng mở nhịp nhàng của các cơ quan nói trên. Khi đó dương vật không phóng tinh mà cứ để tinh dịch chảy từ từ.
Không phóng tinh khi có khoái cực cũng thường gặp ở những người bị mổ ở tuyến tiền liệt, cổ bàng quang bị lấy đi nên gây xuất tinh ngược dòng vào bàng quang. Nếu xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy có tinh trùng. Một số người bị bệnh tiểu đường cũng không thấy có tinh dịch khi xuất tinh vì các sợi thần kinh giao cảm cũng bị ảnh hưởng, khiến cho các cơ của tuyến tiền liệt và túi tinh không thể co thắt mạnh để đẩy tinh dịch ra. Khả năng phóng tinh yếu hay hoàn toàn không có thường là dấu hiệu sớm của hiện tượng yếu sinh lý do nguyên nhân thần kinh ở những người bị bệnh tiểu đường. Vì vậy bệnh nhân cần được thầy thuốc khám và đánh giá toàn diện về mặt thần kinh để có hướng điều trị tích cực, tránh làm tổn thương lan rộng đến thần kinh ngoại biên chi phối tiểu khung và các chi dưới.
BS Đào Xuân Dũng, Sức Khỏe & Đời Sống
▪ Chọn thuốc tránh thai như thế nào? (28/01/2005)
▪ Sơ đồ tình cảm của học sinh Mỹ (27/01/2005)
▪ Cơ hội cho những trường hợp “trên bảo dưới không nghe” (26/01/2005)
▪ Không còn là "chuyện không tưởng" (25/01/2005)
▪ Trên 1.000 ca trẻ vị thành niên nạo hút thai (26/01/2005)
▪ Khôn ba năm, dại một giờ (25/01/2005)
▪ Rối loạn cương - tự chẩn đoán (22/01/2005)
▪ Khi nào bạn sẵn sàng cho 'chuyện ấy'? (21/01/2005)
▪ Hai chữ “sinh viên” đang bị lạm dụng (21/01/2005)
▪ Trà cúc giúp giảm đau trong 'ngày ấy' (20/01/2005)