Đầu tháng 10 vừa qua, đường dây nóng của Giang Nam Thời Báo nhận được điện thoại của một nữ sinh viên một trường đại học Nam Kinh gọi đến phản ánh việc trong các trường đại học hiện đang tồn tại một hiện tượng: Nhiều cặp sinh viên yêu nhau cứ đến ngày nghỉ là rủ nhau ra ngoài thuê nhà để “sống thử” cuộc sống vợ chồng mấy ngày.
Sinh viên: Quan điểm rất khác nhau
Sau khi nhận được điện thoại, phóng viên đã đến các trường đại học ở Nam Kinh để điều tra. Tại một trường đại học đường Thượng Hải, một sinh viên tên là Trương nói, tư tưởng của sinh viên ngày nay rất cởi mở, hiện tượng sống chung trước hôn nhân không còn là điều lạ, chỉ cần không phạm pháp, việc bỏ tiền thuê nhà sống chung ngoài trường là có thể hiểu được và cần khoan dung, không nên chỉ trích quá mức họ. Anh ta còn nói bây giờ là thời đại nào mà còn truy xét, ngăn cấm người ta tự do yêu đương, tự do chọn lối sống mà họ thích?
Một sinh viên tên là Hoàng lại cho rằng, cuộc sống sinh viên là quãng thời gian đẹp nhất trong đời, cần phải tập trung cho việc học, không nên phung phí thời gian cho chuyện yêu đương tình ái. Nếu sống chung với nhau, nhất định sẽ có những vấn đề cản trở việc học, đó là một hành vi vô trách nhiệm với gia đình và chính bản thân mình.
Một số sinh viên thì không muốn trả lời phóng viên. Họ cho rằng sinh viên sống thế nào là chuyện riêng tư của họ, không cần bàn luận hay can thiệp quá sâu.
Giáo viên: Rất khó quản lý
Một giáo viên tên là Ngô trong ban quản lý sinh viên nói họ không biết nhiều về vấn đề này, nhưng nếu có thì đó là hành vi vụng trộm của sinh viên, vì theo quy định của trường thì cấm sinh viên thuê nhà ở ngoài trường. Chúng tôi sẽ tăng cường quản lý để khỏi gây ảnh hưởng xấu trong toàn trường.
Tại một trường khác, phóng viên gặp một vị trong ban quản lý sinh viên. Ông này nói có biết hiện tượng này, nhưng sinh viên chỉ thuê nhà ở vài ngày cuối tuần chứ không ở lâu nên rất khó quản lý, nhà trường không thể cử người đi kiểm tra ký túc xá trong những ngày nghỉ cuối tuần, điều này trông chờ vào sự tự giác của bản thân sinh viên.
Giới cho thuê nhà: Cơ hội làm giàu khó bỏ qua
Trong vai một sinh viên đi thuê phòng ngắn hạn, phóng viên đã tìm đến một bà chủ công ty môi giới cho thuê nhà hỏi thuê một căn phòng trong 2 ngày. Bà chủ mới ngoài 30 tuổi này nhiệt tình tiếp đón và thẳng thắn: Công ty hiện chỉ còn mỗi một phòng trống, tất cả đã kín khách. Phóng viên hỏi sao mà "cháy" phòng như vậy, bà chủ hào hứng khoe đang dịp nghỉ lễ quốc khánh nên sinh viên tìm thuê phòng để sống chung rất đông, nhìn chung họ chỉ thuê từ 2 ngày đến 1 tuần. Về giá cả, bà cho biết cũng khá mềm: Một căn phòng khép kín có ti vi, giường đôi, tắm nóng lạnh chỉ lấy 40 tệ/ngày (gần 80.000 đồng), đủ cho một đôi uyên ương sống thoải mái, không bị làm phiền.
