Giới trẻ bây giờ quá hư?
Các Website khác - 25/02/2009
 Bây giờ người ta thường nghe thấy rất nhiều người nhận xét về giới trẻ rằng: “chúng hư quá”, “chúng ăn mặc lố lăng, đua đòi chơi bời, chúng thế này, chúng thế khác, không được như chúng ta ngày xưa…”. Đại khái nghe xong, người ta có cảm giác như thực trạng xã hội ngày càng… loạn, và tội lỗi đầu tiên là do: Tụi trẻ

Phụ huynh kêu cứu…

“A lô, trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình xin nghe!”. Một tiếng sụt sịt vang lên và tiếp theo đó là một giọng phụ nữ nghẹn ngào: “Các anh chị ơi giúp em với! Con trai em dạo này cháu nó hư hỏng quá, không còn coi bố mẹ ra gì. Hôm nay nó còn dám nói hỗn lại với mẹ, khi em không cho nó yêu một con bé bên nhà hàng xóm…”. Đấy là những gì mà chị Thảo (Thanh Xuân, HN) kể lể khi gọi điện thoại đến trung tâm tư vấn X, nhờ trợ giúp. Theo như những gì chị nói, thì đúng là cậu con trai 14 tuổi của chị quả thật đã “loạn” rồi, lại quá hư hỏng mà nguyên nhân thì hai vợ chồng chị chẳng biết do đâu…

Chị Thảo kể, gia đình chị thuộc một trong số ít “đại gia” có tên tuổi trong thành phố. Chồng chị là giám đốc của công ty môi giới bất động sản, nhà cửa bề thế, giàu có nên chị chẳng phải làm gì, hằng ngày chỉ mỗi việc lo cơm nước cho chồng con. Hai vợ chồng chị có mỗi Thắng là con trai duy nhất, nên anh chị cưng chiều như cục vàng, hễ con đòi gì là cho con cái đó, đi học thì đã có lái xe riêng của gia đình đón rước tận nơi… Đầy đủ là thế, mẹ quan tâm chu đáo là thế mà không hiểu sao cậu quý tử vẫn sinh ra đổ đốn.

“Triệu chứng” đổ đốn của Thắng theo như lời chị Thảo kể là: Thường xuyên bỏ học đi chơi, ăn nói hỗn xược với thầy cô đến nỗi nhà trường phải năm lần bảy lượt có giấy mời bố mẹ lên để nói chuyện, yêu đương khi còn con nít và không nghe lời bố mẹ…

Chị Thảo than thở: “Có lẽ bây giờ giới trẻ đều hư hỏng cả, đám bạn của thằng bé cũng thế. Mới tí tuổi đầu mà đã thấy chúng nó đèo người yêu đi uống cà phê, ôm nhau người đường thậm chí còn rồng rắn vào nhà nghỉ. Con em đã trông nom kỹ lưỡng đến thế mà vẫn không khỏi bị ảnh hưởng…”. Để chị “kể xấu” con trai xong, chuyên gia tư vấn mới hỏi chị về cuộc sống gia đình. Mới đầu chị Thảo còn ậm ừ trả lời qua quýt, nhưng sau theo dòng cảm xúc chị đã không che dấu nổi những bi kịch trong hôn nhân của mình.

Hồi mới lấy nhau, anh chị tuy không khá giả lắm nhưng họ hạnh phúc vì những gì đang có.

Một mái ấm xinh xắn, với người chồng quan tâm lo lắng cho vợ con. Nhưng càng ngày khi kinh tế khá giả, thì bi kịch gia đình cũng từ đó mà nảy sinh. Có nhiều tiền, đồng nghĩa với việc chồng chị cũng có nhiều mối quan hệ, anh đi vắng thường xuyên và nhậu nhẹt suốt đêm. Rồi chẳng biết nguyên do từ đâu, anh đi ngoại tình với những cô gái khác. Chị phát hiện được, mới đầu thì là những cuộc cãi vã, to tiếng sau rồi chị tìm cách “trả đũa” chồng bằng cách cũng đi “giải sầu” cho ông xã biết tay. Đàn ông có thú vui của đàn ông, đàn bà cũng có những thú vui của đàn bà. Tuy chị chẳng phải đi bồ bịch như chồng, nhưng những buổi đi nhẩy đầm, họi họp bạn bè thường xuyên cũng làm chị thay đổi.

Từ một người phụ nữ hiền dịu, chị Thảo đã trở thành một quý bà ăn chơi sành điệu. Nước hoa, váy đầm, những cuộc hẹn hò đã làm chị quên mất nhiệm vụ của một người mẹ, một người vợ quán xuyến gia đình. Chị đã để mặc gia đình, cậu con trai cho người quản gia… Nói đến đây, chị Thảo khóc nức thành tiếng, khoảng lặng vài giây giữa hai đầu máy dường như cho chị hiểu ra được nguyên nhân vì sao con mình hư hỏng, chị lặng lẽ nói lời cảm ơn người tư vấn rồi gác máy.

Con hư tại mẹ

Tiếng đánh mắng con từ nhà chị Thuỷ vọng ra, khiến nhiều người hàng xóm quanh nhà chị nghe thấy đều phải lắc đầu. Một cụ bà đang ngồi trông cháu liền nói: “Nghich tử, đúng là nghịch tử, cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Bọn trẻ bây giờ đúng là loạn thật rồi”, nghe cụ già nói thế, nhiều bà, nhiều chị đang ngồi “buôn dưa lê” trong khu tập thể cùng đồng thanh: “Đúng đấy, bọn trẻ bây giờ hư lắm, chứ đâu có được như chúng ta ngày xưa”.

Chị Thuỷ năm nay mới gần ba lăm tuổi mà nhìn chị cứ già như người ngoài tứ tuần, khuôn mặt chị luôn ánh lên vẻ lo lắng, bực tức, nhìn chị ai cũng phải nhận xét rằng: “Đúng là con người của gia đình, lúc nào cũng tất bật lo toan”. Mà đúng như vậy thật, ngoài giờ đi làm ra, chị lúc nào cũng lo lắng cho gia đình. Từ bữa cơm cho chồng con, giặt giũ quần áo, đi chợ, tối đến lại lo kèm con học… Đại khái rằng chị quá bận rộn. Được cái chồng chị cũng là người có trách nhiệm, anh không mấy khi đi nhậu nhẹt với bạn bè hễ cứ đi làm về là anh lao về nhà ngay, giúp vợ việc nhà, cùng con học bài. Ấy vậy mà chẳng hiểu vì sao thằng con trai lại đổ đốn thế, nó tuy học giỏi nhưng hay ăn nói hỗn láo, không tôn trọng thầy cô và sống tách rời tập thể, bạn bè. Chị luôn phải đau đầu vì những lần bị cô chủ nhiệm mời lên làm kiểm điểm cho con, xấu hổ khi nghe hàng xóm láng giềng chê trách. Ngồi nói chuyện với ai chị cũng than rằng con mình bị ảnh hưởng xấu từ đám bạn học mà ra… Chị không bao giờ nghĩ rằng lỗi lầm của con lại do chính hai vợ chồng là thủ phạm.

Một lần mẹ chồng ở quê ra chơi, chị Thuỷ thấy bà mang nào gà, nào cá, rau… đủ thứ ra cho con cháu. Căn hộ của hai vợ chồng vốn chật chội, nay lại một đống túi tải đựng quà quê, khiến cho căn nhà càng thêm bừa bộn hơn. Bà nội thì cứ hồ hởi lôi trong túi ra các thứ, tưởng làm cho các con vui. Nào ngờ chưa kịp khoe hết, thì bà đã bị chị Thuỷ “mắng” cho xa xả về tội tha lôi lên làm gì nhiều cho chật nhà, phòng khách nhìn bừa bộn không khác gì cái chuồng gà, cần gì thì cứ điện lên cho con một câu chứ cần gì phải lặn lội lên tận đây cho chết mệt… Chưa hết chị con dâu còn bồi thêm cho bà cụ một câu nữa: “Bà thật đúng là không khác gì chồng con, chuyên gia thích rắc rối…”.

Lặn lội gần ba trăm cây số mới ra được đến nơi để ngắm con, nhìn cháu, mệt mỏi là thế, đã chẳng được con cái hỏi han câu nào, nay lại bị con “lên lớp”. Bà không chịu nổi liền đứng dậy bỏ ra về, chị Thuỷ lúc bấy giờ mới biết mình lỡ lời vội chạy theo níu kéo mẹ chồng. Nhưng vô ích, bà tuy già, chân tay yếu nhưng không chịu để cho chị con dâu lôi kéo. Vốn nóng tính, lại thấy nhiều người xung quanh chạy ra xem, chẳng kiềm chế nổi cơn giận bà kể lể, khóc lóc “mách tội” Thuỷ cho dân tình nghe, cho họ thấy bà khổ sở thế nào khi bị nàng dâu mắng nhiếc… Trước khi xách túi ra về, bà còn nói: “Tôi nghe chồng chị mấy lần gọi điện về bảo thằng bé nhà anh chị dạo này hư hay cãi lời cha mẹ, tôi nghĩ nó học từ tính mẹ nó cả đấy”… Chị Thuỷ bẽ bàng xấu hổ khi bao nhiêu con mắt đồ dồn về phía mình, chị đâu có nghĩ rằng, chỉ vì lối ứng xử không tốt của hai vợ chồng trong những lúc sinh hoạt hằng ngày, mà đã làm hư hỏng đứa con trai và khiến cho người mẹ già phải khổ tâm nhường ấy.

Con trẻ quá hư, hay người lớn chưa tốt?

Thật khó để có thể nói rằng con trẻ bây giờ hư, hay là người trẻ hồi trước không hư như nhiều bậc phụ huynh vẫn hay than thở với nhau.

Có thể thế hệ hiện nay, giới trẻ có điều kiện hơn cha mẹ mình ngày xưa, có thể chúng ăn diện hơn, đi đứng, nói năng sành điệu hơn, nói chung là “sướng” hơn. Nhưng có phải vì thế mà nhìn chúng có vẻ “hư hư” hơn?

Theo xu thế chung, cuộc sống phát triển thì tất yếu con người cũng phát triển theo. Đời sống được nâng cao kéo theo nhu cầu hưởng thụ cũng phải tăng cao. Nó không phải là điều gì quá ghê gớm, quá to tát, đáng lo ngại. Nếu cha mẹ có điều kiện, thì việc con cái họ đi học bằng xe hơi, mặc những bộ cách đắt tiền hoặc xài đồ nhập ngoại là điều tất yếu. Còn nếu như những gia đình còn khó khăn, mà con cái họ vì thế phải chịu thiệt thòi và việc chúng đòi hỏi cha mẹ phải trang bị cho thứ này, thứ kia cho bằng bạn bằng bè là điều không có gì khó hiểu…. Các bậc cha mẹ không nên nhìn vào đó mà lo lắng, nghĩ rằng con trẻ đang hư đi, chỉ thích hưởng thụ, đua đòi.

Nếu như các bậc làm cha làm mẹ có cách giáo dục con đúng cách, làm gương cho con trẻ. Để chúng nhận biết được giá trị đích thực của gia đình, giá trị của đồng tiền, biết cách tôn trọng mọi người, thì chắc chắn giới trẻ sẽ không bao giờ hư


Theo Phununet