Theo giới thiệu của bà chủ công ty, phóng viên tìm đến một ngôi nhà 4 tầng ở đường Ninh Hải. Lên tầng 2, gõ cửa một buồng thì một người đàn bà ngoài 50 tuổi ra mở cửa vừa nhìn thấy đã hỏi ngay “Cô đến thuê phòng?”. Phóng viên gật đầu, bà ta liền dẫn vào một căn phòng rất sạch sẽ, đồ điện đầy đủ. Phóng viên hỏi: Ở đây có an toàn không? Bà ta đáp: Tôi cho thuê đã hơn l năm nay, chưa hề xảy ra chuyện gì. Vả lại chúng tôi có quan hệ chặt chẽ với công ty môi giới, chỉ người do họ giới thiệu đến tôi mới nhận. Nếu cảnh sát nửa đêm ập đến kiểm tra thì tôi bảo cô và bạn trai là họ hàng là xong thôi mà.
Các chuyên gia: Vô cùng lo lắng
Ông Khương Văn Sảnh, cán bộ Phân viện Giang Tô, Viện Nghiên cứu xã hội Trung Quốc, nói việc sinh viên đi thuê phòng là bước phát triển tất yếu của hiện tượng “sống thử”, sống chung trước hôn nhân, đây là một vấn đề mới mẻ. Số người thuê phòng phức tạp, thay đổi liên tục gây nên mối họa tiềm ẩn về vệ sinh, vi khuẩn có điều kiện lây lan, gây hại cho sức khỏe sinh viên. Mặt khác, cơ quan quản lý khó kiểm soát được các nhà cho thuê nên việc sinh viên tự tiện ra ở bên ngoài rất mất an toàn. Xã hội cần quan tâm đến vấn đề mới mẻ này và tìm biện pháp giải quyết, chặn đứng hiện tượng không lành mạnh này. Các trường phải quản chặt việc tạm trú của sinh viên, phải hình thành trong sinh viên một cơ chế giám sát lẫn nhau. Đối với những cặp sinh viên thuê nhà sống kiểu vợ chồng khi phát hiện được, ngoài việc phê bình giáo dục phải công khai tên tuổi trước cộng đồng để có tác dụng răn đe.
Bộ Giáo dục: Cấm triệt để
Sau khi báo chí đăng tải về vấn đề này, cuối tháng 10-2004. Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm sinh viên thuê nhà ở bên ngoài ký túc xá. Mặc dù còn nhiều tranh cãi quanh lệnh cấm này, nhưng nhìn chung các trường đều chấp hành nghiêm túc. Còn giới cho thuê nhà thì có ngay đối sách.
Phóng viên báo điện tử Thiên Long đã đi tìm hiểu thị trường nhà cho thuê Bắc Kinh sau khi có lệnh cấm. Tại khuôn viên Đại học Ngoại ngữ số II và Đại học Báo chí đều thấy có các tờ rơi quảng cáo “Có phòng cho thuê tùy ý, lâu hay chóng”. Không chỉ các nhà dân có phòng rỗi, các nhà nghỉ, khách sạn cũng hướng tới đối tượng sinh viên. Một khách sạn ở gần 2 trường này chuyên cung cấp phòng thuê theo giờ cho các đôi lứa uyên ương sinh viên muốn làm vợ chồng mà không cần kết hôn với khung giá: từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều thu 70 tệ. Người quản lý còn nói: Nếu có thẻ sinh viên thì còn được bớt giá, vừa an toàn lại đậm không khí văn hóa(!?)
Theo TP
▪ Ngáp và ham muốn tình dục (05/01/2005)
▪ Sở hữu... người yêu (04/01/2005)
▪ Nghệ thuật kéo dài tuổi thọ tình yêu (04/01/2005)
▪ Cần lắm, sự lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng (03/01/2005)
▪ Nếu có thể tha thứ, hãy đừng cố chấp (01/01/2005)
▪ Đàn ông thích cưới cấp dưới hay cấp trên? (31/12/2004)
▪ Đừng độc chiếm trái tim chàng (30/12/2004)
▪ Cảnh giác với ''cô hàng xóm'' (30/12/2004)
▪ Ý nghĩa của đám cưới (29/12/2004)
▪ Vô tư (30/12/2004)